Ùn tắc giao thông ở cửa ngõ Tây Bắc

Tình trạng giao thông trên đường Cộng Hòa - Trường Chinh (thuộc các quận: 12, Tân Bình, Tân Phú) sau một thời gian ngắn được cải thiện nhờ hai cầu vượt bằng thép (Hoàng Hoa Thám và Lăng Cha Cả), nay đã tái kẹt xe trầm trọng.
Ùn tắc giao thông ở cửa ngõ Tây Bắc

Tình trạng giao thông trên đường Cộng Hòa - Trường Chinh (thuộc các quận: 12, Tân Bình, Tân Phú) sau một thời gian ngắn được cải thiện nhờ hai cầu vượt bằng thép (Hoàng Hoa Thám và Lăng Cha Cả), nay đã tái kẹt xe trầm trọng.

Ngoài vấn đề ùn tắc giao thông, tình trạng trên cũng làm cản ngại không nhỏ đến việc thu hút các nhà đầu tư đến với Khu đô thị Tây Bắc của TP.

Kẹt xe trên cầu vượt đường Cộng Hòa.

Tuyến đường độc đạo

Nếu so với cửa ngõ phía Đông, Đông Bắc có nhiều con đường, cây cầu để đi vào trung tâm TP như xa lộ Hà Nội, cầu, hầm Thủ Thiêm, đường Phạm Văn Đồng… thì cửa ngõ Tây Bắc chỉ có độc đạo đường Trường Chinh. Đến bến xe Tây Ninh (cũ) thì thêm một nhánh nữa là đường Cộng Hòa. Đường Trường Chinh hiện nay phải “gánh” cho dân cư các quận, huyện như: Củ Chi, Gò Vấp, Tân Bình, Tân Phú, Bình Tân và các phương tiện từ các tỉnh lân cận như Long An, Tây Ninh và cả từ nước bạn Campuchia để di chuyển vào trung tâm TP và ngược lại. Chính vì vậy tuyến đường này ngày càng quá tải, kẹt xe trầm trọng. Anh Bình, một người dân nhà ở góc đường Phan Văn Hớn - Trường Chinh (quận 12) cho biết, hàng ngày anh đi làm tại công ty ở quận 1 và hầu như ngày nào cũng gặp kẹt xe. Từ nhà đến cầu vượt Lăng Cha Cả (Tân Bình) khoảng 6km nhưng vào giờ cao điểm phải mất hơn 30 phút, trong khi đó vào sáng chủ nhật chỉ cần hơn 10 phút. Trục đường Trường Chinh có nhiều đoạn rộng đến 60m nhưng có lúc kẹt xe, người dân phải chạy xe lên lề đường để chen nhau đi.

Vấn đề giao thông trên tuyến đường này không chỉ tác động trực tiếp đến người dân mà còn ảnh hưởng không nhỏ đến nhiều chủ trương lớn của TP. Cụ thể, TP đã có quy hoạch Khu đô thị vệ tinh Tây Bắc với quy mô hơn 9.000ha, sau nhiều năm kêu gọi đầu tư, hình dáng khu đô thị này vẫn chưa có gì, nhiều nhà đầu tư được giao đất vẫn không thể triển khai dự án.

Một cán bộ huyện Củ Chi cho biết, có những dự án thành phần trong Khu đô thị Tây Bắc quy hoạch lên đến hàng trăm ha và giao cho chủ đầu tư gần 10 năm nay nhưng vẫn “án binh bất động”!  Lý giải nguyên nhân, chuyên gia đô thị học, GS-TS Nguyễn Minh Hòa cho rằng, trong các địa điểm TP xác định để phát triển đô thị vệ tinh, Khu đô thị Tây Bắc chưa hấp dẫn nhà đầu tư và người dân tụ về, một trong những cản ngại đó là vấn đề giao thông. Muốn phát triển một TP vệ tinh không đơn giản chỉ từ một quyết định hành chính, mà cái chính phải hút được nguồn lực mạnh và có giá trị gia tăng cao, như con người, tiền bạc, tài nguyên. Hay nói cách khác phải tạo điều kiện để người ta muốn đến định cư và đầu tư lớn.

