Bộ Giáo dục – Đào tạo đã có ý kiến rằng việc đề xuất thêm 4 chữ cái F, J, W, Z không phải là quan điểm chính thức của bộ. Dù sao, việc đề xuất cũng xuất phát từ cơ quan của bộ, và điều đó đến giờ không còn là chuyện thoáng qua nữa.
Việc thêm 4 chữ cái vào bảng chữ cái tiếng Việt dĩ nhiên gây ra những ý kiến khác nhau. Phía ủng hộ cho rằng việc thêm này là đương nhiên vì lâu nay 4 chữ cái này đã được sử dụng rộng rãi trên thực tế, không chỉ ở các từ gốc nước ngoài mà còn ở những trường hợp cụ thể như biển số xe (hiện đã dùng chữ F và chữ Z), trong một số văn bản (như chữ TW – Trung ương), cách gõ tiếng Việt (hệ telex)…; đồng thời điều này cũng phù hợp với thông lệ quốc tế trong quá trình hội nhập sâu rộng hiện nay. Phía phản đối cho rằng việc này sẽ làm thay đổi cấu tạo từ tiếng Việt, phải in lại sách giáo khoa và làm hệ thống tiếng Việt trong sách có sự không nhất quán từ lúc có thêm 4 chữ cái này so với trước…
Những ý kiến này đều xác đáng và nên quan tâm, nghiên cứu kỹ. Ở góc độ một người có quan tâm đến vấn đề ngôn ngữ, tôi cho rằng việc thêm 4 chữ cái này là nên làm. Tuy nhiên, cần có sự chú ý:
Thứ nhất, các cơ quan chức năng, các nhà nghiên cứu, các nhà ngôn ngữ cần nghiên cứu thấu đáo sự cần thiết, lợi ích thiết thực và cụ thể của việc thêm 4 chữ cái này. Nếu như qua nghiên cứu thấy rằng không nhất thiết đưa 4 chữ cái này mà vẫn không ảnh hưởng gì đến việc dùng tiếng Việt theo hướng tiện lợi, phù hợp hơn (lâu nay không quy định có 4 chữ cái này thì mọi người vẫn dùng) thì không cần thiết thay đổi.
Thứ hai, cần tính đến việc sử dụng 4 chữ cái này trong thực tế như thế nào, nhất là có liên quan đến vấn đề cấu tạo từ hay không. Chẳng hạn, có nên dùng jì thay cho gì, zân thay cho dân, fương thay cho phương, wá thay cho quá… Tôi cho rằng không nên có sự thay đổi trong việc cấu tạo từ như vậy. Do đó cần có sự hướng dẫn cụ thể ở từng lĩnh vực (như trong giảng dạy, trong in sách, in báo…) để việc sử dụng được phù hợp và có tác dụng tích cực.
Thứ ba, việc áp dụng nên cân nhắc vào một thời điểm thích hợp để không phải đổi sách giáo khoa tiểu học ngay lập tức, gây lãng phí cho xã hội và làm cho việc học tập của học sinh bị ảnh hưởng. Đồng thời, cũng cần áp dụng vào những trường hợp thích hợp để không gây ra sự biến đổi lớn không cần thiết trong hệ thống tiếng Việt.
Thứ tư, trong tương lai, cần hết sức cân nhắc việc thay đổi, cải tiến chữ viết tiếng Việt nếu không thực sự cần thiết; trong đó, cần tránh việc áp dụng những cách viết theo thói quen cá nhân thành ra một quy cách sử dụng tiếng Việt, kiểu như cẻ thay cho kẻ, dzũng thay cho dũng, yiễm thay cho diễm, kôn thay cho côn… hoặc dùng dấu (dấu nối) khi viết từ Hán – Việt… Bởi vì, ngôn ngữ mang đặc trưng văn hóa và có tính bản sắc của một cộng đồng, một dân tộc, dù là sinh ngữ nhưng không có nghĩa có thể thay đổi tùy tiện.
Thứ năm, để nhất quán và không tùy tiện những vấn đề liên quan đến ngôn ngữ, các nhà lập pháp nên nghiên cứu ban hành một văn bản luật về ngôn ngữ, trong đó cần quy định những trường hợp thêm bớt ký tự, cách cấu tạo từ… và nhất là biện pháp chế tài đối với những hành vi vi phạm sự chính xác và trong sáng của tiếng Việt.
Tóm lại, thêm 4 chữ cái dường như có nhiều điều tích cực trong điều kiện ngôn ngữ hiện nay nhưng việc dùng như thế nào thì phải hết sức cân nhắc trên tinh thần khoa học.
TRỊNH MINH GIANG (Thủ Đức)