
Tối 1-5, tại Nghĩa trang liệt sĩ thị xã Hội An, Quảng Nam, Phòng VHTT thị xã phối hợp với UBND thị xã Hội An tổ chức lễ tưởng niệm 35 năm ngày hy sinh của liệt sĩ, nhà văn, nhà báo Chu Cẩm Phong (1-5-1971 - 1-5-2006). Trong ánh rực rỡ của hoa đăng giữa chốn thiêng liêng, các đồng chí, đồng đội của Chu Cẩm Phong đã ôn lại những ngày cùng anh chiến đấu.

Chu Cẩm Phong tên thật là Trần Tiến, sinh tại Hội An. Năm 1954, anh theo cha tập kết ra Bắc, học trường học sinh miền Nam rồi thành sinh viên khoa Ngữ văn Trường ĐHTH Hà Nội. Tốt nghiệp năm 1964, Chu Cẩm Phong được cử đi học tiếp ở nước ngoài nhưng anh đã từ chối và tình nguyện vào chiến đấu tại chiến trường miền Nam - nơi quê hương anh còn rên xiết dưới gót giày giặc ngoại xâm.
Không chỉ là người chiến sĩ trực tiếp cầm súng chiến đấu tại các tuyến lửa Quảng Nam, Quảng Đà, Quảng Ngãi…, Chu Cẩm Phong còn là một phóng viên chiến trường và là nhà văn nổi tiếng với những tác phẩm: Vườn cây ăn quả nhà mẹ Thám, Gió lộng từ Cửa Đại, Mặt biển-mặt trận, Rét tháng giêng, Con chị Hiền…
Chu Cẩm Phong hy sinh ngày 1-5-1971 trong một trận càn của Mỹ-ngụy tại thôn Vĩnh Cường, xã Xuyên Phú (nay là xã Duy Tân, huyện Duy Xuyên, Quảng Nam). Khi Chu Cẩm Phong ngã xuống, một sĩ quan ngụy tham gia trận càn đã nhặt được cuốn nhật ký của anh. Những dòng nhật ký như những dòng máu đỏ rát bỏng khiến người sĩ quan bên kia chiến tuyến thán phục, kính trọng và mang tặng lại cho một người bạn là sĩ quan ở Phòng Chiến tranh chính trị (ngụy). Tại đây, cuốn nhật ký của Chu Cẩm Phong được nâng niu cất giữ như một “báu vật”.
Ngày đất nước thống nhất, người sĩ quan ngụy đã mang đến Hội Văn nghệ giải phóng miền Trung Trung bộ giao nộp cuốn nhật ký và sau này được xuất bản thành cuốn “Nhật ký chiến tranh của Chu Cẩm Phong”.
Những trang cuối của cuốn nhật ký Chu Cẩm Phong có đoạn: “…mình có thể hy sinh trong mùa xuân lịch sử này lắm. Nếu mình ngã xuống như Phương Thảo, Văn Cận, Xuân Quý, thì ba mình và nhất là mẹ, sẽ đau khổ đến dường nào. Mình biết điều đó. Mình là đứa con trai được cả nhà yêu thương… nhưng dầu thế nào mình cũng không xê dịch cái phương châm sống của mình: dũng cảm, say sưa và quên mình như những chiến sĩ cộng sản đi trước. Dẫu ngã xuống một giờ, nửa giờ trước khi ta giành thắng lợi hoàn toàn, cũng hạnh phúc lắm thay!”.
Tại buổi tưởng niệm, những đồng chí, đồng đội, nhà báo, nhà văn, nhà thơ đã nhận xét: “Chu Cẩm Phong là một tượng đài của những người cầm bút…”.
NG.KH. - M.H