Thực tế cho thấy, từ trung tâm TP lên Củ Chi chừng 25km, nhưng phải mất hơn 2 giờ đi bằng xe hơi do giao thông thường xuyên ách tắc, nên các nhà đầu tư ngán ngại. Một nhà đầu tư cho biết, nếu triển khai đầu tư các dự án bất động sản tại đây chỉ chủ yếu thu hút cư dân từ các nơi khác đến đây làm việc, đầu tư sinh lời. Tuy nhiên giao thông khó khăn hiện nay chưa cho phép nhà đầu tư mạo hiểm.

Cần thêm cầu, đường

TPHCM đang triển khai tuyến metro số 2 Bến Thành - Tham Lương (giai đoạn 1) và Tham Lương - Khu đô thị Tây Bắc (giai đoạn 2). Theo kế hoạch, đến năm 2019, giai đoạn 1 của tuyến metro này sẽ đưa vào vận hành. Đây là một trong những dự án giao thông sẽ góp phần giảm tải cho cửa ngõ Tây Bắc đi vào các quận nội thành TP. Tuy nhiên đó là thời gian hoàn thành về mặt lý thuyết, còn hiện nay dự án này liên tục thay đổi thời gian hoàn thành vì gặp khó khăn về đền bù giải tỏa, thay đổi thiết kế… Ngoài ra với “văn hóa xe máy”, e rằng người dân vẫn còn lựa chọn phương tiện này để đi lại dù đã có metro.

Do đó, bài toán đặt ra vẫn là giải tỏa những nút thắt trên trục đường này và phát triển những tuyến đường mới. Nhiều ý kiến cho rằng cần  xây dựng cầu vượt bằng thép tại “mũi tàu” Cộng Hòa - Trường Chinh, vốn thường xuyên ùn tắc - để tạo sự lưu thông thông suốt tại khu vực này. Đường Ấp Bắc cần điều chỉnh thành đường một chiều để hạn chế các phương tiện từ đường Cộng Hòa quẹo vô đường Ấp Bắc, thậm chí tại ngã tư Cộng Hòa - Ấp Bắc có thể xây dựng cầu vượt để giao thông thông suốt trên đường Cộng Hòa. Ngoài ra, UBND TP cũng xem xét đầu tư phát triển một con đường song song với đường Cộng Hòa, bắt đầu từ đường Phan Thúc Duyện đi vào khu doanh trại quân đội chạy lên tới Hoàng Hoa Thám, rồi tiếp tục đấu nối vào đường Trường Chinh (gần khu vực “mũi tàu”). Bên cạnh đó, dự án đầu tư mở rộng đường Tân Sơn, Phạm Văn Bạch (nối vào đường Trường Chinh) để vào Trung tâm hội nghị Tân Sơn Nhất cũng đang triển khai, nếu tuyến đường này được đấu nối vào đường Trường Sơn để thông ra đường Phạm Văn Đồng, chắc chắn sẽ giải tỏa một lượng lớn phương tiện giao thông trên đường Cộng Hòa.

Mỗi đô thị trên thế giới đều trải qua những giai đoạn phát triển nhất định và phải đối mặt với những thách thức khác nhau. Ở Việt Nam hiện nay, cụ thể là TPHCM, thách thức lớn nhất là vấn đề kẹt xe, ô nhiễm, ngập nước... Đây là những vấn đề mà nhiều TP trong khu vực đã giải quyết xong cách đây 15 - 20 năm. Tại hội thảo quốc tế “Cơ hội và thách thức cho phát triển đô thị bền vững” tổ chức mới đây tại TPHCM, các chuyên gia phân tích, hiện nay, tổng diện tích bề mặt dành cho giao thông tại TPHCM chỉ chiếm từ 1,7% đến 2% tổng diện tích đất đô thị. Trong khi đó, tổn thất hàng năm do tắc nghẽn giao thông tại TP ước tính lên đến khoảng 23.000 tỷ đồng, tương tương 1,2 tỷ USD. Cửa ngõ Tây Bắc là một nút thắt gây ùn tắc giao thông trên địa bàn TPHCM, nếu giải quyết được điểm nghẽn này sẽ góp phần giảm thiểu thiệt hại không nhỏ, tạo đà phát triển bền vững cho Khu đô thị vệ tinh Tây Bắc nói riêng và các quận huyện khu vực này nói chung.

TRÀ GIANG

Tin cùng chuyên mục