

Sở Kế hoạch và Đầu tư TPHCM đã chính thức có công văn gửi UBND TPHCM đề nghị triển khai dự án ứng dụng Công nghệ thông tin (CNTT) trong quản lý các dự án đầu tư. Đây là một trong những nỗ lực rất lớn nhằm kiểm soát các dự án đầu tư thuộc ngân sách TP. Sự chủ động này thể hiện vai trò sẵn sàng trong quá trình hội nhập quốc tế của Sở KH-ĐT. Chúng tôi đã có cuộc trò chuyện cùng ông Thái Văn Rê, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư (KH-ĐT) TP (ảnh) về vấn đề này trong ngày đầu năm Đinh Hợi.
- Phóng viên: Thưa ông, chúng tôi được biết Sở KH-ĐT là một trong những sở ngành triển khai ứng dụng CNTT khá hiệu quả trong công tác quản lý, đặc biệt là thực hiện đăng ký kinh doanh trên mạng đã rút ngắn thời gian đi lại cho doanh nghiệp. Mới đây, thể hiện tinh thần chủ động trong công tác hội nhập, Sở đã có công văn gửi UBND TP xin chủ trương để triển khai ứng dụng CNTT trong quản lý các dự án đầu tư, đúng không.
Ông THÁI VĂN RÊ: Quả thật mới đây, chúng tôi đã có công văn gửi đồng chí Nguyễn Thành Tài, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP đề nghị xin chủ trương để triển khai thực hiện dự án ứng dụng CNTT trong quản lý các dự án đầu tư. Thực tế là công tác quản lý chặt chẽ quá trình thực hiện các dự án đầu tư xây dựng cơ bản trên địa bàn là yêu cầu bức xúc của lãnh đạo TP và các sở ban ngành có liên quan.
Nhu cầu thông tin về các dự án đầu tư xây dựng cơ bản được thống nhất trong tất cả các đơn vị quản lý, được thông suốt và chính xác đối với lãnh đạo TP là cần thiết để nâng cao năng lực quản lý. Hệ thống thông tin được triển khai sẽ giúp cho lãnh đạo TP thường xuyên nắm bắt tình hình đang diễn ra tại các dự án của từng chủ đầu tư, chất lượng thực hiện của các đơn vị tư vấn và thi công, từ đó có các biện pháp chỉ đạo thực hiện làm sao sử dụng hiệu quả ngân sách cho đầu tư phát triển.
Đối với người dân, đây là một kênh thông tin công khai giúp người dân giám sát quá trình sử dụng vốn ngân sách dành cho đầu tư, kiểm soát và phòng tránh được các hành vi tham nhũng.
- Đầu tư xây dựng cơ bản tại TPHCM chiếm một tỷ trọng rất lớn trong kế hoạch chi hàng năm của ngân sách. Tuy nhiên, rất nhiều dự án hiện nay triển khai chậm, chủ đầu tư chiếm dụng vốn… mà cơ quan quản lý không thể quản lý xuể. Thực trạng này có đúng không?
Những phản ánh này rất tiếc là đúng và đang diễn ra trong một thời gian dài. Đầu tư xây dựng cơ bản tại TPHCM trong kế hoạch chi ngân sách hàng năm vào khoảng 10.000-12.000 tỷ đồng cho từ 1.500 đến 2.000 dự án đầu tư.
Đã có lúc, trong một số cuộc họp, người ta có thể thấy một số lãnh đạo quận huyện còn không nhớ hết số lượng sự án do mình quản lý và đang triển khai trên địa bàn. Khả năng kiểm soát việc triển khai các dự án đầu tư này còn nhiều bất cập. Đó là tiến độ triển khai công trình không đúng kế hoạch; chủ đầu tư còn có biểu hiện đăng ký chiếm dụng vốn trong khi tiến độ, khối lượng công trình thi công còn chậm.
Hàng quý, Sở KH-ĐT đã phải kiểm tra và đề xuất điều chuyển vốn nhưng việc thanh quyết toán theo tiến độ khối lượng công trình rất nhiêu khê, việc theo dõi cập nhật thông tin giữa các cơ quan hữu quan chưa kịp thời và đồng bộ. Điều này đã gây rất nhiều khó khăn vì không có thông tin đầy đủ đề tạo điều kiện cho lãnh đạo và người dân chủ động giám sát các dự án đầu tư từ ngân sách.

