Tuổi thơ vàng thời Xô Viết của em

“Tuổi thơ của ta đi đâu rồi? Ta tìm ở thành phố nào đây? - những lời ca ấy vang lên trong một bài hát thiếu nhi rất nổi tiếng dưới thời Xô Viết. Và có thể thêm vào đó như thế này: Chúng ta sợ những năm tháng ấy biến mất mãi mãi. Những ai ở những thập niên 1960, 1970, 1980 là những cậu bé, cô bé - thì hôm nay, với niềm tự hào chúng ta có thể khẳng định: Tuổi ấu thơ thuở ấy là thứ trời phú không còn bao giờ lặp lại. Hôm nay chúng ta nhớ lại những năm tháng ấy với lòng xúc cảm ấm áp và sự biết ơn...”.
Tuổi thơ vàng thời Xô Viết của em

“Tuổi thơ của ta đi đâu rồi? Ta tìm ở thành phố nào đây? - những lời ca ấy vang lên trong một bài hát thiếu nhi rất nổi tiếng dưới thời Xô Viết. Và có thể thêm vào đó như thế này: Chúng ta sợ những năm tháng ấy biến mất mãi mãi. Những ai ở những thập niên 1960, 1970, 1980 là những cậu bé, cô bé - thì hôm nay, với niềm tự hào chúng ta có thể khẳng định: Tuổi ấu thơ thuở ấy là thứ trời phú không còn bao giờ lặp lại. Hôm nay chúng ta nhớ lại những năm tháng ấy với lòng xúc cảm ấm áp và sự biết ơn...”.

Tác giả của bài báo đăng trên tờ Sự thật thanh niên (Nga) số ra gần đây đã mở đầu bài viết của mình như vậy, khi giới thiệu về ngày hội dành cho cả trẻ em và người lớn mang tên “Tuổi thơ vàng thời Xô Viết của em” diễn ra hôm khai mạc “Bảo tàng Tuổi thơ”.

Ý tưởng này xuất hiện khi Nhà hát “Trường học của kịch hiện đại” dàn dựng lại vở kịch dành cho các em một thời - Ông cậu Xtepan. Những diễn viên sân khấu và điện ảnh nổi tiếng có mặt vào đêm hôm ấy đã chia sẻ với các em nhỏ những kỷ niệm về thời ấu thơ của mình. Một sáng kiến bất ngờ được nêu lên: Ai còn giữ được những món đồ chơi mua ở cửa hàng “Thế giới trẻ em” vào những năm 1960, 1970, 1980 hãy gom góp lại để tạo ra một cuộc trưng bày. Tiếp nối, một ủy ban phụ trách ngày hội “Tuổi thơ vàng thời Xô Viết của em” được thành lập bao gồm những nhà hoạt động văn hóa, các văn nghệ sĩ nổi tiếng, những người làm công tác bảo tàng có thâm niên… Nhưng tất cả họ có một điểm chung - đều là những cô bé, cậu bé dưới thời Xô Viết.

Cửa hàng “Thế giới trẻ em” nằm tại khu Lubiansco, Moskva suốt mấy chục năm trong chính quyền Xô Viết không chỉ được các em nhỏ mà cả các bậc cha mẹ của các em rất yêu thích. Đã thành thông lệ, vào những dịp hội hè, các ngày lễ tết hoặc khi các cậu, các cô bé đạt điểm cao trong học tập, các em đều được cha mẹ đưa tới cửa hàng “Thế giới trẻ em” mua một thứ đồ chơi, một bộ trang phục mà các em tự chọn. Trong công cuộc xã hội hóa cửa hàng “Thế giới trẻ em” chuyển qua sự quản lý của Tập đoàn Gals - Development để trùng tu, làm mới lại và mang tên “Bảo tàng Tuổi thơ”.

Vài món đồ chơi trẻ em dưới thời Xô Viết còn lưu giữ được

Ban giám đốc “Bảo tàng Tuổi thơ” đã hưởng ứng ngay sáng kiến mở ngày hội “Tuổi thơ vàng thời Xô Viết của em”. Tính tới năm 2015 đã có trên 1.500 món đồ chơi từ thời Xô Viết đã được sưu tập và trưng bày tại ngày hội.

Hàng chục ngàn khách tham quan người lớn và trẻ em đã tham gia ngày hội “Tuổi thơ vàng thời Xô Viết của em”. Các bậc làm ông, làm bà bùi ngùi xúc động chỉ cho đám cháu con thấy những đồ chơi dành cho họ trong những năm  Xô Viết xa xưa, kể cho chúng nghe những kỷ niệm không bao giờ quên của tuổi thơ vào những năm tháng đó. Như bổ sung cho cuộc trưng bày những hiện vật kia, tại ngày hội còn chiếu những bộ phim hoạt hình, diễn những vở kịch đã in đậm trong trí nhớ của trẻ em Xô Viết. Các dàn đồng ca, các ca sĩ đã hát những bài hát dành cho các em, kể cả trong những năm tháng chiến tranh Vệ quốc lẫn thời kỳ xây dựng trong hòa bình. Người ta còn công phu đưa tới cả những chuyến xe buýt xưa kia chở các em tới trường, những toa xe lửa dành riêng chở các em tới các trại nghỉ dưỡng vui chơi vào mùa hè…

Trong những ngày hội “Tuổi thơ vàng thời Xô Viết của em” cũng diễn ra những cuộc hội thảo. Nước Nga đã bước qua cơ chế thị trường cả chục năm nay. Ấy thế nhưng ý kiến phát biểu đều như gặp nhau: Chưa có bao giờ tại nước Nga trẻ em được chăm lo, săn sóc, giáo dục kỹ càng như trong những thập niên 1960, 1970, 1980: có nhà sách xuất bản riêng cho thiếu nhi, có cả một hãng phim dành cho thanh thiếu niên. Tại các nước cộng hòa thuộc Liên Xô cũ đều có những ngôi trường dành riêng để phát hiện và đào tạo các mầm non nhân tài ngay từ tuổi lên 5, lên 6…

Ý kiến trong các cuộc hội thảo đều gặp nhau ở một điểm: Trẻ em dưới thời Xô Viết được sống, học hành, vui chơi trong bầu không khí xã hội trong sạch, lành mạnh, tuyệt nhiên không có những độc tố như bạo lực, sex, nghiện ngập… Mọi phúc lợi xã hội dành cho các em nhỏ đều được phân phối bình đẳng giữa con em của các gia đình trí thức với con em xuất thân từ các gia đình công nhân, nông trang viên nông trường…

Hai điểm ưu việt này bây giờ bỗng trở thành nỗi ước ao, niềm hy vọng trong việc nuôi dạy trẻ em ở nước Nga hiện nay…

TÔ HOÀNG (theo Báo Sự thật thanh niên, Nga)

Tin cùng chuyên mục