- Miền Bắc lo sốt giá
Ngày 8-11, tại buổi giao ban trực tuyến thường kỳ, Bộ Công thương đã đưa ra các giải pháp quyết liệt thực hiện mục tiêu khó khăn “đảm bảo bình ổn thị trường”, kiểm soát giá tiêu dùng các tháng cuối năm trong khi giá cả nhiều mặt hàng thiết yếu tiếp tục tăng cao trước những diễn biến phức tạp về tỷ giá, giá vàng, cung cầu hàng hóa thiết yếu cũng như thiên tai rình rập.
Theo ý kiến của nhiều đại biểu, cùng với những tác động bất lợi khác nhau, thị trường nhiều mặt hàng thiết yếu như: lúa gạo, thực phẩm, khí hóa lỏng, xăng dầu, phân bón… tiếp tục “nóng” theo quy luật thị trường cuối năm. Việc tăng giá này chắc chắn sẽ ảnh hưởng không nhỏ tới mục tiêu kiềm chế tăng giá tiêu dùng ở mức một con số bởi đây là những mặt hàng chiếm tỷ trọng khá lớn trong rổ hàng hóa chung.
Trong khi đó, nhiều doanh nghiệp xuất khẩu gạo tiếp tục đẩy mạnh thu mua chuẩn bị cho những hợp đồng đã ký, cũng như thiên tai lũ lụt hoành hành làm vận chuyển hàng hóa bị ngưng trệ… đã khiến giá lương thực tăng cục bộ ở một số nơi như Hà Nội, các tỉnh Tây Nam bộ, các tỉnh miền Trung, hải đảo.
Theo Thứ trưởng Bộ Công thương Lê Danh Vĩnh, từ nay đến cuối năm, 3 giải pháp trọng tâm cần tiếp tục thực hiện nhằm thực hiện mục tiêu bình ổn thị trường cuối năm chính gồm: Kiểm soát chặt thị trường; bảo đảm cân đối cung cầu, không để thiếu hàng sốt giá và đảm bảo điện cho sản xuất.
Theo đó, Cục Quản lý thị trường Bộ Công thương phối hợp chặt với Cục Quản lý giá Bộ Tài chính tăng cường kiểm soát thị trường, xử lý nghiêm các hành vi đầu cơ, găm hàng, tăng giá, gian lận thương mại, niêm yết giá và bán theo giá niêm yết, kiểm soát chặt chẽ chất lượng hàng hóa và vệ sinh an toàn thực phẩm hàng hóa lưu thông trên thị trường trong những tháng cuối năm 2010 và đầu năm 2011.
Thứ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Thành Biên đề xuất: Cùng với trách nhiệm đảm bảo đủ gạo cung cấp cho thị trường trong nước của Tổng Công ty Lương thực miền Bắc và miền Nam, các doanh nghiệp xuất khẩu gạo phải giãn tiến độ thực hiện các hợp đồng xuất khẩu gạo đến hết năm để giảm áp lực sốt giá gạo, nhất là khi tình hình thiên tai bão lũ đang tăng lên.
Thứ trưởng Bộ Công thương Hồ Thị Kim Thoa nhấn mạnh: Tăng giá hàng hóa xuất phát từ 2 nguyên nhân chính là cung cầu và yếu tố tâm lý. Vì vậy, trong các tháng cuối năm, các tỉnh thành phố lớn như Hà Nội, TPHCM cần tiếp tục triển khai các chương trình khuyến mãi tăng sức mua và giúp bình ổn giá, nhất là tại các khu vực tập trung người lao động thu nhập thấp như khu công nghiệp, sinh viên, miền núi…
Ngoài ra, các bộ, ngành, địa phương, các tập đoàn, doanh nghiệp lớn cần thực hiện cung cấp thông tin đầy đủ, kịp thời cho cơ quan báo chí để kịp thời định hướng thông tin đúng đắn. Đây chính là giải pháp quan trọng góp phần định hướng tâm lý tiêu dùng, hạn chế thấp nhất tình trạng “tát nước theo mưa, nâng giá hàng vô lý, tạo ra những cơn sốt giá ảo trên thị trường”, Thứ trưởng Vĩnh kết luận.
