Tuyển sinh ĐH - CĐ và TCCN 2012: Nhiều nội dung mới

Ngày 6-3, Bộ GD-ĐT đã công bố thông tin chính thức về tuyển sinh TCCN năm 2012. Theo đó, về cơ bản, công tác tuyển sinh TCCN năm nay được thực hiện tương tự năm 2011 nhưng có một số điều chỉnh.
Tuyển sinh ĐH - CĐ và TCCN 2012: Nhiều nội dung mới

(SGGP). – Ngày 6-3, Bộ GD-ĐT đã công bố thông tin chính thức về tuyển sinh TCCN năm 2012. Theo đó, về cơ bản, công tác tuyển sinh TCCN năm nay được thực hiện tương tự năm 2011 nhưng có một số điều chỉnh.

Cụ thể, về hình thức tuyển sinh, năm 2012, Bộ GD-ĐT quy định thống nhất việc tuyển sinh TCCN tiếp tục được thực hiện theo hình thức xét tuyển để tuyển sinh (riêng đối với các trường tuyển sinh đào tạo ngành năng khiếu, môn văn hóa được thực hiện theo hình thức xét tuyển, môn năng khiếu do hiệu trưởng nhà trường quyết định thi tuyển hoặc xét tuyển để tuyển sinh). Việc xét tuyển dựa trên căn cứ kết quả học tập ở phổ thông hoặc kết quả thi tuyển sinh vào đại học, cao đẳng năm 2012 của thí sinh. Các trường có thể tổ chức xét tuyển nhiều đợt trong năm, tuyển nhiều loại đối tượng theo quy định với những tiêu chí xét tuyển phù hợp để tuyển sinh theo chỉ tiêu đào tạo đã được xác định của trường.

Các em học sinh nêu thắc mắc với các nhà tư vấn ngành nghề. Ảnh: MAI HẢI

Các em học sinh nêu thắc mắc với các nhà tư vấn ngành nghề. Ảnh: MAI HẢI

Về đối tượng tuyển sinh, là học sinh đã tốt nghiệp THPT hoặc tương đương, đã tốt nghiệp THCS hoặc tương đương (tùy theo đối tượng tuyển của từng trường), có đủ điều kiện dự tuyển vào TCCN theo quy định của Quy chế tuyển sinh TCCN hiện hành.

Đối với đối tượng đã hoàn thành chương trình THPT, bổ túc THPT (hoặc tương đương) nhưng chưa đủ điều kiện để được công nhận tốt nghiệp THPT, việc xét tuyển vào TCCN được thực hiện theo Công văn số 2472/BGDĐT-GDCN hướng dẫn tuyển sinh TCCN năm 2008. Việc tổ chức thi hết môn học, thi tốt nghiệp các môn văn hóa phổ thông có kết quả dưới 5,0 được thực hiện theo quy định của Quy chế đào tạo TCCN hệ chính quy.

Đối với đối tượng là người nước ngoài có nguyện vọng học TCCN tại Việt Nam, hiệu trưởng các trường căn cứ kết quả học tập ở phổ thông của thí sinh, kết quả kiểm tra kiến thức và tiếng Việt theo quy định của trường để xem xét quyết định cho vào học.

Bộ nêu rõ, các trường vi phạm Quy chế tuyển sinh TCCN và các quy định hiện hành về đào tạo TCCN trong năm 2011 (liên kết đào tạo, đào tạo theo địa chỉ không đúng quy định; không thực hiện việc báo cáo kết quả tuyển sinh năm 2011 và kế hoạch tuyển sinh năm 2012; các trường không thực hiện nghiêm túc yêu cầu 3 công khai theo quy định của Bộ GD-ĐT; tuyển sinh những ngành chưa được phê duyệt mở ngành; xác định sai chỉ tiêu tuyển sinh so với quy định hoặc tuyển sinh vượt chỉ tiêu đã xác định…), bộ sẽ xem xét và điều chỉnh giảm chỉ tiêu đào tạo TCCN năm 2012 hoặc có thể không xác định chỉ tiêu đào tạo TCCN năm 2012...

