Năm 2009 đánh dấu hai sự kiện của ngành GD-ĐT: Quốc hội thông qua sửa đổi Luật Giáo dục 2005 và đổi mới cơ chế tài chính. Do vậy, nhiều người tin tưởng sẽ có những bước phát triển mới đối với sự nghiệp GD-ĐT trong năm 2010. Đầu năm mới, Báo SGGP đã “xông đất” một số nhà quản lý giáo dục và nhà giáo để lắng nghe ước vọng mùa xuân của họ.
- Ông HUỲNH CÔNG MINH, Giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM: Không phụ lòng tin xã hội gửi gắm
Năm 2009, ngành GD-ĐT TPHCM đã đảm bảo chỗ học cho con em nhân dân; giữ vững chất lượng đào tạo và từng bước phát triển đáp ứng yêu cầu mới; duy trì vững chắc kết quả phổ cập tiểu học, THCS đúng độ tuổi và hoàn thành phổ cập giáo dục trung học. Bên cạnh đó, giáo viên tích cực đổi mới phương pháp giảng dạy, vượt khó để giảm tải lý thuyết, tăng cường các tiết học thực hành nhằm thực hiện mục tiêu giáo dục toàn diện cho các em.
Ngành GD-ĐT TPHCM mong muốn hệ thống trường lớp được xây dựng nhanh chóng hơn để thực hiện tốt quy hoạch mạng lưới trường học đã được phê duyệt. Nhiều trường có chất lượng đào tạo tốt đang thu hút rất đông học sinh (HS) đến từ nhiều tỉnh, thành trong khi lại đang phấn đấu thực hiện việc giảm sĩ số HS/lớp, tăng thời lượng học 2 buổi/ngày để thực hiện theo tiêu chuẩn quốc tế trong GD-ĐT, đang là thách thức.
Vì thế chúng tôi cũng mong nhận được sự hỗ trợ của các lực lượng xã hội mạnh mẽ hơn, liên tục và đều tay hơn. Đó là sự đồng thuận với nhà trường trong quan điểm, phương pháp dạy học hướng về HS, thực hành nhiều hơn lý thuyết; trong từng gia đình sẽ chăm sóc HS một cách đầy đủ hơn; xã hội văn minh, hiện đại, tạo môi trường lành mạnh giáo dục thế hệ trẻ. Về phía nhà trường, các thầy cô giáo tiếp tục thực hiện đổi mới toàn diện qua phương pháp dạy học chủ động, sáng tạo, khắc phục khó khăn để nâng cao uy tín trong bất kỳ hoàn cảnh nào.
Bước sang năm mới với quyết tâm mới, chúng tôi hy vọng ngành GD-ĐT TPHCM sẽ đáp ứng được yêu cầu ngày càng cao của xã hội, không phụ niềm tin PHHS gửi gắm cho ngành.
- Th.S TRẦN ĐÌNH LÝ, Khoa Kinh tế - Đại học Nông Lâm TPHCM: Đột phá để giữ con tim và khối óc của nhà giáo
Không thể phủ nhận sự quan tâm đầu tư rất đáng kể của nhà nước về những chế độ, chính sách, liên quan đến GD-ĐT, đến đội ngũ giáo viên (GV) các cấp trong thời gian vừa qua. Thế nhưng, khi nói đến đồng lương của người thầy, đặc biệt là GV vùng sâu vùng xa, giáo viên cấp 1, 2… sao mà thấy chạnh lòng quá! Ai cũng phải thừa nhận một thực tế không mấy vui trong thời gian qua, do thu nhập GV còn quá nhiều hạn chế, tình trạng chuyển đổi ngành nghề, kể cả việc rời xa ngành nghề được xem là cao quý nhất, đã diễn ra…
Một GV có trình độ đại học mới ra trường năm 2010 sẽ có lương bình quân 2,306 triệu đồng, tuy cao hơn trước nhưng quả thực chưa thể thuyết phục các thầy cô trẻ, học giỏi… ở lại trường. Vấn đề đặt ra là động lực nào để họ giữ được nghề, và hơn thế nữa họ tự hào về nghề cao quý này? Vẫn biết rằng làm nghề giáo thì không nên nghĩ đến việc làm giàu, nhưng họ vẫn phải lo cho cuộc sống của chính họ và gia đình họ.
Chẳng lẽ lại khuyên GV: hãy tập trung chuyên môn cho thật tốt và hãy quên... tiền lương đi. Hãy nghĩ đến việc tìm thu nhập từ nơi khác... Nơi khác ư, nhưng là nơi nào, vì nó có thể rất “gần” nhưng cũng có thể rất “xa”, với nghề giáo - nghề cao quý - của họ. Điều gì sẽ xảy ra nếu lấy cái rất “xa”, thậm chí “quá xa”, để lo cho cái “gần” của nhà giáo?
