Niên học 2011-2012 đã chính thức bắt đầu với tiếng trống khai trường rộn ràng tại các trường phổ thông trên khắp cả nước. Ở các đô thị lớn như thành phố Hồ Chí Minh, năm học mới cũng là thời điểm bắt đầu phải đối mặt với cảnh giao thông ùn tắc trước các cổng trường vào giờ tan học…
Câu chuyện nhỏ, hiệu quả cao
Con trai tôi học lớp 8 tại Trường THPT tư thục Trương Vĩnh Ký, thuộc cơ sở 2, trên đường Trịnh Đình Trọng, quận 11. Đây là con đường có lộ giới rất nhỏ, lại ngoằn ngoèo và gần một giao lộ có lưu lượng xe lớn là Âu Cơ – Lạc Long Quân. Ban đầu, tôi hơi ngần ngại khi cho con theo học tại đây, chỉ vì một lý do duy nhất: sợ kẹt xe! Tuy nhiên, khi đi rước con, cách thức Trường Trương Vĩnh Ký tổ chức cho các lớp tan học đã giúp tôi xóa đi sự lo lắng đó. Thay vì để tất cả học sinh (HS) các lớp ra khỏi cổng trường cùng một lúc (sẽ gây ra cảnh ùn tắc, náo loạn giữa cả HS lẫn phụ huynh) thì nhà trường đã sắp xếp tuần tự từng lớp một đi ra cổng. Phụ huynh nhờ đó chỉ cần luân phiên canh đúng giờ lớp của con em mình được ra thì có mặt để rước con, không cần phải tới trước đứng đợi, vừa mất thời gian vừa gây kẹt xe. Ví dụ, giờ học buổi chiều kết thúc vào lúc 16 giờ 20, nhưng do lớp con tôi ở cuối hành lang, xếp hàng ra sau nên phải 16 giờ 30 cháu mới có thể ra cổng trường, gia đình tôi cứ canh theo giờ đó mà đến rước.
Rõ ràng, chỉ cần một sắp xếp nhỏ nhưng khoa học, nhà trường đã tránh được tình trạng ùn tắc giao thông trước cổng trường vào giờ tan học. Điều này khiến tôi nhớ lại câu chuyện mà ngành giáo dục của thành phố đã bàn luận nhiều năm qua, đó là sắp xếp giờ học lệch ca giữa các trường và các cấp lớp để giải quyết tình trạng quá tải trên đường phố vào giờ tan trường. Rất tiếc, đến nay mọi việc vẫn “án binh bất động”.
Cần giải quyết tận gốc
Hiện nay, do hệ thống vận tải công cộng không đáp ứng được nhu cầu nên đa số HS phổ thông là do phụ huynh đưa rước hoặc tự đi xe đến trường. Ở đây xin được đề cập đến những trường hợp sử dụng xe gắn máy đi học. Dù luật quy định rất rõ ràng, người từ 16 đến dưới 18 tuổi chỉ được điều khiển xe gắn máy dưới 50 phân khối, thế nhưng chúng ta dễ dàng bắt gặp rất nhiều trường hợp các em trong đồng phục trường phổ thông sử dụng xe phân khối lớn để đi học.
Theo luật thì chính phụ huynh đã có lỗi trong việc để con em mình sử dụng xe không đúng quy định. Nhưng nói cho công bằng thì thực tế cuộc sống không phải lúc nào cũng có thể nói theo lý lẽ. Bận rộn với việc mưu sinh, nhiều gia đình không thể tổ chức người để đưa đón con cái mà cho con đi bằng xe đạp thì… thấy xót! Bởi lẽ, với áp lực chương trình học dày đặc như hiện nay, nhiều em vừa ra khỏi trường đã phải vất vả “chạy sô” học thêm ở nhiều nơi khá xa, thậm chí rất xa. Ngay cả học tại trường phổ thông, do cách thi vào cấp 3 theo kiểu ba nguyện vọng (khác với thế hệ của chúng tôi là được phân học tại trường theo tuyến quận, huyện cư trú) nên rất nhiều em phải học ở trường cách xa nhà nhiều cây số. Kinh tế khá giả, nhiều phụ huynh muốn cho con đi bằng xe gắn máy để đỡ vất vả. Luật quy định chỉ được chạy xe dưới 50 phân khối nhưng tìm mua loại xe này còn khó hơn “mò kim đáy bể”, trên thị trường nếu có bán thì cũng chỉ có xe cũ hoặc xe Trung Quốc chất lượng kém.
