Từng bước phát triển giao thông khác mức

Có một thực tế là thành phố đang từng bước phát triển giao thông khác mức để giải quyết bài toán giao thông đi lại trên địa bàn một siêu đô thị như TPHCM.
Từng bước phát triển giao thông khác mức

Có một thực tế là thành phố đang từng bước phát triển giao thông khác mức để giải quyết bài toán giao thông đi lại trên địa bàn một siêu đô thị như TPHCM.

Cho đến giờ phút này, giao thông đi lại tại thành phố, đô thị lớn nhất nước vẫn chủ yếu và đơn thuần là giao thông đồng mức. Tất cả và đủ loại phương tiện giao thông lớn bé, công cộng lẫn cá nhân, nội tỉnh lẫn ngoại tỉnh đều chen chúc trên cùng một mặt phẳng. Trong bối cảnh số lượng và mật độ phương tiện giao thông cứ càng lúc càng tăng theo đà phát triển còn diện tích đất dành cho giao thông thì không thể hoặc không dễ tăng thêm, vấn đề ùn ứ tắc nghẽn giao thông trở thành chuyện nóng thường trực cũng là điều dễ hiểu.

Giao thông khác mức tại quận Tân Bình, TPHCM. Ảnh: CAO MINH

Đành rằng có nhiều cách để giải quyết bài toán giao thông đô thị, từ giải pháp ngắn hạn đến giải pháp cho tương lai dài hạn, nhưng phát triển giao thông khác mức là một phương cách khả dĩ và khả thi, đặc biệt khi đang chờ các phương tiện giao thông công cộng số lượng lớn và hiện đại xuất hiện, như metro, monorail… Các cây cầu vượt Thủ Đức, Hàng Xanh - quận Bình Thạnh, Lăng Cha Cả (quận Tân Bình), cầu vượt tại giao lộ 3 Tháng 2 - Nguyễn Tri Phương - Lý Thái Tổ (quận 10), cầu vượt giao lộ Hoàng Hoa Thám - Cộng Hòa (quận Tân Bình) và cầu vượt tại vòng xoay Cây Gõ (quận 6) là những ví dụ điển hình cho hình thái giao thông khác mức, mặc dù chỉ mới ở mức độ từng điểm cục bộ. Tại các điểm nóng giao thông ấy, từ khi có cầu vượt bằng thép chia lửa, giao thông đi lại đã được cải thiện thấy rõ, mức độ thông hành phương tiện đã tốt hơn nhiều.

Có lẽ vì hiểu rõ điều đó, ngành giao thông vận tải đã giao nhiệm vụ cho các khu quản lý giao thông đô thị rà soát, nghiên cứu, lên kế hoạch để từng bước tiếp tục triển khai những hạng mục cầu vượt và hầm chui nữa trong thời gian tới, trong đó tất nhiên những điểm nóng ùn tắc hoặc có năng lực giao thông đã bị “ngộp” sẽ thuộc diện ưu tiên.

Theo kế hoạch, nếu không có gì trở ngại vào phút chót, trong năm 2016 này, ngành giao thông vận tải thành phố sẽ triển khai một số công trình giao thông khác mức Có thể nhắc đến dự án cầu vượt thép tại ngã sáu Gò Vấp. Nút giao thông ngã sáu Gò Vấp là nơi hội tụ toàn bộ các tuyến đường trục quan trọng của quận như Nguyễn Kiệm, Nguyễn Oanh, Quang Trung, Nguyễn Văn Nghi. Tồn tại lớn nhất ở ngã sáu Gò Vấp đó là tình trạng giao cắt giữa hướng lưu thông từ đường Quang Trung và đường Nguyễn Oanh đổ vào đường Nguyễn Văn Nghi với hướng lưu thông từ đường Phạm Ngũ Lão vào giao lộ. Điểm nóng này cũng có đặc điểm là hiện nay đa phần các tuyến đường trên đều có năng lực giao thông đã quá tải, đồng thời không có nhiều đường ngang giao cắt dạng bàn cờ để sẵn sàng “chia lửa” khi xảy ra ùn tắc giao thông. Có ý kiến cho rằng chính đặc thù này đã tạo ra nguy cơ cao về ùn tắc giao thông tại giao lộ huyết mạch thuộc loại hàng đầu quận Gò Vấp. Vấn đề này xem ra sẽ được hóa giải nếu có một cây cầu vượt. Ông Trần Anh Tuấn, Phó Chủ tịch UBND quận Gò Vấp, phụ trách mảng Quản lý đô thị nhận xét, nếu được xây dựng, cầu vượt tại ngã sáu Gò Vấp chắc chắn sẽ giúp ích rất nhiều trong việc giải quyết ách tắc giao thông ở cửa ngõ này.

Thật ra không phải chờ đợi đến bây giờ mà ngay từ cách đây vài năm, ngành chức năng đã tính tới việc phát triển cầu vượt thép cho giao lộ này. Thậm chí lẽ ra cầu vượt tại ngã sáu Gò Vấp đã được khởi công từ dịp lễ 30-4 năm ngoái và nếu đúng kế hoạch ấy thì đến lễ Quốc khánh 2-9-2015, việc thông xe cầu vượt cũng đã diễn ra. Được biết, ngành chức năng đang đẩy nhanh tiến độ thi công và theo lịch biểu, gói thầu chính - phần cầu vượt sẽ được thi công trong năm nay.

Tương tự, điểm nóng giao thông tại ngã tư An Sương sẽ được giải quyết một cách triệt để bằng phương án làm hầm chui. Nút giao An Sương là giao lộ của hai trục giao thông quan trọng ở cửa ngõ Tây Bắc thành phố, đó là tuyến quốc lộ 22 và quốc lộ 1. Trong khi tuyến quốc lộ 22 giữ vai trò vận chuyển hàng hóa, hành khách từ Tây Ninh và Campuchia về thành phố, nối vào trục đường xuyên tâm là đường Trường Chinh thì tuyến quốc lộ 1 có tác dụng vận chuyển hàng hóa, hành khách nối các tỉnh miền Đông, miền Tây Nam bộ. Chính sự tụ hội này đã dẫn tới sự tập trung khối lượng lớn các loại phương tiện giao thông qua nút và mặc dù hướng giao thông đi thẳng trên quốc lộ 1 hiện là khác mức, tức có cầu vượt, thế nhưng tất cả các hướng giao thông khác đều có khuynh hướng tập trung vào đảo trung tâm, từ đó gây quá tải cho nút giao An Sương. Trên thực tế, hướng giao thông quốc lộ 22 - Trường Chinh dẫn về trung tâm thành phố và ngược lại chiếm lưu lượng xe lớn nhất đổ qua. Vì thế, một khi được xây dựng, hầm chui sẽ theo hướng Trường Chinh - quốc lộ 22 và sẽ là hầm chui kép, tức là mỗi hướng giao thông một hầm. Theo các chuyên gia, nếu thực hiện được điều này, cơ quan chức năng cũng sẽ nghiễm nhiên giải quyết luôn được điểm đen trên tuyến. Giờ G được ấn định khởi công hầm chui An Sương là trong quý 4 năm nay.

Trong khi đó tại điểm nóng giao thông Nguyễn Văn Linh - Nguyễn Hữu Thọ, ngành giao thông vận tải thành phố cũng đã xác định giải pháp trong dài hạn là có 3 tầng giao thông tại đây thông qua xây dựng hầm chui dành cho xe đi thẳng trên đường Nguyễn Văn Linh và cầu vượt dành cho phương tiện có nhu cầu rẽ trái.

THIỆN NHÂN

Tin cùng chuyên mục