Ở nhiều nước có hệ thống đường sắt phát triển, giá thành vận tải đường sắt thường chỉ bằng 2/3 đến 1/2 vận tải đường bộ. Còn ở nước ta, do quản lý chưa tốt, hầu hết hệ thống hạ tầng kỹ thuật đường sắt đều lạc hậu, xuống cấp, không thu hút nên chỉ rẻ hơn chi phí vận tải đường bộ khoảng 10%. Về độ an toàn, vận tải đường sắt được đánh giá là loại hình có độ an toàn cao nhất. Về tốc độ, nếu được đầu tư hạ tầng tốt, xe lửa có thể chạy với tốc độ hơn 200km/giờ (đối với loại hình đường sắt tốc độ cao mà Việt Nam dự tính làm). Còn hiện tại, tốc độ đường sắt Việt Nam trung bình vào khoảng 50km/giờ.
Đó là chưa nói, vận tải đường sắt đặc biệt phù hợp với Việt Nam, đất nước trải dài khoảng 2.000km với nhiều cảnh đẹp trên mỗi cung đường. Do vậy, đường sắt phát triển còn giúp ngành du lịch cất cánh…. Thế nhưng, vì sao việc đầu tư cho đường sắt, gần như chưa bao giờ được ưu tiên so với các loại hình vận tải khác? Thời gian qua, ngành đường sắt mới chỉ tập trung làm mới một số toa tàu, nâng chất phục vụ… còn hạ tầng kỹ thuật, đặc biệt là hệ thống đường ray, gần như chưa có đầu tư mới. Nguồn kinh phí đầu tư quá lớn là lý do thường được đưa ra, điều đó không sai, song theo nhiều chuyên gia, vẫn có cách xử lý khó khăn này.
Một chuyên gia về đường sắt, ông Hà Ngọc Trường, Hội Cầu đường TPHCM, cho biết, có thể chọn ưu tiên đầu tư một số đoạn tuyến quan trọng như TPHCM - Cần Thơ… và khai thác quỹ đất xung quanh các điểm ga của tuyến này để có vốn đầu tư. Giao thông từ TPHCM về miền Tây Nam bộ đang quá tải nặng. Một số tuyến đường cao tốc được đầu tư như Trung Lương - Mỹ Thuận và chuẩn bị đầu tư như Mỹ Thuận - Cần Thơ… được kỳ vọng sẽ giảm tải cho hệ thống đường hiện hữu, nhưng về lâu dài cũng khó gánh vác hết nhu cầu đi lại và phát triển kinh tế của khu vực. Miền Tây Nam bộ có hệ thống kênh rạch chằng chịt nhưng vận tải đường thủy có nhược điểm là tốc độ chậm. Trong bối cảnh này, chỉ đường sắt tốc độ cao là tối ưu hơn cả. Hiện dự án tuyến đường sắt tốc độ cao TPHCM - Cần Thơ đã nhận được sự đồng tình ủng hộ của tất cả địa phương như TPHCM, Long An, Tiền Giang và Cần Thơ. Về chủ trương, Bộ GTVT cũng ủng hộ, vấn đề hiện nay là sự quyết tâm thực hiện.
Không đi… sẽ không bao giờ đến. Mong rằng, không chỉ tuyến TPHCM - Cần Thơ mà một số đoạn tuyến quan trọng khác cũng sẽ được quan tâm đầu tư. Cũng phải nói thêm, một trong những lý do chính khiến chi phí logistics Việt Nam cao hơn nhiều nước trong khu vực là do chúng ta chủ yếu sử dụng loại hình vận tải đường bộ có sức chở nhỏ, chi phí cao. Vì thế, đầu tư cho đường sắt càng nên ưu tiên xem xét.