Ngày 15-5-2013, Chủ tịch UBND TPHCM ban hành Quyết định số 2484/QĐ-UBND phê duyệt kế hoạch hành động ứng phó biến đổi khí hậu trên địa bàn TPHCM đến năm 2015 đảm bảo mục tiêu phát triển bền vững, từng bước xây dựng kinh tế xã hội phát triển xanh, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân; đồng thời duy trì và nâng cao các thành quả kinh tế - xã hội - văn hóa mà TPHCM đã đạt được trong những năm qua.
Biến đổi khí hậu và những thách thức lớn
Trong thời gian gần đây nhiều hiện tượng bất thường từ thời tiết khí hậu đã xảy ra. Đó là những cảnh báo đáng quan ngại đối với TPHCM nói riêng và toàn bộ khu vực Nam bộ nói chung. Những cơn mưa lớn trên 100mm xuất hiện nhiều hơn kết hợp với triều cường tạo ra hiện tượng ngập úng sâu và kéo dài trên phạm vi ngày càng rộng hơn, phổ biến hơn. Biến đổi khí hậu ảnh hưởng bất lợi đến TPHCM nói chung và khu vực đã, đang đô thị hóa của TP nói riêng. Lượng mưa được dự báo sẽ giảm trong mùa khô và tăng trong mùa mưa, nhiệt độ trung bình được dự báo sẽ tăng thêm 1oC cho đến năm 2050 và 2,6oC cho đến năm 2100. Mực nước biển dự kiến sẽ tăng cao thêm 30cm cho đến năm 2050 và tiếp tục tăng trung bình khoảng 65 - 100mm vào năm 2100 so với mực nước trung bình trong giai đoạn 1980 - 1999. Như vậy TPHCM sẽ chịu ảnh hưởng hỗn hợp của các yếu tố: tăng nhiệt độ dẫn đến nhiệt độ cao hơn trong thành phố, đặc biệt là thành phố lõi nhiệt độ sẽ cao hơn nhiệt độ trung bình do hiện tượng đảo nhiệt; suy giảm chất lượng không khí và nguồn nước; mực nước triều dâng cao dẫn đến nguy cơ ngập lụt và nhiễm mặn tăng lên, kết hợp với triều cường sẽ tạo ra các đỉnh lũ cao hơn; lượng mưa tăng trong mùa mưa sẽ tạo ra ngập úng nhiều hơn và hệ quả thay đổi dòng chảy của hệ thống sông Sài Gòn - Đồng Nai sẽ dẫn đến gia tăng các sự cố vỡ đê bao, gia tăng tần suất ngập lụt. Ảnh hưởng đặc biệt nghiêm trọng hơn nếu công tác quản lý các hồ đập thủy lợi, thủy điện, bảo vệ môi trường sinh thái không được quan tâm chú trọng đầy đủ và kịp thời.
Các giải pháp quản lý kỹ thuật ứng phó
Biến đổi khí hậu và hậu quả có sự khác nhau đáng kể giữa thành phố lõi, các thành phố vệ tinh và các huyện ngoại thành. Do đặc điểm điều kiện địa lý - tự nhiên cũng như điều kiện kinh tế - xã hội có sự chênh lệch khác nhau giữa các khu vực trên nên để thích ứng với việc biến đổi khí hậu, cần xây dựng kế hoạch ứng phó biến đổi khí hậu riêng cho mỗi khu vực. Nếu có căn cứ khoa học dựa trên điều kiện địa lý tự nhiên và tốc độ đô thị hóa thì khả năng thích ứng sẽ hiệu quả hơn và kinh tế hơn.
Một số giải pháp kinh tế kỹ thuật:
1. Với thành phố lõi, để khắc phục tình trạng gia tăng nhiệt độ do hiện tượng đảo nhiệt và ngập úng do mưa, triều cường, cần:
- Xanh hóa đô thị: Tăng diện tích cây xanh cho đô thị lõi là việc làm cấp bách thông qua việc chuẩn hóa các loại cây phù hợp có độ che phủ tán cao, lá ít rụng. Phủ xanh các cao ốc, chung cư, nhà cao tầng bằng các loại dây leo bám phù hợp. Giảm phát thải khí nhà kính như sử dụng tiết kiệm năng lượng điện, hạn chế sử dụng các loại năng lượng có nguồn gốc từ than đá, dầu mỏ các loại…
- Nghiên cứu xây dựng hệ thống thu gom nước mưa, nước tràn trên mặt đường nhằm bổ sung cho nguồn nước ngầm của thành phố, qua đó điều tiết và giảm ngập úng cục bộ do mưa lớn, triều cường.
- Trong quá trình chỉnh trang đô thị lõi cần đảm bảo hướng hành lang thoát khí cho từng khu vực dân cư, thương mại, hành chính.
2. Với các thành phố vệ tinh đang trong quá trình đô thị hóa
- Đảm bảo giữ và nâng cao hiệu quả của hệ thống kênh rạch đảm bảo điều tiết nước, thông thoáng cả trong mùa mưa và mùa khô. Xây dựng hệ thống hồ điều tiết nước cả cho khu vực trung tâm cũng như từng khu dân cư, tạo các tiểu khu vực khí hậu vừa có khả năng điều tiết nước và nhiệt độ.
- Đảm bảo diện tích cây xanh bình quân đầu người cao hơn từ 1,5 đến 2 lần so với diện tích cây xanh bình quân đầu người khu vực đô thị lõi.
- Khi bố trí các cụm dân cư, hành chính, thương mại phải tính đến “cốt” xây dựng có khả năng vượt đỉnh lũ cao nhất dự kiến. Trong không gian kiến trúc - xây dựng cần chú ý có hành lang thoát gió.
3. Đối với các huyện ngoại thành
- Việc nghiên cứu xây dựng phát triển vùng nông nghiệp bền vững với các giống cây con phù hợp cho từng huyện trong điều kiện nhiệt độ cao và úng ngập và mặn có nhiều và ngày càng tăng cao, kéo dài.
- Đảm bảo tiêu thoát nước của kênh rạch với hệ thống bờ bao cống đập được thiết kế đảm bảo hạn chế thấp nhất việc nước ngập tràn. Hệ thống hồ điều tiết và rừng điều tiết cho cả thành phố phải được phát triển để tránh gây thiệt hại cho thành phố lõi cũng như các thành phố vệ tinh.
Xây dựng chính quyền đô thị với mục tiêu ngày càng phục vụ và nâng cao đời sống của người dân thành phố cần phải được cụ thể hóa và kịp thời các hành động ứng phó biến đổi khí hậu cho mỗi khu vực của thành phố. Đây là một việc làm vừa cấp bách, vừa lâu dài, đòi hỏi một tầm nhìn và quyết tâm hành động ngay từ bây giờ.
NGUYỄN VĂN CHIẾN