Có trường hợp tạo sự hoang mang trong dư luận chỉ để câu view, câu like; cũng có trường hợp có động cơ chính trị, tạo ra những hiệu ứng xã hội rất tiêu cực để kích động, gây rối.
Việc lựa chọn hình ảnh, ngôn từ để sử dụng trên mạng xã hội cũng được coi là những ứng xử mà qua đó phần nào thể hiện được thái độ, tình cảm, tư cách của người dùng. Ở một mức độ vừa phải, các biểu hiện đó có thể coi là hành vi văn hóa.
Tuy nhiên, khi người dùng vượt qua các hành vi văn hóa, thì mạng xã hội trở thành công cụ tác động đến nhận thức, tình cảm, thái độ của người xem.
Một người chia sẻ một đường dẫn của một bài viết xúc phạm ai đó, thì không chỉ là hành vi văn hóa nữa, mà có thể trở thành hành vi vu khống hoặc làm nhục người khác. Một người đưa hình ảnh ngụy tạo để quy chụp sai trái về tổ chức, cá nhân nào đó, có thể mang dụng ý làm nhục người khác, bôi nhọ một tổ chức và có động cơ chính trị. Như vậy, thái độ ứng xử trên mạng xã hội có tác động đáng kể đến tình hình an ninh trật tự, quyền tự do cá nhân, các quyền nhân thân của người khác, lợi ích hợp pháp của các tổ chức.
Do đó, người sử dụng mạng xã hội phải đồng thời là người ứng xử có văn hóa và là người hiểu biết pháp luật. Là người có văn hóa sẽ có sự cân nhắc từng câu, từng chữ, từng hình ảnh để không làm vẩn đục môi trường mạng, không gieo nên nhận thức hoặc tình cảm không hay cho người khác; tôn trọng người khác và luôn có thái độ nhân văn.
Là người hiểu biết pháp luật sẽ tự cân nhắc trường hợp nào sẽ đưa lên mạng, nhất là với các hình ảnh của người khác, kể cả là con em của mình, các thông tin chưa được kiểm chứng, các nhận định có thể gây hại cho tổ chức hoặc cá nhân khác, hoặc bất cứ điều gì có thể lây lan trong môi trường mạng và tác động xấu đến người khác. Vì vậy, sử dụng mạng xã hội hợp lý không chỉ là hành vi văn hóa, mà còn là hành vi pháp lý, không chỉ là ứng xử mang tính văn minh hay nhân văn, mà còn là ứng xử thượng tôn pháp luật.
Để góp phần bảo đảm rằng người sử dụng mạng xã hội đạt được cả hai yêu cầu đó, bên cạnh công tác tuyên truyền của các cơ quan chức năng (như của báo chí, của các tổ chức đối với thành viên của mình…) cần có các hình thức chế tài phù hợp. Thời gian qua, nhiều trường hợp đã bị xử phạt tiền do hành vi đưa thông tin, hình ảnh sai sự thật, nhưng trên thực tế số người bị chế tài còn ít so với những người có dấu hiệu vi phạm.
Do vậy, các cơ quan chức năng cần tăng cường biện pháp kiểm tra, giám sát và kịp thời xử lý những trường hợp vi phạm; bên cạnh phạt tiền, cũng nên nghiên cứu thêm các hình thức chế tài khác, như lao động công ích, cấm sử dụng mạng xã hội trong một thời gian…