Tại hội thảo “Quản lý thiết kế, thi công công trình nhà cao tầng và định hướng phát triển công trình xanh trên địa bàn TPHCM” tổ chức tuần qua, một số chuyên gia cho rằng, đa số các dự án bất động sản chỉ nhắm đến lợi ích trước mắt, TPHCM còn rất ít các công trình xanh.
Mỗi công trình xanh sẽ tiết kiệm cho người sử dụng từ 20-40% chi phí vận hành hàng tháng nhờ thiết kế thông minh, từ đó có thể thu hồi vốn nhanh từ các chi phí bỏ ra. Tại Việt Nam, có 2 công trình xanh vừa đạt Hệ thống chứng chỉ EDGE của IFC, đã cải thiện ít nhất 20% mức tiêu thụ năng lượng, nước, vật liệu so với các công trình điển hình. Cụ thể, công trình chung cư EHome 5 Nam Long tại TPHCM đạt chứng chỉ này, đã giảm được 31% chi phí năng lượng do giảm tỷ lệ cửa sổ - tường, dùng kết cấu che nắng ngoài, sơn phản quang cho tường bao và mái, cách nhiệt tường bao và mái, kính chỉ số chống nhiệt cao, đèn tiết kiệm điện. Giảm 22% chi phí về nước do dùng các loại vòi sen, bếp dòng chảy thấp, giảm 34% vật liệu sử dụng do dùng trần và sàn đổ bê tông, tường bao và tường chia xây gạch bê tông khí trưng áp. Công trình FPT tại Đà Nẵng cũng giảm được 21% khi dùng pin mặt trời, cảm biến thu nhiệt khí thải, kính hệ số chống nóng cao, mái - tường cách nhiệt, đèn tiết kiệm điện; giảm 32% chi phí nước khi dùng hệ thống làm mát có tháp giải nhiệt khô nhằm giảm thiểu tiêu thụ nước cho hệ thống điều hòa thông gió; giảm 20% vật liệu sử dụng do dùng tường bao xây gạch block bê tông khí trưng áp, sàn bê tông…
Công trình xanh là xu hướng tất yếu của thế giới nên hiện đã có hơn 36.000 dự án thương mại và 38.000 công trình nhà riêng đã được cấp giấy chứng nhận LEED (hệ thống tiêu chuẩn quốc tế về kiến trúc xanh của Mỹ) trên toàn thế giới. Tuy nhiên, hiện nay tại Việt Nam chưa có nhiều công trình cao tầng sử dụng năng lượng hiệu quả. Ngay tại TPHCM, số lượng các công trình xanh cũng rất ít. Chỉ mới có một công trình có chứng nhận của LEED; 2 công trình chứng nhận Green Mark (Singapore); 2 công trình đạt chứng nhận EDGE và chưa có công trình nào đạt chứng nhận Lotus (Việt Nam). Trong khi đó, Bangkok (Thái Lan) đã có 38 công trình đạt chứng nhận của LEED; Kuala Lumpur (Malaysia) có 89 công trình; Singapore có 56 công trình đạt chứng nhận LEED; Phnom Penh (Campuchia) cũng có 7 dự án nhà ở đạt chứng nhận LEED.
Mặc dù hiệu quả của công trình xanh mang lại lâu dài không chỉ về mặt kinh tế mà quan trọng nhất là bảo vệ môi trường, tiết kiệm năng lượng và thích ứng với biến đổi khí hậu. Tuy nhiên, đa số các DN bất động sản vẫn chưa chú trọng phát triển các công trình xanh. Nguyên do là họ e ngại việc tổng vốn đầu tư bị đội lên cao. Một số kiến trúc sư cũng nhìn nhận, xây dựng công trình xanh chi phí thường tăng thêm khoảng 10% - 29% do vật liệu xây dựng xanh có giá thành cao hơn, phần chi phí thiết kế kiến trúc - kỹ thuật cũng cao hơn, cộng thêm chi phí mô hình hóa và tăng thời gian thực hiện để lồng ghép những kỹ thuật thiết kế và xây dựng nhằm tạo sự bền vững và hiệu quả nhất cho dự án. Công ty Phúc Khang dẫn chứng: Để thực hiện dự án căn hộ cao cấp Diamond Lutus theo tiêu chuẩn xanh LEED, công ty này đã phải tăng 10% chi phí đầu tư, tương đương với khoảng 120 tỷ đồng cho dự án này.
Tuy nhiên, ông Lê Hòa Bình, Phó Giám đốc Sở Xây dựng TPHCM, cho biết, hiện Việt Nam chưa có ưu đãi, hỗ trợ áp dụng cho công trình sử dụng năng lượng hiệu quả, mà chỉ có ưu đãi cho các công trình xây dựng bảo vệ môi trường. Trong khi đó, 70% chính quyền địa phương dựa vào việc cấp chứng chỉ công trình xanh để xét duyệt ưu đãi. Ông Nguyễn Công Thịnh, Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học công nghệ và Môi trường (Bộ Xây dựng) cũng cho rằng, với sự tăng nóng của thị trường xây dựng trong 5 năm tới, Việt Nam cần có một “cuộc cách mạng xanh” trong xây dựng nhằm góp phần giảm sử dụng năng lượng trong quá trình vận hành, đem lại chất lượng cuộc sống tốt hơn. Theo ông Thịnh, Nhà nước cần có những chính sách hỗ trợ cụ thể với các quy định về ưu đãi rõ ràng cho chủ đầu tư, nhà sản xuất vật liệu, nhà thầu thi công... khi thực hiện các công trình xanh. Cụ thể như miễn thuế VAT cho các sản phẩm, thiết bị liên quan đến công trình xanh; giảm giá điện, nước; giảm tiền thuê đất, thuế thu nhập cho các DN thực hiện các công trình xanh.
Theo Bộ Xây dựng, trong vòng 10 năm qua, mức năng lượng tiêu thụ trong công trình xây dựng đã tăng với tốc độ nhanh hơn GDP, bình quân 14%/năm. Chính vì thế, việc áp dụng các công trình xanh theo tiêu chuẩn quốc tế là xu hướng tất yếu nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống và tiết kiệm năng lượng cho quốc gia. Bộ Xây dựng cũng cho biết, thời gian tới sẽ có các chính sách khuyến khích, thúc đẩy, thậm chí bắt buộc DN triển khai công trình xanh, cùng với đó là tăng cường các biện pháp chế tài đối với các dự án vi phạm trong thiết kế quy hoạch mảng xanh, tiết kiệm năng lượng khi xây dựng công trình. Về việc này, đại diện Công ty SGS Việt Nam cho biết, nếu buộc áp dụng tiêu chí xây dựng xanh cho các công trình, kỳ vọng trong 5 năm tới, Việt Nam sẽ có khoảng 70.000 đơn vị nhà xây mới được cấp chứng nhận EDGE, sẽ giảm 19.000 tấn khí nhà kính phát thải mỗi năm, tiết kiệm được 43.500MW/giờ điện mỗi năm, tương đương với khoảng 8 triệu USD.
PHƯƠNG HÀ