Ứng phó với biến đổi khí hậu dựa vào hệ sinh thái

Tác động của biến đổi khí hậu (BĐKH) đã và đang tác động tiêu cực đến mọi mặt của cuộc sống. Các giải pháp hiện nay chỉ là xây dựng đê bao chống lũ, bảo vệ đê biển, các công trình điều tiết và phân lũ... Nhưng trên thực tế, những giải pháp này chưa mang lại hiệu quả cần thiết. Xuất phát từ thực tế đó, các nhà khoa học đã đề xuất thêm một giải pháp mới là thích ứng dựa trên hệ sinh thái - Ecosystem Based Adaptation (EBA).  

Theo báo cáo của Viện Chiến lược Chính sách Tài nguyên và Môi trường, các lĩnh vực dễ bị tổn thương và chịu sự tác động mạnh mẽ nhất của BĐKH là tài nguyên nước, nông nghiệp, ngư nghiệp, công nghiệp, xây dựng, giao thông, nhà ở và cơ sở hạ tầng. Nếu mực nước biển dâng lên 1m sẽ có khoảng 39% diện tích đồng bằng sông Cửu Long, trên 10% diện tích đồng bằng sông Hồng có nguy cơ bị ngập. Gần 35% dân số thuộc các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long và 9% dân số của đồng bằng sông Hồng bị ảnh hưởng trực tiếp. Tổn thất đối với GDP của cả nước vào khoảng 10%. Nếu nước biển dâng 3m sẽ có khoảng 25% dân số của cả nước bị ảnh hưởng trực tiếp và tổn thất đối với GDP là 25%. Không dừng lại ở đó, nước biển dâng sẽ gây nên xói mòn bờ biển, ngập lụt vùng ven bờ, làm suy thoái đất, nước mặn xâm nhập, giết chết các loài thực vật, động vật nước ngọt. Tất cả những hiện tượng này sẽ làm cho nhiều hệ sinh thái bị suy thoái, gây khó khăn cho sự phát triển kinh tế - xã hội, nhất là khu vực mà cuộc sống của đa số người dân còn phụ thuộc nhiều vào thiên nhiên.

Theo TS Nguyễn Văn Tài, Viện trưởng Viện Chiến lược Chính sách Tài nguyên và Môi trường, để có thể thích ứng với BĐKH ngày càng diễn biến phức tạp, chúng ta phải lựa chọn giải pháp EBA. EBA là sử dụng các hệ tự nhiên và các dịch vụ hệ sinh thái như một hợp phần quan trọng trong chiến lược tổng thể để giúp con người thích ứng với các tác động bất lợi từ BĐKH. Tiếp cận EBA là cách quản lý bền vững các tài nguyên thiên nhiên, các ngành nghề ở cấp độ khác nhau, đồng thời đảm bảo tăng cường được sức chịu đựng trước BĐKH. Mặt khác, giải pháp EBA sẽ mang lại nhiều lợi ích về quản lý chất lượng đất, lưu giữ carbon và hỗ trợ việc đa dạng hóa các giải pháp về sinh kế. Bà Raji Dhital, Quỹ Bảo vệ thiên nhiên quốc tế (WWF) chia sẻ, BĐKH đã và đang tác động tiêu cực đến mọi mặt của cuộc sống. Nếu muốn thích ứng với BĐKH dựa vào hệ sinh thái, thì cần phải phục hồi rừng ngập mặn và phát triển lâm nghiệp bền vững. Giảm thiểu tác nhân gây ra BĐKH bằng cách dựa vào hệ sinh thái. Vì hệ sinh thái có thể hấp thụ và tích tụ carbon, duy trì lượng carbon hiện tại và trong đại dương. Bà Sara Trab Nielsen, đại diện Ngân hàng Thế giới (WB), cho biết WB sẽ tăng cường mối quan hệ hợp tác với Bộ Tài nguyên và Môi trường Việt Nam trong các lĩnh vực về môi trường, đặc biệt trong việc chia sẻ kinh nghiệm khi thực hiện các chương trình dự án về BĐKH và tăng trưởng xanh. WB sẽ có những nguồn tài chính ưu đãi cho các nước có thu nhập thấp trong hoạt động này. Mục tiêu của khoản vay này là hỗ trợ Chính phủ thông qua các chính sách và tăng cường thể chế nhằm tăng khả năng chống chịu trước sự thay đổi của BĐKH và khuyến khích phát triển theo hướng giảm phát thải khí carbon.

MINH HẢI

Tin cùng chuyên mục