Thực tế cho thấy, việc dùng yếu tố văn hóa truyền thống, văn hóa bản địa mở đường cho sản phẩm kinh doanh không phải dễ dàng và càng không thể làm qua loa. Thời gian qua, có không ít nhóm cộng đồng vì niềm tự hào văn hóa truyền thống mà tự “gánh” cho mình những phần việc quá sức trong những công trình gọi là phục dựng hay thậm chí chỉ là phỏng dựng. Điển hình như nhiều dự án về Việt phục xưa hiện chỉ dừng ở mức phỏng dựng, vì một số dáng áo và kỹ thuật dệt vải xưa hoàn toàn không còn bản gốc đối chiếu; chỉ có thể ngày càng tiệm cận với bản gốc qua việc phát hiện những tình tiết, dữ liệu mới và cập nhật dần.
Việc hài hòa yếu tố văn hóa truyền thống, văn hóa bản địa cùng dòng chảy đương thời, không thể chỉ là chạy theo trào lưu cổ phong bề nổi. Không thể mang một kiểu hoa văn của triều đại nào đó, gắn lên một sản phẩm hiện đại rồi gọi đó là hài hòa văn hóa truyền thống vào dòng chảy đương đại được. Các thành tố khi đặt cạnh nhau phải tương đồng, tôn vinh nhau và thể hiện được bản sắc truyền thống tốt đẹp.
Văn hóa bản địa vốn là câu chuyện đa dạng, trải theo chiều dài đất nước. Chúng ta có 54 dân tộc anh em; mỗi dân tộc có đặc trưng riêng về văn hóa, nếp sinh hoạt. Lằn ranh giữa tôn vinh văn hóa bản địa và chiếm dụng văn hóa rất mong manh. Tôn vinh văn hóa phải là quá trình lao động sáng tạo đa chiều, tiếp thu, học hỏi và thấu hiểu các vấn đề từ vật chất đến tinh thần của nền văn hóa bản địa đang nghiên cứu; tạo điều kiện để cộng đồng nói lên tiếng nói văn hóa của chính mình. Nếu thiếu vắng các yếu tố này thì việc tôn vinh chỉ còn là chiếm dụng văn hóa.
Dùng văn hóa truyền thống, văn hóa bản địa mở đường cho những sản phẩm kinh doanh hay những dự án vì bản sắc dân tộc là điều đáng ghi nhận và trân trọng. Tuy nhiên, muốn chinh phục được khách hàng cần có một lộ trình nghiên cứu thật bài bản, để mỗi sản phẩm thực sự chạm đến trái tim người dùng vì niềm tự hào bản sắc Việt Nam.