Văn hóa đi xe máy

Văn hóa đi xe máy

1. Bữa nọ, khi tôi đang trên đường về Định Quán (Đồng Nai) bằng xe máy, đoạn qua xã Phú Cường (trên quốc lộ 20), thì một anh đi xe Airblade chạy vượt lên bảo: “Anh đi cẩn thận nhé! Đoạn này hay có cảnh sát giao thông bắn tốc độ lắm”. Tôi cảm ơn anh rồi chạy chầm chậm phía sau. Được một đoạn, anh ra dấu “không có” rồi anh chủ động đi chậm lại, quay sang bảo tôi: “Anh đi từ đây về Định Quán, nhớ để ý có một chiếc bảy chỗ đậu bên lề, là “họ” đang canh “bắn” đó”. Tôi cảm ơn anh một lần nữa rồi vượt lên phía trước…

Những người đi đường báo hiệu nhau “có công an” rất phổ biến trên mọi nẻo đường ở nước ta. Ô tô thì dùng tay, còi, đèn… để cho bác tài hướng ngược chiều biết phía trước “có” hay “không”. Còn người đi xe (nhất là khi đi vào đường cấm, chạy bên trái đường…) cũng hay được những người đi xe máy khác, hoặc người buôn bán trên lề đường, cảnh báo tương tự. Điều này không phải đáng chú ý lắm sao?

Minh họa: P.S.

Minh họa: P.S.

2. Một sự giúp đỡ khác, thiết thực và đáng quý hơn rất nhiều đối với những người đi xe máy, cũng rất phổ biến là báo chưa gạt chân chống, chưa tắt đèn xe hoặc xe bị hỏng hóc gì đó… Nhiều người cố chạy vượt lên xe người khác chỉ để báo rằng người đó nên gạt chân chống xe lên, chẳng cần đợi nói câu cảm ơn rồi tự lùi xe lại. Ai biết rằng cái chân chống còn “ngang ngạnh” đó có thể gây nguy hiểm cho người điều khiển, nhất là khi ôm cua hoặc đi vào đường gồ ghề…

Một lần, đang đi đường, một tay bặm trợn chạy vượt lên rồi ép tôi vào lề quát: “Ông không chịu tắt đèn xi nhan, muốn bị người ta đụng hả?”. Tôi hơi bực mình, xẵng giọng: “Quên chút làm gì dữ vậy?”. Anh ta hơi “quê” toan chặn đầu xe tôi lại như muốn hành hung.

3. Nhiều người đi xe máy bây giờ chưa thực sự thể hiện tính văn hóa, văn minh của mình, nhất là ở các đô thị. Chạy lạng lách, đánh võng, vượt cắt mặt người khác, chạy lấn vào tuyến ô tô… là những hành vi rất nguy hiểm. Chạy vào đường cấm, vượt đèn đỏ, chạy bên trái đường, chạy trên lề đường, vượt qua vạch sơn trắng dành cho người đi bộ… không chỉ nguy hiểm cho bản thân và người đi đường khác mà còn là nguyên nhân gây ra tình trạng kẹt xe. Bấm kèn inh ỏi, bật đèn chiếu xa (nhất là loại đèn halogen) khi tránh nhau vào ban đêm, nẹt pô, rú ga… cũng là những hành vi đáng bị chê trách. Rồi việc chạy ào qua chỗ đường bị ngập nước, mặc cho nước bắn tung tóe vào người khác, cũng đáng bị phê phán…

Do đó, mỗi người đi xe máy cần có ý thức bảo vệ bản thân mình và tôn trọng những người tham gia giao thông khác. Đó là biểu hiện quan trọng nhất của văn hóa giao thông. Và, văn hóa giao thông trước hết là đảm bảo an toàn cho mọi người trên đường.

Trịnh Minh Giang (Thủ Đức)

Tin cùng chuyên mục