Tuyển sinh vượt chỉ tiêu - Lờn thuốc

Từ năm 2009 đến nay, năm nào danh sách các trường ĐH-CĐ tuyển vượt chỉ tiêu cũng dài tít tắp. Tuy nhiên, Bộ GD-ĐT chỉ đưa ra mức xử phạt hành chính nặng nhất là 60 triệu đồng, chỉ tiêu tuyển vượt của năm trước sẽ bị trừ vào chỉ tiêu năm sau dường như đã bị “lờn thuốc” khi các trường tuyển vượt vẫn liên tiếp tái diễn. Liệu tình trạng này có được khắc phục khi năm nay Bộ GD-ĐT giao các trường tự xác định chỉ tiêu dựa trên tiêu chí tỷ lệ sinh viên trên giảng viên và diện tích xây dựng trên mỗi sinh viên.
Tuyển sinh vượt chỉ tiêu - Lờn thuốc

Từ năm 2009 đến nay, năm nào danh sách các trường ĐH-CĐ tuyển vượt chỉ tiêu cũng dài tít tắp. Tuy nhiên, Bộ GD-ĐT chỉ đưa ra mức xử phạt hành chính nặng nhất là 60 triệu đồng, chỉ tiêu tuyển vượt của năm trước sẽ bị trừ vào chỉ tiêu năm sau dường như đã bị “lờn thuốc” khi các trường tuyển vượt vẫn liên tiếp tái diễn. Liệu tình trạng này có được khắc phục khi năm nay Bộ GD-ĐT giao các trường tự xác định chỉ tiêu dựa trên tiêu chí tỷ lệ sinh viên trên giảng viên và diện tích xây dựng trên mỗi sinh viên.

  • Năm nào cũng vượt

Năm nay, Bộ GD-ĐT công bố phạt 20 trường vi phạm tuyển sinh, trong đó phần lớn các trường vướng vào tuyển vượt chỉ tiêu. Dẫn đầu danh sách các trường tuyển vượt chỉ tiêu năm 2011 là Trường ĐH Kinh tế TPHCM vượt đến 38%. Tiếp đến là các trường như ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội, Trường ĐH Khoa học Xã hội - Nhân văn (ĐH Quốc gia Hà Nội) vượt từ 16% - 27%.

Nhìn lại mùa tuyển sinh 2010, mức tuyển vượt chỉ tiêu lại càng chóng mặt hơn. 15 trường bị xử phạt tuyển vượt chỉ tiêu do Bộ GD-ĐT công bố xử phạt và khấu trừ chỉ tiêu tuyển sinh năm 2011 gồm: Trường ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội (vượt 32,4%); ĐH Kỹ thuật Y tế Hải Dương (vượt 25%); ĐH Thăng Long (vượt 23%); Trường CĐ Kinh tế - Công nghiệp Hà Nội (vượt 49%); Trường CĐ Viễn Đông (vượt 36,6%); Trường CĐ Giao thông vận tải II (vượt 30,8%); Trường CĐ Xây dựng Nam Định (vượt 27%); Trường CĐ Bình Định (vượt 22%); Trường CĐ Y tế Bình Thuận (vượt 25%); Trường CĐ Hàng Hải (vượt 21,2%); Trường CĐ Xây dựng số 2 (vượt 20,7%).

Trước đó một năm, có đến 38 trường ĐH-CĐ bị “dính chưởng” về vi phạm tuyển vượt chỉ tiêu. Đầu tiên là Trường ĐH Phan Thiết, với tỉ lệ tuyển vượt lên đến 91,73%. Tiếp đó là các Trường CĐ Cần Thơ (88,64%), Trường CĐ Điện tử điện lạnh Hà Nội (63%), Trường ĐH Kỹ thuật Công nghệ TPHCM (21,81%)... Ngoài việc bị khấu trừ chỉ tiêu tuyển mới, các trường này còn bị phạt từ 20 triệu - 60 triệu đồng tùy theo mức độ vượt chỉ tiêu.

Một điều đáng nói nữa là những đơn vị bị xử phạt này chỉ chấp hành việc phạt tiền còn việc khấu trừ chỉ tiêu tuyển mới phần lớn là... lãng quên. Thực tế nhiều trường tuyển vượt 20%-40% nhưng chỉ tiêu tuyển mới không giảm mà lại còn cao hơn so với năm trước.

