Ước mơ của bé Hòa

Mơ ước của con
Ước mơ của bé Hòa

Tôi biết em qua những lần làm tình nguyện viên ở lớp học đặc biệt của Bệnh viện Ung bướu TPHCM. Cô bé có đôi mắt sáng, mỗi lần cười, 2 chiếc răng thỏ lại khoe ra như chiếm gần hết khuôn mặt gầy gò, xanh lét. Em giấu những suy nghĩ, lo toan quá sức so với tuổi 13 của mình sau nụ cười hồn nhiên, trẻ thơ ấy để rồi có lúc tư lự nói ra những lời làm tim người nghe phải nhói lên. Em là Bùi Thị Hòa, bệnh nhi ung thư đang điều trị tại bệnh viện, quê ở An Hội Bắc 2, xã Nghĩa Kỳ, huyện Tư Nghĩa, tỉnh Quảng Ngãi.

Bé Hòa đang điều trị tại Bệnh viện Ung bướu nhưng hàng ngày vẫn qua chăm sóc mẹ đang điều trị tại Bệnh viện Nhân dân Gia Định, TPHCM.

Bé Hòa đang điều trị tại Bệnh viện Ung bướu nhưng hàng ngày vẫn qua chăm sóc mẹ đang điều trị tại Bệnh viện Nhân dân Gia Định, TPHCM.

Mơ ước của con

Ngày mẹ khóc sưng mắt vì bệnh tim của mình trở nặng, phải cần một số tiền lớn để phẫu thuật, Hòa khi ấy mới học hết lớp 5 đã biết động viên mẹ an tâm vào phòng mổ. Mẹ kể ngày ấy em bảo, “Sau này lớn lên con với chị Hai học xong sẽ đi làm trả nợ hết cho ba mẹ. Bây giờ, mẹ phải đi chữa bệnh rồi về với con”. Vậy mà một tháng sau ngày mẹ phẫu thuật tim, em ngã bệnh, cầm tờ kết quả xét nghiệm ung thư xương hàm giai đoạn 3, cả nhà chết lặng. Dặn dò ba đứa con còn lại ở nhà tự chăm nhau, ba mẹ ngược xuôi vay tiền dẫn em vào TPHCM với niềm hy vọng nhỏ nhoi “còn nước còn tát”, phải cứu em, bởi em còn bé quá, em còn phải học trung học, phải học đại học rồi đi làm, rồi phụ trả nợ cho gia đình như lời em hứa với mẹ.  

Hai năm ở Bệnh viện Ung bướu em đếm thời gian bằng “tia”. Nghe bác sĩ bảo điều trị hết 33 tia phóng xạ em sẽ được về nhà, mặc cho những cơn đau hành hạ sau mỗi lần xạ trị, em vẫn thầm vui đếm ngược đến ngày diệt được “cục u xấu” như em vẫn thường hay bảo; chỉ có ba mẹ là không dám nghĩ gì sau con số 33 đó. Những bài văn trên lớp học vẫn làm cô và các anh chị tình nguyện viên xúc động; chỉ có mái đầu của em là ngày càng thưa dần và đến một ngày trọc hẳn như những bệnh nhi khác trong bệnh viện, nơi sự sống và cái chết mong manh. Tôi đã cố quay đi để giấu những giọt nước mắt khi nhìn em nắn nót viết ước mơ của mình vào đóa hoa hướng dương bằng giấy trong ngày Hội Hoa Hướng Dương năm nay: “Em ước tóc mình mọc trở lại”. Rồi em nhìn tôi, mắt buồn nói: “Em cũng ước mau hết bệnh nữa, để vừa đi học, vừa phụ ba bán vé số trả nợ”.

Mơ ước ấy càng thêm mạnh mẽ khi giờ đây cái nghèo khó, cùng quẫn càng bám sâu vào gia đình em. Bệnh tim của mẹ còn chưa khỏi hẳn, cục bướu ở chân đã tái phát, mẹ lại phải vào Bệnh viện Nhân dân Gia Định phẫu thuật lần nữa. Vừa mới vào thuốc, đôi mắt còn dại đi vì đau đớn nhưng em vẫn cố gượng chăm mẹ đang nằm trên giường bệnh để ba “tranh thủ chạy vòng vòng”, kiếm thêm vài cuốc xe lo viện phí cho 2 mẹ con. Ước mơ của một đứa trẻ 13 tuổi bệnh tật, nhà nghèo là thế; không phải là bộ quần áo mới màu hồng, không phải là chiếc vé xem phim, xem ca nhạc có thần tượng mình biểu diễn. Nó đượm màu cơm áo, lo toan ngược xuôi như cả đời ba mẹ lầm lũi trên đồng ruộng quê nhà kiếm từng hạt gạo, cọng rau; bây giờ lại phải bươn chải thêm trên từng góc phố, góp nhặt từng đồng lẻ, giành lại sự sống cho em…