Cùng ngày, ĐH Quốc gia TPHCM (ĐHQG TPHCM) thống nhất các phương án tuyển sinh trong kỳ tuyển sinh ĐH-CĐ 2012. Nhiều nội dung mới liên quan đến đảm bảo quyền lợi của thí sinh đã được đưa ra bàn thảo và thống nhất.

Theo đó, năm 2012 các trường ĐH thành viên của ĐHQG TPHCM đều bổ sung thêm khối thi A1 (toán, lý, tiếng Anh) cho một số ngành và nhóm ngành. Riêng Trường ĐH Bách khoa bổ sung khối A1 cho tất cả các ngành, nhóm ngành có tuyển sinh khối A.

Ngoài ra, ĐHQG TPHCM cũng thống nhất một số điểm mới sau: Áp dụng nhân hệ số trong xây dựng điểm chuẩn (điểm trúng tuyển) ở một số trường như môn toán khối A (Trường ĐH Công nghệ Thông tin), môn toán khối A, A1, D1 (Trường ĐH Kinh tế - Luật), môn ngoại ngữ (tiếng Anh, tiếng Nga, tiếng Pháp, tiếng Đức) vào các ngành ngoại ngữ, môn văn (ngành văn học, ngôn ngữ), môn sử (ngành lịch sử), môn địa lý (ngành địa lý) của Trường ĐH Khoa học xã hội - Nhân văn. Các trường thành viên còn lại chưa áp dụng nhân hệ số. Đối với những ngành có nhiều khối thi, điểm chuẩn được xác định theo từng khối.

Các trường thành viên của ĐHQG TPHCM cũng thống nhất năm 2012 không áp dụng hình thức nguyện vọng (NV)1C mà chỉ áp dụng NV1B. Theo đó, thí sinh không trúng tuyển NV1 vào ngành đã đăng ký nếu có NV sẽ được chuyển vào những ngành khác (có cùng khối thi) trong tất cả các trường, khoa thành viên thuộc ĐHQG TPHCM. Thời gian xét tuyển NV1B tính từ ngày 16-8 và công bố điểm vào ngày 25-8. Các trường thành viên cũng thống nhất nhận hồ sơ đăng ký xét tuyển NV2 từ ngày 25-8 đến ngày 10-9 và không nhận giấy báo điểm photocopy. Ngoài ra, thí sinh được rút hồ sơ xét tuyển NV2 từ ngày 5 đến ngày 10-9.

Về vấn đề mã ngành (mã tuyển sinh), ĐHQG TPHCM thống nhất theo quy định mã ngành cấp IV của Bộ GD-ĐT theo Thông tư 14 ban hành năm 2010. Tuy nhiên, một số ngành ở các trường (kể cả những ngành đào tạo chính thức và đào tạo thí điểm) không có trong Thông tư 14 sẽ được đổi tên.

Xung quanh vấn đề xem xét tuyển thẳng học sinh THPT ở 62 huyện nghèo theo Nghị quyết 30a của Chính phủ, nhiều trường chưa thống nhất vì hiện chưa có phương án, kế hoạch đào tạo bổ sung kiến thức trong một năm trước khi vào học chương trình chính thức.

Trước thực tế này, TS Nguyễn Đức Nghĩa, Phó Giám đốc ĐHQG TPHCM, cho biết sẽ có kiến nghị với Bộ GD-ĐT để có phương án cụ thể hơn thay vì để các trường gánh thêm chương trình đào tạo bổ sung (dự bị). Ngoài vấn đề nói trên, TS Nguyễn Đức Nghĩa cũng cho biết sẽ trao đổi thêm với Bộ GD-ĐT về quy định tuyển thẳng học sinh đoạt giải nhất, nhì, ba kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia THPT năm 2012. Bởi lẽ quy định này sẽ thiệt thòi cho những học sinh lớp 12 đã đoạt giải năm 2010, năm 2011. 

LÂM NGUYÊN - THANH HÙNG

Tin cùng chuyên mục