Từng bước xóa cầu tải trọng thấp

Tải trọng thấp và… “già”
Từng bước xóa cầu tải trọng thấp

Có một thực tế là suốt nhiều năm qua, những cây cầu có tải trọng thấp trên địa bàn thành phố đã từng bước được xóa dần và chiều hướng này sẽ còn tiếp tục trong thời gian tới.

Cầu trọng tải nhỏ tại TPHCM sẽ được thay thế trong thời gian gần đây. Ảnh: THÀNH TRÍ

Tải trọng thấp và… “già”

Cầu sắt Phú Long cũ bắc qua sông Sài Gòn là một ví dụ điển hình. Suốt từ sáng đến tối, trọn 7 ngày/tuần, lượng xe cộ lưu thông qua cầu sắt Phú Long nối liền đường Hà Huy Giáp (quận 12, TPHCM) với huyện Thuận An (tỉnh Bình Dương) gần như không lúc nào ngớt. Được người Pháp xây dựng vào năm 1913 với kết cấu ban đầu là cầu sắt, trong quá trình sử dụng và trải qua dặm dài lịch sử, đến nay cầu được đổ bê tông một phần mặt cầu, còn lại vẫn là kết cấu sắt. Hiện cây cầu hơn 100 năm tuổi này chỉ có tải trọng 8 tấn và chỉ cho phép người đi bộ, xe 2 bánh lưu thông, còn những phương tiện giao thông khác sẽ dùng cầu Phú Long mới.

Cầu sắt Phú Long cũ không phải là trường hợp duy nhất, bởi vì theo thống kê từ ngành chức năng, trong hơn 1.000 cây cầu các loại trên địa bàn thành phố, có không ít cầu thuộc diện cầu tải trọng thấp (dưới 30 tấn), trong đó có nhiều cầu tải trọng chỉ một vài tấn, thậm chí dưới 1 tấn. Điển hình là cầu Phước Lộc nằm trên địa bàn huyện Nhà Bè, có tải trọng chỉ 0,5 tấn; cầu Rạch Dơi cũng thuộc huyện Nhà Bè và cầu Hiệp Ân (quận 8), tải trọng 1 tấn; cầu Tân Kỳ Tân Quý nằm trên địa bàn phường Bình Hưng Hòa (quận Bình Tân) tải trọng 5 tấn… Những cây cầu có tải trọng thấp dưới chuẩn này dàn trải trên khắp địa bàn thành phố, từ trong nội thành cho đến quận ven, quận mới và huyện ngoại thành. Hầu hết cầu tải trọng thấp theo sự phân cấp quản lý thì thuộc trách nhiệm của các quận - huyện. Điểm ghi nhận tiếp theo là đa phần cầu có tải trọng thấp đều đã có tuổi thọ khá cao, mà trường hợp cầu sắt Phú Long cũ với hơn 100 năm tuổi là một dẫn chứng.

Một trong những hệ quả của tình trạng cầu tải trọng thấp dưới chuẩn này đó là gây ra sự không đồng bộ với tuyến đường hoặc với những cầu khác nằm dọc trên cùng tuyến giao thông. Tiếp theo, vì không đồng bộ nên tất yếu nảy sinh việc hạn chế tải trọng qua cầu, buộc các xe tải phải đi đường vòng để né! Đối với những cầu dù tải trọng thấp nhưng buộc phải tiếp tục duy trì giao thông, bấy giờ cơ quan quản lý sẽ phải tổ chức cắt đặt nhân sự trực gác 24/24 giờ, tức là phát sinh tốn kém. Trường hợp cầu sắt Phú Long cũ nêu trên là ví dụ. Suốt thời gian dài vừa qua, đơn vị quản lý cầu đã phải bố trí trạm gác ở cả hai đầu cầu. Cuối cùng, những cầu tải trọng thấp còn có một hạn chế thuần túy liên quan đến thẩm mỹ, bởi hầu hết đều có vẻ ngoài không được… “bảnh bao”.