H.MINH
Miền Bắc lo sốt giá
Từ đầu tháng 10-2010 đến nay, giá cả của hầu hết các loại hàng hóa thiết yếu ở miền Bắc đều tăng lên chóng mặt, trong đó lo lắng nhất là việc tăng giá các mặt hàng nông sản, thực phẩm như rau củ quả, cá thịt… đã làm người dân miền Bắc đứng ngồi không yên, thói quen mua bán, đi chợ hàng ngày bị đảo lộn.
Tại các chợ, các loại thực phẩm như thịt heo đều tăng từ 8.000-12.000 đồng/kg, thịt bò, thịt gia cầm tăng từ 5.000-10.000 đồng/kg. Chị Vũ Thị Hạnh, nhà ở khu tập thể Thanh Xuân Bắc (Thanh Xuân-Hà Nội) cho biết, Thanh Xuân là khu chợ có giá cả rẻ bậc nhất Hà Nội hiện nay vì nguồn hàng ở quê mang ra bán nhiều. Tuy nhiên, tháng trước một cân gà sống chỉ có giá 75.000 đồng, hiện đã tăng lên 80.000 đồng, còn ở trong khu trung tâm Hà Nội là 85.000-90.000 đồng/kg.
Bà Lê Thúy Nhàn, nhà ở gần chợ Hà Đông (Hà Nội) than thở: “Thậm chí bây giờ quả chanh, củ hành cũng tăng giá. Trước một quả chanh chỉ có 1.000 đồng, giờ thì phải 1.500-2.000 đồng họ mới bán. Trước một nhúm hành chỉ 1.000 đồng, nhưng hôm qua tôi ra chợ, trả 2.000 đồng chị bán rau còn sưng mặt lên, không chịu bán. Cuối cùng phải 3.000 đồng mới bán”.
Theo các tiểu thương ở chợ Thành Công, hiện hầu như các loại thực phẩm đều tăng vùn vụt. Hàng ở chợ tăng thì hàng ăn uống ở các khu đô thị cũng tranh thủ đẩy giá lên theo hội chứng “nước nổi thuyền nổi”. Bởi thế, ở nhiều công ty, cơ quan, công sở trong khoảng 2-3 tuần nay xuất hiện trở lại hiện tượng công nhân, viên chức xách cạp lồng cơm đi làm để hạn chế sự ảnh hưởng của tăng giá, thực hiện tinh thần “thắt lưng buộc bụng”.
Ban đầu, giá nông sản, thực phẩm tăng được nhận định là do ảnh hưởng của chuỗi liên tiếp các đợt lũ lụt lớn ở Bắc Trung bộ, rồi Nam Trung bộ, dẫn đến nguy cơ nguồn cung ứng lương thực, thực phẩm cho miền Trung không đủ, nguồn hàng từ miền Nam như rau củ, hoa quả tươi, thịt heo chuyển ra Bắc cũng khó khăn. Bởi vậy, các thương lái đã tranh thủ đẩy giá lên cao. Tuy nhiên, gần đây tình trạng tăng giá các loại mặt hàng nói chung còn được tiếp thêm cơ hội của hội chứng tăng giá vàng.
Theo Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Diệp Kỉnh Tần, hiện nay khó khăn là miền Trung vừa trải qua 2-3 đợt lũ lịch sử, ảnh hưởng nghiêm trọng tới việc gieo trồng vụ đông, đồng thời gia súc, gia cầm chết nhiều và thời điểm Tết Nguyên đán lại đang tới gần. Còn theo ông Nguyễn Thanh Sơn, Phó Cục trưởng Cục chăn nuôi, khu vực Nam bộ đang gặp khó khăn là dịch heo tai xanh vẫn còn, heo bị chết nhiều nên nhiều địa phương không thể tái đàn, thậm chí không ít tỉnh trong tình trạng “trắng” nguồn giống, dẫn tới thiếu hụt về thực phẩm.
Do đó, để đảm bảo việc cung ứng nguồn nông sản, thực phẩm, Bộ NN-PTNT đã yêu cầu Cục Chăn nuôi nghiên cứu, đề xuất các giải pháp đảm bảo phát triển sản xuất, cung ứng hàng hóa dồi dào trong thời điểm cuối năm, tránh tình trạng để giá thịt heo và thịt gia cầm tăng đột biến.
VĂN PHÚC