Những chuyến xe của cha

“Quê tôi đất ruộng chua phèn, hết nắng hạn rồi tới mưa lụt, khổ lắm mới phải xa vợ, xa con, bỏ quê vô đây làm ăn thế này…”. Người cha bắt đầu câu chuyện của mình bằng nỗi buồn của phận đời tha hương có thể hết cả kiếp người. Mười mấy năm lăn lóc mưu sinh ở TPHCM đủ làm chất giọng Quảng của anh Bùi Văn Tháo (cha bé Hòa) phai đi ít nhiều; những con đường, ngõ hẻm nào đôi chân ấy cũng đã rảo qua, tiếng rao vé số cũng kịp “lai” chút phương ngữ miền Nam cho dễ bán buôn, mời khách. Có những cái Tết nuốt nỗi nhớ vào trong, anh ở lại, vừa tiết kiệm tiền tàu xe vừa tranh thủ kiếm thêm ít đồng để “mẹ nó có thêm viên thuốc, chị em con Hòa có thêm miếng thịt ngày tết cho đỡ thèm”. Gánh nặng lại đè thêm lên vai người cha từ ngày con mắc bệnh hiểm nghèo.

Anh kể, ngày vợ chồng anh gõ cửa phòng bác sĩ ở Bệnh viện Ung bướu cầu cứu “nghĩ cách gì cứu con em với, bao nhiêu em cũng lo được”. Lúc nói xong câu đó mà tay chân anh rụng rời, ruột gan rối bời bởi “bao nhiêu” sẽ là “bao nhiêu”, một xấp vé số trên tay thì có thể làm được “bao nhiêu” cho đủ cứu sinh mạng của con mình, còn vợ đau ốm, thuốc men quanh năm, còn 3 đứa con nhỏ ở quê nhà…

Chưa nghĩ ra được cách gì, anh và vợ chỉ biết phải cứu con, cực mấy, nghèo mấy con mình cũng phải sống. Rồi chị về quê lo cho 3 đứa còn lại, ngày khỏe mạnh thì đạp xe mấy chục cây số đi thu mua giấy vụn, đồng nát; anh chuyển qua nghề xe ôm trước cổng bệnh viện, vừa để tiện chăm con, vừa hy vọng với nghề mới này anh có thể lo đủ tiền xạ trị cho con. Ngày ròng rã chạy xe ôm, cơm chùa bữa đói, bữa no, tối về nằm ngoài hành lang bệnh viện chăm con, khuôn mặt của người cha nghèo càng sạm đi vì nắng gió, mưa bụi.

“Tội nghiệp con bé, nó chỉ mới biết mình bị ung thư từ lúc dự ngày hội Hoa Hướng Dương thôi, trước đó, vợ chồng tui giấu nhẹm con. Nó suy sụp tinh thần dữ lắm, thương con mà cũng đành lòng để con một mình ở lại bệnh viện chăm mẹ, chứ tui mà nghỉ chạy xe một bữa là cả nhà lại đói”- người cha nghèo nhìn mái đầu trọc nhẵn của con nói trong nước mắt, những giọt nước mắt bất lực trong phút yếu lòng của người đàn ông khi cảm thấy đôi vai mình sắp không còn đủ sức lo cho con nữa. Tay áo sờn vội lau khô mắt, cha không cho phép mình yếu đuối trước mặt con gái và mẹ. Và rồi những chuyến xe ôm của cha lại ngược mưa, ngược nắng; tiền viện phí của con thấm đẫm mồ hôi ướt áo cha. 

Nước mắt chảy thầm ướt đẫm gối mẹ, nước mắt chảy ngược lăn trong tim cha trên những chuyến xe ôm mang theo niềm hy vọng của người cha nghèo. Cha vẫn nghĩ một ngày nào đó tóc con gái sẽ dài trở lại, rồi con lại đến trường, con viết văn hay, được cô giáo khen hoài. Ừ, thì biết đâu con gái cha sẽ thành cô giáo dạy văn ở quê mình. Lúc đó, cha sẽ về lại quê, cả nhà mình lại được sum họp, đủ đầy…

Bảo Uyên

Tin cùng chuyên mục