Văn hóa trong bữa ăn

Với hoàn cảnh cuộc sống như hiện nay, nhịp điệu công tác ngày càng tăng nhanh, không ít gia đình chỉ đơn thuần chú trọng đến dinh dưỡng bữa ăn, đến vệ sinh thực phẩm mà xem nhẹ không khí vui vẻ tức là “vệ sinh tinh thần” trong bữa ăn.

Với hoàn cảnh cuộc sống như hiện nay, nhịp điệu công tác ngày càng tăng nhanh, không ít gia đình chỉ đơn thuần chú trọng đến dinh dưỡng bữa ăn, đến vệ sinh thực phẩm mà xem nhẹ không khí vui vẻ tức là “vệ sinh tinh thần” trong bữa ăn.

Chẳng hạn, có gia đình biến bữa ăn thành buổi làm việc, vợ chồng thường bàn nhiều đến công việc, thậm chí còn tranh luận gay gắt về một quan điểm nào đó, chẳng hề chú ý đến sự ngon miệng của con cái và người khác. Lại có một số vợ chồng biến bàn ăn thành “bãi chiến trường”, họ thường cãi nhau về chuyện tiền nong, chuyện vặt vãnh trong gia đình hoặc chuyện giáo dục con cái.

Cũng có người đem theo nỗi bực dọc và phiền muộn trong công tác và sinh hoạt vào trong bữa ăn, chẳng còn bụng dạ nào ăn uống một cách thoải mái, thậm chí còn trút sự giận dữ vô cớ lên đầu con cái hoặc người khác.

Một số bậc cha mẹ lại có thói quen... mắng mỏ con cái trong bữa ăn, hỏi dồn chúng về thành tích kiểm tra hoặc ra đề bài kiểm tra tại chỗ, nếu không vừa ý là nổi cơn thịnh nộ, có khi còn “thượng cẳng chân, hạ cẳng tay”, khiến cho trẻ gạt lệ mà ăn hoặc dỗi cơm bỏ bữa, làm cho cả nhà mất vui.

Ngoài ra, có nhiều gia đình có thói quen vừa ăn vừa xem sách báo hoặc ti vi...

Ăn cơm trong một bối cảnh như vậy, trung khu thần kinh dễ bị ức chế với những mức độ khác nhau dẫn đến thần kinh giao cảm hưng phấn quá mức, làm cho các tuyến tiêu hóa phân tiết ít đi, nhu động dạ dày và ruột mất điều khiển, chán ăn. Những rối loạn tiêu hóa, lâu dần sẽ gây nên bệnh dạ  dày hoặc làm cho bệnh dạ dày cũ nặng thêm.

Vì vậy, chỉ đơn thuần chạy theo dinh dưỡng thực  phẩm, không hiểu việc ăn uống phải trong một không khí vui vẻ, coi nhẹ vệ sinh tinh thần trong bữa ăn sẽ hoàn toàn không đạt được mục đích là bồi dưỡng cơ thể.

Chỉ có trong không khí gia đình thuận hòa, đầm ấm, mọi người ăn uống vui vẻ, thoải mái thì những thức ăn mà ta phải qua bao vất vả, tốn công tốn của để làm ra mới có tác dụng quan trọng đích thực, nhằm bồi dưỡng tâm hồn và thể chất của chúng ta.

“Trời đánh còn tránh bữa ăn” là vậy! Để có được bữa cơm ngon miệng, ta phải chú ý đến “vệ sinh tinh thần” trong bữa ăn hàng ngày, điều này đòi hỏi chúng ta trong bữa ăn ngoài việc tránh để xảy ra những việc nêu trên, còn phải chú ý nhiều điều.

Không nên đem theo sự bực bội trong cuộc sống và công tác vào trong bữa ăn hàng ngày, một khi đã ngồi vào bàn ăn phải nhập đúng “vai” ăn cơm, phải quên hết mọi ưu phiền, sầu não.

Khi ăn nên kể việc nhà mang tính chất vui vẻ, phấn khởi nhưng cũng không nên kể quá nhiều và cần phải ăn chậm nhai kỹ.

Nếu không có việc cần thiết tốt nhất là ngắt máy điện thoại trong khi ăn để khỏi ảnh hưởng đến mọi người. Đồng thời cũng không nên chuyện phiếm với khách quá lâu kẻo mọi người phải chờ đợi.

Mặt khác, đến bữa ăn, mọi người phải tề tựu đông đủ, tránh tình trạng chờ người nọ gọi người kia, bởi “người đi không bực bằng người trực nồi cơm”.

Cuối cùng, đối với món ăn nấu ở nhà chớ nên bình phẩm nhiều quá hoặc đòi hỏi cầu toàn mà nên tỏ thái độ biểu dương, khen ngợi. Trong trường hợp có những sơ suất nấu nướng hoặc pha chế gia vị chưa phù hợp... cũng phải chờ ăn xong mới có ý kiến. Nếu muốn góp ý ngay cũng nên có thái độ mềm mỏng có tính chất trao đổi, bàn bạc.

Hoàng Việt (Đồng Tháp)

Tin cùng chuyên mục