Đó là một trong những nội dung đáng lưu ý tại dự thảo nghị định của Chính phủ quy định về tổ chức, hoạt động ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn mà Bộ Quốc phòng đang soạn thảo và lấy ý kiến. Cụ thể, khi tình huống xảy ra, phải ưu tiên các hoạt động cứu người trước, cứu tài sản sau và bảo vệ môi trường.
Tại dự thảo, Bộ Quốc phòng cũng nêu rõ các nguyên tắc chủ yếu trong tổ chức, hoạt động ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm, cứu nạn. Theo đó, phát huy sức mạnh tổng hợp của toàn dân tham gia công tác ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm, cứu nạn. Từng bước nâng cao năng lực dân sự trong hoạt động ứng phó sự cố, thiên tai, tìm kiếm cứu nạn; trong đó lực lượng quân đội làm nòng cốt. Đồng thời phải có các biện pháp tích cực phòng chống, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do thảm họa, tai nạn, sự cố gây ra. Chủ động xây dựng các phương án ứng phó theo phương châm “4 tại chỗ”, đảm bảo ứng phó kịp thời, hiệu quả khi tình huống xảy ra. Ưu tiên hoạt động cứu người trước, cứu tài sản sau và bảo vệ môi trường khi có tình huống xảy ra.
Dự thảo cũng nêu rõ hệ thống tổ chức Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, gồm: Chủ tịch là Phó Thủ tướng Chính phủ; các Phó Chủ tịch: 1 đồng chí Thứ trưởng Bộ Quốc phòng hoặc Phó Tổng Tham mưu trưởng Quân đội Nhân dân Việt Nam là Phó Chủ tịch thường trực; 1 đồng chí Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ; 1 đồng chí Thứ trưởng Bộ Công an; 1 đồng chí Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải; 1 đồng chí Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn và các ủy viên.
Đảm bảo chế độ, chính sách cho người tham gia ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (Ảnh: PHƯƠNG HÀ)
Theo đó, tình huống sự cố, thiên tai và tìm kiếm, cứu nạn xảy ra tại cơ sở, tại chuyên ngành nào thì trước tiên cơ sở, chuyên ngành đó phải tự tổ chức ứng phó và khắc phục hậu quả. Trường hợp tình huống xảy ra vượt quá khả năng tự ứng phó của cơ sở phải báo cáo thường trực Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn cấp trên trực tiếp để kịp thời huy động lực lượng đến hỗ trợ ứng cứu.
Trong trường hợp xảy ra tình huống đặc biệt nghiêm trọng, gây tổn thất lớn về người và tài sản, kinh tế và môi trường, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn báo cáo Thủ tướng Chính phủ quyết định các biện pháp ứng phó. Khi có dự báo, cảnh báo, thông báo, báo động nguy cơ hoặc xảy ra sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn; người đứng đầu các bộ, ngành, UBND các cấp có trách nhiệm: chỉ đạo việc triển khai các biện pháp khẩn cấp bảo vệ tính mạng, tài sản của nhân dân, Nhà nước, kiểm tra các công trình có thể đưa vào sử dụng khi cần thiết. Điều hành, chỉ huy các lực lượng, phương tiện, trang thiết bị, vật tư chuyên dùng để xử lý các tình huống theo kế hoạch ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn.
Dự thảo nghị định cũng nhấn mạnh các cơ quan, tổ chức từ Trung ương đến địa phương sử dụng các phương tiện thông tin đại chúng và các hình thức khác để tuyên truyền nâng cao nhận thức, giáo dục ý thức, trách nhiệm và phổ cập kiến thức cơ bản cho toàn dân về ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn. Việc bồi dưỡng, tập huấn, huấn luyện, diễn tập, phổ cập kiến thức và các biện pháp ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn cho các lực lượng chuyên trách, kiêm nhiệm được tổ chức hàng năm theo hướng dẫn. Thời gian huấn luyện ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn hàng năm cho các lực lượng chuyên trách, kiêm nhiệm là 3% trong tổng thời gian huấn luyện chuyên môn theo chương trình huấn luyện của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Riêng đối với học sinh, sinh viên, học viên đào tạo trong các học viện, nhà trường, thời gian huấn luyện ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn là 8-15 tiết/năm và được thực hiện trong chương trình giáo dục của từng năm học.
|
HÀ PHƯƠNG