Năm 2012, Bộ GD-ĐT kiên quyết xử lý mạnh tay với các trường tuyển vượt và gian lận trong xác định chỉ tiêu. (Trong ảnh: Thí sinh dự thi vào Trường ĐH Luật TPHCM đang làm bài thi). Ảnh: T.Hùng

Năm 2012, Bộ GD-ĐT kiên quyết xử lý mạnh tay với các trường tuyển vượt và gian lận trong xác định chỉ tiêu. (Trong ảnh: Thí sinh dự thi vào Trường ĐH Luật TPHCM đang làm bài thi). Ảnh: T.Hùng

  • Xử phạt chưa đủ

Kỳ tuyển sinh ĐH-CĐ năm 2012, Bộ GD-ĐT giao các trường tự xác định chỉ tiêu dựa trên tiêu chí tỷ lệ sinh viên trên giảng viên và diện tích xây dựng trên mỗi sinh viên. Tuy nhiên, một điều khá bất ngờ là quy định “cứng” này đã bị các trường phớt lờ. Theo Thứ trưởng Bùi Văn Ga, tới thời điểm này Bộ GD-ĐT nhận được đăng ký chỉ tiêu của 133/176 trường ĐH và 152/212 trường CĐ. Trong đó có 94 trường (55 trường ĐH và 39 trường CĐ) đăng ký chỉ tiêu vượt quá năng lực thực tế của trường. Đáng nói hơn, trong số những trường đăng ký vượt năng lực thực tế có đến 10 trường ĐH nếu áp dụng đúng tiêu chí xác định chỉ tiêu thì chỉ tiêu tuyển sinh năm 2012 chỉ bằng 0.

Thực tế rất nhiều trường liên tục tuyển vượt chỉ tiêu trong nhiều năm liền. Điển hình như Trường ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội năm 2009 tuyển vượt 43,6%, năm 2010 tuyển vượt 32,4% và năm 2011 tuyển vượt 24,3%; Trường CĐ Bách Việt năm 2010 tuyển vượt 16%, năm 2009 vượt 34,93%... Đáng ngại hơn, khi chính các trường tuyển vượt chỉ tiêu lại phấn khởi, cho rằng: “Chúng tôi chấp nhận phạt tiền vì chỉ cần thu học phí của 5, 10 sinh viên trong một học kỳ là đủ để đóng phạt rồi. Nếu không chịu phạt thì đâu có sinh viên để đào tạo”.

Để siết chặt và đảm bảo tính công bằng, Bộ GD-ĐT cho biết: Quy chế tuyển sinh năm nay sẽ bổ sung biện pháp chế tài xử lý cảnh cáo hoặc có hình thức kỷ luật cao hơn đối với hiệu trưởng và những người khác liên quan nếu kê khai các tiêu chí xác định chỉ tiêu tuyển sinh không đúng, không trung thực. Ngoài ra, thông tư 57 ban hành ngày 2-11-2011 cùng quyết định về xác định chỉ tiêu tuyển sinh trong năm 2012, Bộ GD-ĐT cũng quy định rõ nếu có gian lận trong việc xác định chỉ tiêu tuyển sinh, thì tùy theo mức độ sẽ bị đình chỉ tuyển sinh đồng thời bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định hiện hành. Khi nào phát hiện sai phạm thì sẽ xử lý, dù sai phạm xảy ra vào thời điểm nào.

"Bộ GD-ĐT cần xem lại biện pháp chế tài đối với các trường vi phạm trong tuyển sinh. Với cách xử phạt như hiện nay thì các trường sẵn sàng chấp nhận xử phạt để tuyển vượt chỉ tiêu. Bộ nên nghiêm khắc hơn và xử lý nặng đối với chủ tịch hội đồng tuyển sinh (hiệu trưởng các trường) nếu tái diễn vi phạm tuyển vượt chỉ tiêu"

TS Nguyễn Đức Nghĩa
Phó Giám đốc ĐH Quốc gia TPHCM

THANH HÙNG

Tin cùng chuyên mục