Sở Kế hoạch và Đầu tư TPHCM đã ứng dụng CNTT vào khâu tiếp nhận, trả hồ sơ thuận tiên, nhanh chóng cho các nhà đầu tư. Ảnh: Đ. TH.
- Theo ông, việc ứng dụng CNTT trong quản lý sẽ khắc phục được tình trạng này?
Tôi tin tưởng đây là công cụ quản lý hữu hiệu và giúp ích rất nhiều cho công tác quản lý các dự án đầu tư. Thực tế công tác quản lý đầu tư xây dựng cơ bản rất phức tạp, các thủ tục hành chính lại liên quan đến nhiều sở ngành, do đó rất cần một hệ thống thông tin tích hợp để tập hợp các thông tin trong suốt quá trình triển khai thực hiện dự án.
Hệ thống thông tin này sẽ phục vụ cân đối và sử dụng vốn ngân sách trong đầu tư xây dựng cơ bản của TP; hỗ trợ theo dõi, chỉ đạo thực hiện, phân tích, đánh giá tình hình triển khai các dự án đầu tư theo kế hoạch; Hỗ trợ các sở ngành liên quan và chủ đầu tư quản lý thống nhất thông tin liên quan tình hình thực hiện các dự án đầu tư. Từ đó tạo cơ sở phối hợp thống nhất, chặt chẽ quá trình kiểm tra, xứ lý tình hình liên quan các dự án đầu tư thuộc phạm vi đơn vị và TP quản lý; cung cấp và ghi nhận ý kiến đóng góp của người dân về tình hình triển khai thực hiện các dự án đầu tư xây dựng cơ bản và để người dân có thêm công cụ hỗ trợ thực hiện giám sát cộng đồng.
- Xin được hỏi một câu rất thật, nhiều sở ngành khác đánh giá đây là một bước táo bạo vì có thể “làm khó” cho một số sở ban ngành có liên quan. Ông có lo ngại sẽ không nhận được sự hỗ trợ từ một ngành nào không?
Có thể nói thế này, sự phối hợp trao đổi thông tin để quản lý đầu tư xây dựng cơ bản góp phần tích cực để thực hiện Chương trình thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong đầu tư xây dựng cơ bản các dự án sử dụng ngân sách nhà nước. Nó phù hợp với kế hoạch thực hiện chương trình hành động thực hành tiết kiệm chống lãng phí giai đoạn 2006-2010 (Quyết định 166/2006/QĐ-UBND, ngày 14-11-2006 của UBND TP).
Đồng thời, nó cũng hỗ trợ thực hiện Nghị quyết số 70/2006/NQ-HĐND, ngày 12-12-2006 về chương trình hoạt động giám sát của HĐND TP trong năm 2007, trong đó có nội dung giám sát quản lý và sử dụng vốn ngân sách nhà nước và vốn có tính chất ngân sách như vốn vay, vốn phát hành trái phiếu và vốn ODA…
Đặc biệt trong tình hình có những yêu cầu mới khi hội nhập, chúng tôi cho rằng các sở ban ngành sẽ phải công khai hóa các hoạt động của mình. Như vậy, nếu TP xây dựng hệ thống thông tin phục vụ quản lý đầu tư xây dựng cơ bản thông qua ứng dụng CNTT không chỉ là một bước chuyển quan trọng trong công tác quản lý đầu tư sử dụng vốn ngân sách hiệu quả, chống thất thoát, lãng phí với tiêu chí rõ ràng, minh bạch mà còn giúp ích trong nhiều công tác quản lý và điều hành khác của TP.
Chúng ta đã chậm trong thời gian qua khi đưa những công cụ hữu ích này vào hỗ trợ công tác quản lý và điều hành kinh tế-xã hội. Tuy nhiên, UBND TP phải chỉ đạo về công tác phối hợp trao đổi thông tin giữa các đơn vị thì mới có thể triển khai được dự án này vì nó có liên quan đến nhiều sở ngành, trong đó có hai sở ngành quan trọng là Kho Bạc nhà nước và Sở Tài chính. Tôi nghĩ, vì việc chung, mọi người sẽ sẵn sàng hợp tác.
VĂN MINH HOA thực hiện