Việt Nam hiện có khá nhiều hãng sản xuất và lắp ráp xe gắn máy. Tại sao các cơ quan quản lý nhà nước khi cấp phép sản xuất những lô hàng xe phân khối lớn lại không kèm theo điều kiện bắt buộc là phải cung ứng cho thị trường loại xe phân khối nhỏ với tỷ lệ thích hợp. Nếu không giải quyết vấn đề này thì chúng ta sẽ cứ mãi loay hoay với câu chuyện xử lý “phần ngọn” – thỉnh thoảng lại ra quân kiểm tra, xử phạt người vi phạm, chứ khó lòng giải quyết được tận gốc.
Vương Thảo
Giải pháp chống kẹt xe
Năm học mới khai giảng, hàng triệu học sinh (HS) hân hoan đến trường, cũng là thời điểm “ám ảnh” đối với phụ huynh (PH) khi đưa rước và kẹt xe.
Dù nhiều lô cốt trên đường đã được tháo dỡ nhưng kẹt xe vẫn diễn ra do lượng HS tan trường vào giờ cao điểm quá đông. Ngay như đường Hùng Vương (quận 5) lòng đường rộng như vậy nhưng mỗi khi HS trường Hùng Vương và Hồng Bàng tan trường là y như rằng, xe cộ ùn tắc. Các trường ở khu vực trung tâm như Lê Lợi, Lê Quý Đôn (quận 3) hay Trần Văn Ơn (quận 1)... cũng ùn tắc không kém. Cách đây vài năm, các ngành chức năng như giáo dục, giao thông công chánh đã đề ra nhiều chương trình chống kẹt xe như cho tan trường lệch giờ, tổ chức xe đưa đón HS... thế nhưng sau đấy chẳng thấy động tĩnh gì. Để tránh đối diện với kẹt xe, những gia đình khá giả thuê xe ôm đưa đón con em với giá cả lên tới hơn triệu đồng mỗi tháng.
Mới đây, chống ùn tắc giao thông trở thành 1 trong 6 chương trình hành động trọng điểm của Thành ủy TPHCM. Tiếc rằng, trên đã phát nhưng dưới vẫn chưa động. Để biến nghị quyết của Thành ủy thành hiện thực, thiết nghĩ các ngành phải vào cuộc mạnh mẽ mà trước tiên là ngành giáo dục-đào tạo. Phải nói rằng, lịch học hiện nay của HS nhiều trường quá dày và bất hợp lý. Như con tôi, học tại một trường THCS ở quận 3, ngoài giờ học chính khóa vào buổi chiều, cháu còn phải mất 3 buổi sáng đến trường để học thêm tăng cường tiếng Anh và vi tính. Cứ mỗi HS đến trường là phải thêm một người đưa đón, tăng thêm lượng xe tham gia giao thông. Nếu nhà trường khéo sắp xếp giờ giấc, các cháu sẽ có thêm thời gian ở nhà học, làm bài, phụ huynh không phải đưa đón con, đường sá đỡ kẹt xe. Muốn như vậy, sở giáo dục phải có chủ trương, chỉ đạo để các trường giảm các tiết học trái buổi, sắp xếp giờ học hợp lý hơn. Một nguyên nhân dẫn đến tình trạng kẹt xe là hầu như rất ít trường học tổ chức cho HS ra về lệch giờ. Mặt khác, nhiều trường có sân trường khá rộng nhưng một mực không cho phụ huynh vào để đón con. Hậu quả là xe đón HS đậu tràn xuống lòng đường. Thiết nghĩ, ngành giáo dục cần thành lập ban chỉ đạo chống ùn tắc giao thông, buộc các trường phải thực hiện ra về lệch giờ, kiểm tra và xử lý những trường có sân rộng nhưng không cho phụ huynh vào trong để đưa đón con em.
Đối với ngành giao thông công chánh, cần sớm phối hợp với các trường để tổ chức mạng lưới xe đưa đón HS. Hiện thành phố đang vận động người dân đi xe buýt, thế tại sao không vận động HS đi học bằng xe đưa đón? HS không thể đến trường bằng xe buýt vì có thể trễ giờ học nhưng có thể đi bằng xe đưa đón do nhà trường tổ chức với sự hỗ trợ của ngành giao thông công chánh. Xe đưa đón sẽ rẻ và an toàn hơn xe ôm, phù hợp với thu nhập của nhiều gia đình, nếu cần thiết thành phố nên trợ giá như đã từng làm đối với xe buýt. Một xe đưa đón loại Daihatsu 10 chỗ ngồi sẽ góp phần giảm đáng kể lượng PH và xe gắn máy tham gia giao thông .
Là một phụ huynh có “thâm niên” hơn 10 năm đưa đón con đi học, tôi cho rằng nếu thành phố quyết liệt chỉ đạo 2 ngành nói trên vào cuộc chống ùn tắc giao thông, tin chắc rằng tình hình giao thông của thành phố sẽ được cải thiện rõ rệt và nghị quyết của Đảng thành hiện thực sẽ là niềm vui của hàng triệu HS và phụ huynh thành phố.
Minh Quyên (quận 3)