Vạn dặm tình thân

Thế là một kỳ SEA Games nữa vừa kết thúc với nhiều cảm xúc và kỷ niệm. Khi nhắc đến SEA Games, người ta ít nhiều nói về cái gọi là “hội làng” thể thao của Đông Nam Á với ý mỉa mai về chất lượng và những tiêu chuẩn thi đấu. Nhưng với cánh phóng viên thể thao đã tham gia nhiều kỳ SEA Games như chúng tôi, có một phần “hội làng” khác tràn đầy tình thân và những điều tốt đẹp.

        Bacolod, Khorat yên bình

SEA Games năm 2005, môn bóng đá danh giá bị “đày” đến TP Bacolod. Lúc đó, có người đã ví việc này là tiêu biểu cho tính chất hội làng của SEA Games khi điều kiện vật chất để tổ chức thi đấu ở mức thấp nhất. May mà nước chủ nhà Philippines bố trí môn quyền Anh danh tiếng của họ thi đấu ở đây nên người dân tại Bacolod mới biết TP mình có tổ chức Đại hội Thể thao Đông Nam Á.

Vậy mà khi rời Bacolod trở về sau SEA Games, ai cũng nhớ, cũng quyến luyến. Tình cảm của người dân, sự nhiệt tình và lòng hiếu khách của các tình nguyện viên đã giúp một SEA Games vốn hạn chế về mặt tiền bạc cũng đủ đầy như bất cứ đại hội nào. Hôm mới đến Bacolod, ở sân bay cũ kỹ và xấu xí, những quan chức đứng đầu thành phố Bacolod ăn mặc bình dị đến tận chân cầu thang sân bay đón khách chứ không đợi đến một buổi tiệc lộng lẫy nào. Còn lúc ra về, người đứng dầu ban tổ chức địa phương lại đứng ở cửa ra máy bay để ôm chặt từng người đã đến với mình. Bacolod tự hào với tên gọi “TP nụ cười” mà người dân Philippines đã dành cho họ. Nếu không có SEA Games, làm sao những khách phương xa như chúng tôi được biết có một nơi nồng ấm tình thân đến vậy.

Thái Lan là quốc gia tiên phong trong việc đưa SEA Games về tỉnh lẻ. Năm 1995, lần đầu tiên SEA Games được tổ chức không phải tại thủ đô của nước chủ nhà mà là cố đô Chiang Mai. Từ thành công đó, đến SEA Games 2007, Thái Lan lại đưa về Khorat, một vùng đất ít được biết đến ngoài việc nơi đây là “quê gốc” của chú mèo - biểu tượng may mắn với màu sắc độc đáo có tên là Si Sawat và căn cứ sân bay cũ mà Mỹ đã sử dụng trong chiến tranh Việt Nam.

Khorat có khí hậu và cuộc sống tương tự những đô thị ở Tây Nguyên Việt Nam như Buôn Ma Thuột, Pleiku. Ngày nắng, đêm lạnh, sương mờ giăng thấm đẫm. Khách vãng lai dễ dàng tìm cho mình một tô hủ tiếu nóng ngon lành ngay trên vỉa hè và những chuyến xe tuk-tuk giá rẻ trên đường phố rộng lớn. Đi đâu cũng gặp cây xanh, những cánh rừng bát ngát mát mẻ và yên bình. Cũng như Chiang Mai 12 năm trước đó, đến với Khorat, những phóng viên xa nhà như chúng tôi luôn có cảm giác như đang ở nhà.

Ấy vậy mà tại đó, Thái Lan vẫn tổ chức một kỳ SEA Games thật “ngon lành”. Nếu tại Chiang Mai, họ đã dùng SEA Games để giới thiệu một điểm đến du lịch văn hóa - lịch sử nổi tiếng thì tại Khorat, họ đã để đời sống len lỏi vào từng nhịp hối hả của SEA Games, một cách giới thiệu khác về đất nước con người của đất nước của nụ cười này.

        Nay Pyi Taw lạ mà quen

Bạn sẽ yêu Nay Pyi Taw, thủ đô mới của Myanmar, nơi đã làm hết sức mình để có một kỳ SEA Games 27 thành công, nếu như hàng ngày phải đối phó với câu chuyện kẹt xe, sự ngột ngạt của khói bụi ở Jakarta, Bangkok hay Sài Gòn - Hà Nội, bởi ở đây điều đó không bao giờ xảy ra.

Những đại lộ rất lớn, với 4 làn xe hơi chạy trải dọc khắp thủ đô Nay Pyi Taw chưa khi nào phải dùng hết công năng, kể cả khi tan tầm hay vào lúc sáng sớm.

Thậm chí, nói rằng, mỗi xe “sở hữu” hẳn một con đường cũng chẳng là quá đáng, bởi cả 4 làn đường rộng thênh thang chỉ lâu lâu mới bắt gặp một chiếc xe đi cùng chiều, hoặc vài xe máy... là hết.

Đã có những phàn nàn về điều kiện sinh hoạt, hay làm việc ở mảnh đất này, nhưng e rằng chẳng là gì, với một điều rất “nho nhỏ” như đã kể ở trên, bởi thật ra sẽ rất khó thể tìm được nếu như sống ở những TP lớn trên thế giới.

Xét ở phương diện công việc, những câu chuyện về điều kiện sinh hoạt, làm việc tại đây rõ ràng có nhiều điều để nói. Nhưng thực sự, đối với cá nhân thì chẳng có gì đáng để phàn nàn cả. Có vấn đề gì đâu, bởi nếu như không (hoặc chất lượng rất kém) internet, không điện thoại, ít nhất bạn sẽ cảm nhận được cuộc sống quanh mình nhiều hơn, thay chỉ vì dán mắt vào màn hình laptop, hay điện thoại như bình thường.

Chính thành công của Chiang Mai năm 1995 đã thay đổi tư duy các nhà tổ chức SEA Games. Bắt đầu từ SEA Games 2001, các điểm thi đấu đã trải rộng hơn để người tham gia có thể biết đến những TP khác của nước đăng cai. Nếu chúng ta đã mặc nhiên xem SEA Games là “hội làng” thì bên cạnh ý nghĩa tiêu cực, cũng có cái đáng để phát huy. Tinh thần của SEA Games không chỉ là sự hòa nhập thể thao trong khu vực Đông Nam Á mà hoàn toàn có thể là sự giao lưu về văn hóa, lịch sử, địa lý mà cộng đồng ASEAN đang hướng đến. Bên cạnh việc thi đấu, SEA Games có thể là một cuộc trải nghiệm thú vị về con người và đất nước của quốc gia đăng cai.

VIỆT QUANG

Tin cùng chuyên mục