(SGGPO). – Chiều nay, 22-5, Quốc hội thảo luận về dự thảo Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật trước Quốc hội, ông Phan Trung Lý, Chủ nhiệm Ủy ban pháp luật của Quốc hội cho biết, vẫn còn 2 loại ý kiến về thẩm quyền ban hành và hình thức văn bản quy phạm pháp luật của HĐND và UBND cấp huyện, cấp xã.
Ông Phan Trung Lý, Chủ nhiệm Ủy ban pháp luật. Ảnh: Lã Anh
Cụ thể, loại ý kiến thứ nhất đề nghị quy định cấp huyện, cấp xã được ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Loại ý kiến thứ hai đề nghị không quy định cấp huyện, cấp xã được ban hành văn bản quy phạm pháp luật, vì thực tế thời gian qua ở nhiều địa phương đã không ban hành văn bản quy phạm pháp luật hoặc nếu ban hành thì có nhiều văn bản của cấp huyện, cấp xã thường sao chép lại văn bản của cơ quan nhà nước cấp trên, thậm chí là không phù hợp với văn bản của cơ quan cấp trên... Ủy ban thường vụ Quốc hội tán thành với loại ý kiến thứ nhất vì đấy là công cụ quan trọng để chính quyền các cấp này thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn quản lý nhà nước của mình theo luật định.
Về việc tham gia góp ý kiến xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, tiếp thu ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội (ĐBQH), Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung theo hướng tất cả các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong đó bao gồm các chủ thể như Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức thành viên, các cơ quan, tổ chức khác và cá nhân đều có quyền góp ý kiến và được tạo điều kiện góp ý kiến về các dự thảo văn bản quy phạm pháp luật.
Về kiến nghị về luật, pháp lệnh, đề nghị xây dựng luật, pháp lệnh của ĐBQH, Dự thảo Luật bổ sung quy định ĐBQH có quyền tự mình hoặc đề nghị Văn phòng Quốc hội, Văn phòng Đoàn ĐBQH, Viện nghiên cứu lập pháp của Ủy ban thường vụ Quốc hội hỗ trợ trong việc lập văn bản kiến nghị về luật, pháp lệnh, hồ sơ đề nghị xây dựng luật, pháp lệnh. Văn phòng Quốc hội có trách nhiệm trong việc bảo đảm điều kiện cần thiết để ĐBQH thực hiện quyền kiến nghị về luật, pháp lệnh, quyền đề nghị xây dựng luật, pháp lệnh.
Về việc lấy ý kiến đối tượng chịu sự tác động trực tiếp của văn bản, tiếp thu ý kiến của ĐBQH, Ủy ban thường vụ Quốc hội đã cho rà soát, chỉnh lý bổ sung vào Dự thảo Luật quy định trách nhiệm lấy ý kiến đối tượng chịu sự tác động trực tiếp của các chính sách trong đề nghị xây dựng văn bản và cơ quan, tổ chức có liên quan bằng nhiều hình thức. Trong trường hợp cần thiết, cơ quan chủ trì soạn thảo tổ chức đối thoại trực tiếp về chính sách với các đối tượng chịu sự tác động trực tiếp để lấy ý kiến.
Phan Thảo