Từng bước thay mới

Cái gì cũng có nguyên nhân của nó. Về mặt lịch sử, đa phần các cầu tải trọng thấp trên địa bàn thành phố vốn được xây dựng trong giai đoạn mà địa bàn các quận - huyện chưa có sự chuyển mình mạnh mẽ sang hướng đô thị hóa. Điều này giải thích vì sao nhiều cầu do địa phương quản lý lại thường có dáng dấp và mang đậm tính chất phục vụ cho giao thông nông thôn, thủy lợi!

Trong chiều hướng đảm bảo an toàn giao thông và để khai thác tối ưu kết cấu hạ tầng giao thông đô thị, việc đồng bộ hóa tải trọng cầu, tức chấn chỉnh, giải quyết thực trạng cầu tải trọng thấp là yêu cầu cấp thiết đặt ra cho TPHCM. Theo lộ trình đã được cơ quan chức năng hoạch định, trong thời gian tới, nhiều cầu có tải trọng thấp sẽ được xóa dần để thay thế bằng những cây cầu mới có tải trọng đạt tiêu chuẩn. Có thể nhắc đến cầu Hang Trong và cầu Hang Ngoài, cả hai cùng có tải trọng thấp với chỉ 8 tấn và cùng nằm trên địa bàn quận Gò Vấp. Hiện Sở GTVT TPHCM đã có dự án nâng cấp cầu Hang Trong lên 30 tấn kết hợp mở rộng đường Phan Văn Trị. Việc khởi công đã được lên lịch trong tháng 6 tới và hiện đang trong giai đoạn chi trả tiền giải tỏa mặt bằng. Riêng cầu Hang Ngoài cũng vừa được đề xuất xây dựng mới thành cầu tải trọng 30 tấn, mà nếu được bố trí vốn kịp thời thì sẽ khởi công trong năm 2017. Đối với cầu sắt Phú Long cũ, một khi cầu Bình Lợi mới hoàn tất đưa vào khai thác thì cầu sắt Phú Long cũ cũng sẽ được tháo dỡ hoàn toàn. Điều này dự kiến diễn ra vào năm tới.

Một điển hình sắp được thay mới khác là cầu Nhị Thiên Đường 1. Nằm trên đường Tùng Thiện Vương thuộc địa bàn quận 8, cầu Nhị Thiên Đường 1 vốn dĩ được xây dựng từ hồi thập niên 20 của thế kỷ trước, chính xác là năm 1925. Tính ra đến nay, cầu đã có hơn 90 năm khai thác. Theo đánh giá của các chuyên gia giao thông, cầu Nhị Thiên Đường 1 nói riêng và cả cầu Nhị Thiên Đường 2 nói chung giữ một vai trò điều phối thông thương quan trọng, bởi đặc thù nằm trên trục giao thông có chức năng đối ngoại, có thể kết nối với các vùng và các khu vực đô thị kế cận thông qua tuyến quốc lộ 50 như đường Phạm Thế Hiển, đường Tùng Thiện Vương, Bến Bình Đông, đường Tuy Lý Vương, đường Bùi Minh Trực, đường Nguyễn Văn Của… Mặc dù có vai trò trọng yếu như vậy, thế nhưng cầu Nhị Thiên Đường 1 đã xuống cấp nghiêm trọng và chỉ có tải trọng khai thác không quá 1,5 tấn. Sự hạn chế này sắp được giải quyết vì thành phố đã có dự án xây dựng mới cầu Nhị Thiên Đường 1.

Cũng có thể nhắc đến cầu thép Rạch Gia trên đường Vườn Lài thuộc quận 12. Cây cầu này trước năm 2009 chỉ có tải trọng 2,5 tấn. Đến năm 2010, Sở GTVT mà đại diện là Khu Quản lý giao thông đô thị số 3 đã tiến hành sửa chữa, gia cố nâng tải trọng lên thành 8 tấn. Đến nay, ngành chức năng đã có dự án xây dựng mở rộng đường Vườn Lài, trong đó dĩ nhiên bao gồm hạng mục làm mới cầu Rạch Gia cho đồng bộ tải trọng với toàn tuyến đường Vườn Lài.

THIỆN NHÂN

Tin cùng chuyên mục