Ưu tiên hợp tác

Ông Olaf Scholz, người sẽ sớm kế nhiệm Thủ tướng Angela Merkel, nhấn mạnh Đức sẽ thực hiện trách nhiệm trong khuôn khổ Liên minh châu Âu (EU) bởi “là một quốc gia lớn ở trung châu Âu, Đức có trách nhiệm đảm bảo châu Âu ngày càng tốt đẹp hơn”. 
Thủ tướng Đức Angela Merkel và ông Olaf Scholz
Thủ tướng Đức Angela Merkel và ông Olaf Scholz

Theo dự kiến, việc bỏ phiếu bầu ông Olaf Scholz làm Thủ tướng Đức sẽ diễn ra từ ngày 6 đến 8-12 tới. Trước đó, hôm 24-11, hai tháng sau khi diễn ra cuộc tổng tuyển cử tại Đức, chính phủ mới do liên minh “đèn giao thông” (đỏ - vàng - xanh) gồm đảng Dân chủ xã hội (SPD, đảng về nhất trong cuộc bầu cử ngày 26-9), đảng Dân chủ tự do (FDP) và đảng Xanh lãnh đạo chính thức được thành lập. Liên minh cũng nhất trí bổ nhiệm Bộ trưởng Tài chính Olaf Scholz, 63 tuổi, làm thủ tướng. 

Phát biểu khi giới thiệu thỏa thuận liên minh thành lập Chính phủ Đức tương lai, ông Olaf Scholz, người sẽ sớm kế nhiệm Thủ tướng Angela Merkel, nhấn mạnh Đức sẽ thực hiện trách nhiệm trong khuôn khổ Liên minh châu Âu (EU) bởi “là một quốc gia lớn ở trung châu Âu, Đức có trách nhiệm đảm bảo châu Âu ngày càng tốt đẹp hơn”. 

Báo Pháp Le Monde nhận định, thỏa thuận liên minh chính phủ của Đức đã mang lại một số cơ hội cho Pháp, quốc gia sẽ đảm nhận vị trí Chủ tịch luân phiên EU vào ngày 1-1-2022. Hiện những người ủng hộ việc nới lỏng các quy tắc ngân sách của EU vẫn bị ràng buộc bởi 2 điều: Hiệp ước ổn định và tăng trưởng, được thông qua năm 1997, trong đó hạn chế thâm hụt ngân sách của các nước thành viên ở mức 3% GDP và nợ công ở mức 60%; và khả năng kéo dài cơ chế của khoản nợ chung châu Âu có từ kế hoạch phục hồi chống Covid vào tháng 7 - 2020.

Một số quốc gia, dẫn đầu là Pháp, coi Hiệp ước ổn định và tăng trưởng là lạc hậu. Tuy nhiên, các cuộc đàm phán về cải cách sẽ bị cho là tế nhị đối với các nước được gọi là “tiết kiệm”, và rõ ràng Berlin sẽ có vai trò quyết định. Thoả thuận liên minh của Đức nhấn mạnh tính linh hoạt của hiệp ước, cho rằng “cần được đơn giản hóa và minh bạch hơn để tăng cường tính thực thi”. Điều này mở ra cánh cửa đàm phán trong Eurozone và nhiều khả năng sẽ có sự điều chỉnh cho phù hợp với thực tế.

Ngoài ra, ông Scholz nhấn mạnh sự kết nối của châu Âu trong mối quan hệ đối tác xuyên Đại Tây Dương, trong đó có sự hợp tác với Mỹ. Khoảng 71% người Đức coi mối quan hệ với Mỹ là “tốt” hoặc “rất tốt”, theo một cuộc khảo sát mới được tổ chức tư vấn Körber-Stiftung công bố. Điều này tạo cơ hội cho chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden theo đuổi các mục tiêu chung với chính phủ mới của Đức.

Ông Scholz cũng nêu rõ những quốc gia châu Á đang nổi như Hàn Quốc, Nhật Bản, Việt Nam, Indonesia, Malaysia, Ấn Độ hay những nước mạnh từ châu Phi và Nam Mỹ sẽ ngày càng có tiếng nói với những sự kiện xảy ra trên thế giới. Theo ông Scholz, nhiệm vụ của Đức là góp phần vào một thế giới đa phương, trong đó luôn ưu tiên sự hợp tác.

Tin cùng chuyên mục