Cuối năm là dịp các đơn vị đua nhau tổ chức các loại hội thảo. Đến cao điểm “mùa” hội thảo, dân tình được dịp chạy “sô” dự hội thảo, nhiều người trong một buổi sáng phải dùng thuật phân thân dự 2-3 hội thảo, tổng kết cuối năm. Số lượng nhiều vô kể nhưng chất lượng của những buổi hội thảo khiến người tham dự chỉ biết lắc đầu ngao ngán. Đa phần những buổi hội thảo đều đảm bảo đủ số lượng đại biểu đông đúc, nghi lễ của phần hội nhưng phần thảo luận dường như bị cho vào quên lãng. Đại biểu thay phiên nhau đọc tham luận thao thao bất tuyệt từ đầu đến cuối, không sai dấu chấm, dấu phẩy. Một vị lãnh đạo đầu ngành giáo dục khi đọc đến đoạn in thiếu dấu phẩy còn nhắc nhở: “phần kỷ yếu đánh máy thiếu dấu phẩy đấy, có dấu phẩy nữa” cũng kịp gây sự chú ý cho những đại biểu lỡ “quên” tập trung đến bài tham luận dài bất tận.
Cũng tại hội thảo mới đây của ngành giáo dục, một vị chủ tọa hội thảo ngắt lời phát biểu của một nhân viên cấp dưới: Alo alo, anh nói ngắn thôi, phần của anh có trong kỷ yếu rồi, để những ý kiến khác đi… Dù là “sếp” nhưng nơi thể hiện uy quyền không phải ở một hội thảo khoa học và càng không thể bằng cách thiếu “khoa học” như thế. Đó là chưa kể những câu nói chọc ngoáy kiểu chủ nghĩa tự nhiên khiến cả khán phòng được một tràng cười giải trí: Anh muốn giảm sĩ số mà được sự đồng thuận của phụ huynh hả? Dễ mà, xây thêm nhiều trường là được… Những ai quan tâm đến ngành giáo dục đều hiểu việc xây dựng trường học là khó khăn rất lớn của ngành nhưng câu nói đùa vô tình lại xuất phát từ một vị quan chức của ngành càng làm nhiều người chạnh lòng vì sự bàng quan của cấp quản lý đối với lĩnh vực… Những câu chuyện về văn hóa ứng xử tại các buổi hội thảo nhiều vô kể.
Gần đây, người ta lại thấy ngành giáo dục tổ chức những hội thảo kéo dài đến 2-3 ngày nhưng vắng người tham gia. Đại biểu, khách mời không thể trụ nổi đến hết buổi đầu tiên vì những chủ đề lan man, thiếu thực tế mà phần đông chỉ còn lại ban tổ chức. Điều đó phần nào cho thấy những vấn đề được nêu ra tại các hội thảo không tạo được sự quan tâm hoặc có quan tâm nhưng không chất lượng nên đành bỏ về. Bởi vậy, chuyện tổ chức hội thảo nhằm đưa những vấn đề của xã hội ra bàn luận, lấy ý kiến đóng góp của nhiều ngành, nhiều giới là hết sức cần thiết nhưng tổ chức thế nào để hội thảo thực sự mang lại hiệu quả mới quan trọng. Quan trọng hơn là cách ứng xử như thế nào cho văn hóa, phù hợp với những cuộc bàn luận mang tính khoa học là cả một nghệ thuật mà không ít các hội thảo, đại biểu đã bỏ qua.
Gia Hân