28-3-2010 là ngày Quyết định số 15/2010/QĐ-UBND của UBND TPHCM quy định về khuyến khích đầu tư bến, bãi vận tải đường bộ trên địa bàn TP chính thức có hiệu lực. Để được tham gia đầu tư cần phải có những điều kiện nào; hồ sơ, thủ tục ra sao; nhà đầu tư (NĐT) có những quyền lợi gì v.v… Báo SGGP xin giới thiệu về những điểm chính của quy định trên.
Điều kiện tham gia đầu tư
Trước hết, NĐT phải có đăng ký kinh doanh ngành nghề theo đúng nội dung đầu tư. Địa điểm đầu tư phải được UBNDTP hoặc ủy quyền Sở Tài nguyên - Môi trường chấp thuận bằng văn bản. NĐT phải có ít nhất 30% vốn thuộc sở hữu và thu xếp đủ số vốn đầu tư còn lại. Bến bãi phải đảm bảo các tiêu chuẩn kỹ thuật, trong đó diện tích sử dụng làm bãi đậu xe đạt tối thiểu 70%.
Riêng đối với bến xe khách liên tỉnh, tùy theo quy mô diện tích, phải bố trí một diện tích đất tối thiểu từ 1.000m² đến 2.000m² làm bến đầu mối trung chuyển khách đi xe buýt.
Về thủ tục, sau khi có văn bản chấp thuận địa điểm đầu tư hoặc cho phép đầu tư, NĐT phải lập dự án đầu tư xây dựng công trình trong vòng 180 ngày. Nếu quá thời gian này thì phải có văn bản báo cáo gửi Sở Kế hoạch - Đầu tư (KH-ĐT) xin gia hạn thêm 90 ngày nữa.
Trường hợp quá thời gian gia hạn thì văn bản chấp thuận địa điểm đầu tư hoặc cho phép đầu tư sẽ hết hiệu lực thực hiện. Sở KH-ĐT có trách nhiệm thẩm định hồ sơ đầu tư, cấp giấy chứng nhận đầu tư (đối với các dự án thuộc phạm vi) hoặc trình UBNDTP cấp giấy chứng nhận. Dự án phải được khởi công xây dựng trong vòng 12 tháng kể từ ngày có giấy chứng nhận đầu tư; quá thời hạn trên, nếu không được cơ quan có thẩm quyền cho phép gia hạn bằng văn bản, dự án đương nhiên không còn giá trị thực hiện.
Quyền lợi của nhà đầu tư
Ngoài việc được hưởng chế độ ưu đãi đầu tư theo pháp luật đầu tư hiện hành tại Việt Nam, NĐT còn được miễn nộp tiền chuyển mục đích sử dụng đất đối với các dự án sử dụng đất nông nghiệp để xây dựng bến, bãi trong thời hạn được UBNDTP chấp thuận đầu tư.
Trong trường hợp vị trí bến bãi chưa có đường giao thông ra vào, sau khi NĐT thực hiện xong công tác giải phóng mặt bằng cho dự án và bàn giao phần diện tích đất để làm đường, nhà nước sẽ đầu tư xây dựng hạ tầng giao thông và hoàn trả chi phí bồi thường giải tỏa phần diện tích làm đường cho NĐT.
Về chính sách hỗ trợ lãi vay, các dự án hoàn thành đưa vào vận hành, khai thác trước năm 2016 sẽ được ngân sách TP hỗ trợ lãi vay với các mức 8%-10%/năm (tùy theo loại dự án) nhưng tối đa không quá 10 năm.
Số vốn vay được hỗ trợ là phần chênh lệch giữa chi phí đầu tư với phần vốn thuộc sở hữu của NĐT, gồm các hạng mục: chi phí đầu tư đối với diện tích sử dụng làm bãi đậu xe từ 70% trở lên, kể cả phần diện tích cao tầng; chi phí các hạng mục xây dựng đường, hạ tầng kỹ thuật (bao gồm hệ thống cấp thoát nước, cấp điện, chiếu sáng, cây xanh, nhà bảo vệ, nhà vệ sinh, vỉa hè); chi phí bồi thường giải phóng mặt bằng trong trường hợp địa điểm đầu tư là địa điểm thuộc quy hoạch được công bố và không thuộc sở hữu của NĐT.
H.T.K.