Hơn lúc nào hết, hãy nên nghĩ đến một sự đổi mới mang tính đột phá để giữ được cả con tim và khối óc của nhà giáo chuyên tâm đối với sự nghiệp giáo dục của nước nhà. Trong đó có một vấn đề không mới nhưng chưa bao giờ làm được: vấn đề tiền lương và sau đó là điều kiện, môi trường làm việc cho nhà giáo.
Nhân dịp xuân về, cầu mong quý thầy cô giáo luôn vui, tự hào và yêu mến gắn bó bền vững với nghề cao quý.
- Ông NGUYỄN PHÙNG QUỐC HÙNG, Hiệu trưởng THPT Trung Phú, Củ Chi: Mong có nhiều HS giỏi chọn ngành sư phạm
Mấy năm gần đây, số lượng thí sinh đăng ký vào sư phạm không còn nhiều và những em giỏi không còn mặn mà với ngành này. Thu nhập thấp, khó xin việc làm sau khi tốt nghiệp (như một trường hợp tốt nghiệp thủ khoa ĐH Sư phạm phải “cầu cứu” đến bộ trưởng vì không được nơi nào nhận...) đã khiến HS giỏi rất đắn đo khi muốn theo nghề “gõ đầu trẻ”. Tôi sợ rằng sau một thời gian hưng thịnh, đầu vào của ngành sư phạm lại rơi vào thời kỳ bị ví von “chuột chạy cùng sào mới vào sư phạm”, nếu như không có những quyết sách kịp thời tăng lương, giải quyết việc làm khi ra trường để thu hút nhân tài vào sư phạm.
Đối với vùng ngoại thành, để có đủ GV giảng dạy trong trường đã khó mà muốn GV giỏi trụ vững với nghề lại càng khó hơn. GV là người quyết định chất lượng dạy và học, hướng dẫn HS biết cách tư duy, năng động hơn nên cần phải được quan tâm nhiều hơn. Nếu những mơ ước trên trở thành hiện thực thì chất lượng giáo dục chắc chắn sẽ tốt hơn.
- Cô PHÙNG THỊ NGỌC HOA, Trường THCS chuẩn quốc gia Nguyễn Văn Tố, quận 10: Tăng lương cho thầy, giảm tải cho trò
Mong muốn đầu tiên của tôi là lương GV sẽ tăng, vì khi bị chi phối bởi “cơm áo gạo tiền” thì GV rất khó toàn tâm toàn ý cho giáo dục.
Bên cạnh đó, tôi cũng mong giáo trình học nhẹ nhàng, thoải mái hơn để HS không học đối phó, GV không bị áp lực. Chúng ta có nhiều HS thông minh, rất giỏi về kiến thức song lại thiếu kỹ năng sống. Không thể trách các em và nhà trường khi mỗi ngày các em phải học nhiều môn với nhiều bài tập, còn thầy cô phải “chạy” cho kịp chương trình giáo án. Do vậy, nhiều khi thầy cô muốn trang bị cho các em kỹ năng sống thì “lực bất tòng tâm”, chỉ có thể đưa được một lượng nhỏ so với những gì HS cần trong thời đại bùng nổ thông tin hiện nay.
- TS VÕ VĂN THẮNG, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH An Giang: Muốn có chất lượng phải thay đổi học phí
Giáo dục đại học đang chạy theo số lượng và vấn đề chất lượng giáo dục đại học luôn là đề tài được xới lên nhiều nhất, chiếm nhiều thời gian nhất trong các buổi hội thảo, hội nghị. Là nhà giáo ai cũng muốn ngành giáo dục phải thay đổi toàn diện bộ mặt của nó thì mới có thể đi đúng hướng và hội nhập với khu vực và thế giới. Vì vậy mà thầy phải thay đổi phương pháp giảng dạy, trò thay đổi cách học. Rồi nhà trường phải xây dựng chuẩn đầu ra cho từng ngành giảng dạy, đồng thời cách quản lý cũng được thay đổi. Tất cả những điều đó các trường đã và đang làm.
Tuy nhiên, cái khó nhất vẫn chính là bài toán ngân sách, học phí. Các trường đại học công thì mức thu học phí bị đóng trong khung cứng còn các trường ngoài công lập thì thu vô tội vạ, thậm chí có trường thu học phí đến vài chục triệu đồng/năm nhưng chất lượng vẫn là một dấu hỏi lớn. Hy vọng, trong năm mới, giáo dục đại học sẽ có nhiều đổi mới, trong đó vấn đề học phí sẽ được thay đổi nhiều hơn nữa.
Hồng Liên – Thanh Hùng