Về việc liên doanh, liên kết đào tạo đại học và sau ĐH

Vẫn còn những chương trình chạy theo lợi nhuận

Vẫn còn những chương trình chạy theo lợi nhuận

Như tin Báo SGGP đã đưa, vừa qua Thanh tra Chính phủ (TTCP) đã kết luận thanh tra về công tác quản lý nhà nước trong việc liên doanh, liên kết đào tạo đại học (ĐH) và sau ĐH giai đoạn 2006 - 2010. Kết luận thanh tra cho thấy, có nhiều sai phạm trong hoạt động này ở nhiều trường ĐH. Đây là điều xã hội lâu nay rất lo lắng Bộ GD-ĐT vừa qua đã kiểm tra và phát hiện nhiều sai phạm cụ thể. Ông Đào Trọng Thi, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội (QH) đã trao đổi với PV Báo SGGP về vấn đề này.

Sinh viên thực hành đo độ cứng của vật liệu trên máy. Ảnh: Mai Hải

Sinh viên thực hành đo độ cứng của vật liệu trên máy. Ảnh: Mai Hải

- Phóng viên: Theo ông, nên lựa chọn đối tác liên kết đào tạo là các trường ĐH nước ngoài thế nào để đảm bảo chất lượng, tránh sai phạm?

Ông ĐÀO TRỌNG THI: Tất nhiên để đạt được mục tiêu như đã nói thì phải chọn đối tác có chất lượng tốt hơn. Tuy nhiên phải nói thật, chúng ta thường không chọn được những đối tác có chất lượng rất cao vì chi phí sẽ rất lớn và như vậy chưa chắc đã phù hợp với hoàn cảnh của mình. Để chọn đối tác có chất lượng nên căn cứ vào kết quả kiểm định. Ở nước ngoài kiểm định chất lượng giáo dục được làm rất tốt, bởi vậy ít nhất mình cũng phải chọn đối tác được kiểm định bởi một tổ chức kiểm định chất lượng có uy tín. Nếu đối tác được kiểm định và đánh giá ở mức tốt và phù hợp với điều kiện hoàn cảnh của mình thì sẽ tốt hơn.

- Các văn bản quy định liên quan đến liên kết đào tạo hiện nay đã hoàn thiện?

Thời gian vừa qua có thể nói hoạt động liên kết đào tạo của ta phát triển rất nhanh và rõ ràng khâu quản lý không theo kịp. Đó là đánh giá chung khi làm Luật Giáo dục ĐH. Và có rất nhiều quy định còn lỏng lẻo và sơ hở. Chính vì vậy, Luật Giáo dục ĐH vừa được QH thông qua, đã dành hẳn 1 chương về hoạt động hợp tác quốc tế, trong đó chủ yếu nói về liên kết đào tạo quốc tế và một số hình thức khác. Luật cũng cố gắng tối đa trong việc lấp vào những chỗ trống mà quy định hiện còn thiếu, đồng thời chỉnh lý những quy định đã có nhưng chưa đạt yêu cầu về quản lý. Tôi nghĩ với hành lang pháp lý như vậy, hoạt động liên kết đào tạo nói chung và liên kết đào tạo trong giáo dục ĐH nói riêng sẽ có điều kiện để lành mạnh hơn, tốt hơn.

- Ông đánh giá thực trạng chất lượng liên kết đào tạo quốc tế hiện nay thế nào?

Có một số chương trình chất lượng rất tốt, nhưng tất nhiên cũng có một số chương trình không thể hiện điều đó, có những chương trình, hoạt động liên kết đào tạo đã không quan tâm đến chất lượng mà chạy theo lợi nhuận.

- Làm thế nào để tránh những sai phạm đang xảy ra khá phổ biến trong hoạt động liên kết đào tạo hiện nay?

Giờ mình phải tránh những chuyện đó thôi. Như tôi đã nói, hành lang pháp lý đã được chấn chỉnh một bước. Các trường ĐH phải thực hiện nghiêm túc. Các cơ quan quản lý nhà nước phải thực hiện sự kiểm tra giám sát, xử lý một cách nghiêm minh. Càng thực hiện việc này chặt chẽ, nghiêm túc thì người ta càng phải nghiêm túc thực hiện quy định hơn.

Theo kết luận của TTCP, qua xem xét hồ sơ 419 chương trình liên kết đào tạo trong nước tại 18 trường, có một số khuyết điểm, vi phạm như sau: 46,5% (195/419) chương trình liên kết tuyển sinh hệ vừa học vừa làm chưa được Bộ GD-ĐT cấp phép; không có văn bản xác nhận nhu cầu của địa phương hoặc cơ quan nơi đặt lớp; 15/18 trường không có biên bản ghi nhận về điều kiện cơ sở vật chất cơ sở liên kết và danh sách giảng viên dự kiến tham gia giảng dạy, cán bộ tham gia quản lý lớp; 54/419 chương trình liên kết đào tạo địa điểm đặt lớp không đúng quy định; 5 trường tuyển sinh vượt chỉ tiêu cho phép...

Phan Thảo

Tin cùng chuyên mục