Chúng tôi đã có cuộc trao đổi nhanh với ông Nguyễn Ngọc Tường, Phó ban chuyên trách Ban ATGT thành phố về một số vấn đề liên quan đến công tác tuyên truyền đội NBH cho trẻ em từ 6 tuổi trở lên trên địa bàn.
* Phóng viên: Ông có nhận xét gì về hiệu quả đạt được của chiến dịch tuyên truyền kết hợp tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm đội NBH cho trẻ em thời gian qua?
* Ông NGUYỄN NGỌC TƯỜNG: Có lẽ dấu ấn mạnh nhất là tỷ lệ trẻ em được trang bị NBH đã từng bước được nâng cao, cả về chất lượng lẫn số lượng, đặc biệt tại các tuyến đường có lực lượng cảnh sát giao thông chốt chặn, kiểm tra. Thậm chí trong số các quận được chọn thực hiện chiến dịch, có những quận khi kết thúc chương trình đã đạt tỷ lệ 80% - 90% trẻ em có đội NBH khi ngồi trên xe máy tham gia giao thông. Tiêu biểu như các quận Gò Vấp, Bình Thạnh, Bình Tân…
* Theo ông vì sao có tình trạng có những phụ huynh không quan tâm, khuyến khích con em mình đội NBH khi tham gia giao thông?
* Trên thực tế đúng là vẫn còn một số bậc phụ huynh không chấp hành mặc dù đã được nhắc nhở, khuyến cáo từ lực lượng cảnh sát giao thông, nhà trường nơi con em họ đang theo học. Cũng có khi phụ huynh chưa có ý thức tự giác chấp hành quy định hoặc chưa thực sự quan tâm đến quy chuẩn chất lượng của NBH. Có nhiều nguyên nhân lý giải tình trạng này: có phụ huynh hiểu không chính xác và nhầm lẫn về độ tuổi quy định phải đội NBH, cho rằng con em họ là trẻ em nên không bị bắt buộc phải đội; có phụ huynh chưa nhận ra đầy đủ ý nghĩa của việc đội NBH cho trẻ em…
Ngoài ra là một loạt nguyên nhân khác như phụ huynh tự tin vào tay lái của bản thân; tâm lý chủ quan vì đoạn đường đi ngắn, gần nhà; ngại mất thời gian; ngại sự vướng víu khi mang thêm NBH trẻ em; sợ tốn tiền… Suy cho cùng, vấn đề là nhận thức và ý thức chấp hành.
* Nếu cần phải đưa ra lời khuyên cho các bậc phụ huynh, ông sẽ nói gì?
* Các bậc phụ huynh cần ý thức rõ rằng không đội NBH cho trẻ em hoặc đội NBH không bảo đảm chất lượng đôi khi sẽ gây hậu quả đáng tiếc cho trẻ nếu không may xảy ra tai nạn giao thông. Nói cách khác, không thể xem nhẹ tính mạng, sự an toàn của trẻ em khi ngồi trên xe máy. Nói giản dị hơn, cho trẻ em đội NBH đạt chuẩn cũng là để tăng cường bảo vệ chính con em mình.
* Thống kê cho thấy tỷ lệ đội NBH ở trẻ em đã tăng lên theo thời gian của chiến dịch, nhưng sự tăng trưởng ấy có căn cơ, bền vững không, thưa ông?
* Nếu không tiếp tục thường xuyên duy trì tuyên truyền, tuần tra kiểm soát và xử lý vi phạm, có khả năng tỷ lệ chấp hành đội NBH cho trẻ em sẽ tụt giảm trở lại. Vì thế, chúng tôi cho rằng những hoạt động như chiến dịch 281 sẽ và phải được tiếp tục trong thời gian tới.
TRUNG KHANH (thực hiện)