Trong khi một số tuyến du lịch gắn kết với làng nghề truyền thống đầu tư bạc tỷ đang “trùm mền” thì Ban tổ chức Festival Huế 2010 mở thêm một loạt tuyến du lịch cộng đồng, sinh thái từ phá Tam Giang - Cầu Hai kéo dài đến các huyện miền núi Nam Đông, A Lưới. Liệu việc mở rộng không gian, đa dạng loại hình du lịch để tăng thời gian lưu trú của du khách có trượt dài theo vết xe cũ?
Thoi thóp làng nghề
Làng nghề đúc đồng Phường Đúc nằm ở ven bờ Nam sông Hương, đoạn từ cầu Giã Viên lên phía Long Thọ, cách trung tâm TP Huế khoảng 3km về phía Tây Nam. Hơn hai thế kỷ trước, những người thợ tài hoa làng này đã chế tác cho cố đô Huế nhiều tác phẩm danh tiếng như: Đại Hồng Chung tại chùa Thiên Mụ; những chiếc vạc đồng, nghi môn bằng đồng - bộ tác phẩm nghệ thuật với 162 hình khắc chạm nổi. Hiện làng Phường Đúc còn hơn 30 hộ gắn bó với nghề đúc đồng. Sản phẩm làm ra chủ yếu theo đơn đặt hàng như chuông, tượng Phật, tượng thờ... Vì vậy, nhiều hộ không mấy mặn mà tiếp nối nghề truyền thống.
Năm 2006, với mục đích gắn kết làng nghề với du lịch - một hình thức xuất khẩu sản phẩm tại chỗ - trong đó có khôi phục làng nghề đúc đồng Phường Đúc, UBND TP Huế đã đầu tư 4,5 tỷ đồng xây dựng Trung tâm Giới thiệu sản phẩm làng nghề đúc truyền thống Huế với các hạng mục: nhà truyền thống rộng 256m², 12 kiốt với diện tích 356m², khu văn phòng, hệ thống chiếu sáng, bãi đậu xe... Thế nhưng, sau Festival nghề truyền thống Huế 2007 kết thúc, trung tâm này cũng… kết thúc luôn vì khách vắng hoe.
Phó Chủ tịch UBND phường Phường Đúc, Nguyễn Tiến Long, giãi bày: Xuất phát từ ý tưởng, “Làng nghề truyền thống Huế muốn bảo tồn và phát huy thì phải gắn với du lịch” nên mới có sự ra đời của Trung tâm Giới thiệu sản phẩm làng nghề đúc truyền thống Huế. Nhưng khi trung tâm đi vào hoạt động, ngành du lịch lại “quên” xây dựng lộ trình đưa du khách đến tham quan, mua sắm ở làng nghề. Một số hãng du lịch từ Hà Nội và TPHCM đến đặt vấn đề phối hợp xây dựng tuyến du lịch nhưng họ cứ đến rồi lại đi...
Đó cũng là tình cảnh tương tự với làng nghề gốm Phước Tích, hoa giấy Thanh Tiên...
Trăm ngàn lý do
Ông Nguyễn Quốc Thành, Phó Giám đốc Sở VHTT-DL tỉnh Thừa Thiên-Huế, nhìn nhận: Xây dựng tuyến du lịch gắn kết với làng nghề là một trong những giải pháp quan trọng nhằm mở rộng không gian, đa dạng hóa các loại hình du lịch. Tuy nhiên, tuyến du lịch làng nghề có thật sự hấp dẫn du khách lâu dài, có đúng ý đồ của những người hoạch định hay không thì chỉ riêng ngành du lịch không, chưa đủ, nếu không có sự tự vận động của các làng nghề cùng nỗ lực chung tay của nhiều ngành.
Lỗi hẹn nghệ thuật điêu khắc tượng |
Điêu khắc tượng đã trở thành hoạt động nghệ thuật song hành với Festival Huế qua 5 kỳ tổ chức. Nhưng festival này, ban tổ chức quyết định không đưa Trại sáng tác điêu khắc quốc tế vào nội dung chương trình. Về việc này, ông Nguyễn Duy Hiền, Giám đốc Trung tâm Festival Huế, cho biết: “Festival Huế 2010, ban tổ chức không tổ chức hoạt động điêu khắc tượng vì chưa xây dựng được trại sáng tác điêu khắc quốc tế chuyên nghiệp!”. |
Thời kinh tế thị trường, làng nghề truyền thống muốn phát triển cần sớm có thương hiệu, bởi chỉ dừng lại ở nhãn hiệu thì quá đơn giản. Nhưng trước khi xác lập thương hiệu, mỗi sản phẩm phải có bản sắc riêng biệt, có sức hấp dẫn với khách hàng và quan trọng hơn là tính ổn định về chất lượng sản phẩm. Bản thân các sản phẩm phải chứa đựng những giá trị như thế thì người tiêu dùng mới tiếp nhận.
Trong quá trình bảo tồn và phát triển, nhờ tư vấn, xây dựng thương hiệu thì nhãn hiệu sẽ đi vào trí nhớ người tiêu dùng, việc kinh doanh thuận lợi hơn rất nhiều. Đặc biệt, làng nghề muốn trở thành điểm đến của khách du lịch cần sự đang dạng về mẫu mã và chất lượng sản phẩm. Thế nhưng, phần lớn sản phẩm và dịch vụ tại các làng nghề ở Huế lại quá đơn điệu, thiếu nét đặc trưng. Đặc biệt, khâu tiếp thị rồi hướng dẫn viên tại các làng nghề đã thiếu lại yếu, người dân làng nghề cũng chưa có đầy đủ kiến thức về cách thức phục vụ khách du lịch, nhất là ngoại ngữ... Trong khi khách tham quan đến với làng nghề phần nhiều là khách quốc tế.
Vậy nên, tuyến du lịch sinh thái cộng đồng phá Tam Giang - Cầu Hai với tên gọi “Sóng nước Tam Giang” được xem là kỳ vọng của ngành du lịch Thừa Thiên - Huế trong khuôn khổ Festival Huế 2010 (từ ngày 5 đến 13-6) liệu có “thoi thóp, trùm mền” như tuyến du lịch làng nghề?
Ông Thành, trấn an: Đầm phá Tam Giang - Cầu Hai với diện tích trên 22.000ha mặt nước, trải dài qua 5 huyện (Phong Điền, Quảng Điền, Hương Trà, Phú Vang, Phú Lộc) được mệnh danh là “biển cạn”, là vùng đất ngập mặn lớn nhất Đông Nam Á. Ngoài giá trị môi trường sinh thái của tiểu vùng khí hậu trung Trung bộ, đầm phá Tam Giang - Cầu Hai còn ẩn chứa tiềm năng du lịch đa dạng về sinh thái, nghỉ dưỡng, văn hóa. Vì vậy với sự chuẩn bị chu đáo, hy vọng đây sẽ là tuyến du lịch sinh thái cộng đồng trúng nhiều mục đích: giúp ngành du lịch phát triển, nâng cao hiệu quả và cải thiện thu nhập cho cộng đồng dân cư, tiếp tục bảo vệ môi trường vùng đầm phá Tam Giang - Cầu Hai…
Hy vọng tuyến du lịch sinh thái “Sóng nước Tam Giang” không bị bỏ bê như các làng nghề sau Festival Huế 2010 này!
VŨ VĂN THẮNG