Vân Phong...chuyển mình

Vân Phong...chuyển mình

Vịnh Vân Phong rộng khoảng 150.000 ha thuộc huyện Vạn Ninh tỉnh Khánh Hòa, cách thành phố Nha Trang 50km về phía Bắc và cách thị xã Tuy Hòa tỉnh Phú Yên 35km về phía Nam. Đây là vịnh lớn được che chắn tự nhiên, kín gió. Với những lý do này, Quy hoạch tổng thể Phát triển Hệ thống cảng biển Việt Nam được Thủ tướng phê duyệt năm 1999 đã xác định, đây là nơi lý tưởng để phát triển cảng trung chuyển quốc tế đầu tiên ở Việt Nam.

Đầm Môn, người tiên phong

Vân Phong...chuyển mình ảnh 1

Một góc Đầm Môn hiện chỉ có tàu đánh cá nhỏ và những đáy nuôi tôm hùm, cá bớp. Ảnh : An Nhiên

Vân Phong bao gồm vũng Cổ Cò, vũng Bến Gội, Đầm Môn… nhưng Đầm Môn với độ sâu tự nhiên lên đến 20m, bốn bề được những trái núi cao đến hàng mấy trăm mét che chắn đã vinh dự  được chọn làm điểm khởi động đầu tiên cho toàn bộ kế hoạch xây dựng cảng trung chuyển quốc tế đầu tiên của Việt Nam. 

Đầm Môn rộng khoảng 9km2, hiện có hơn 3.000 dân sinh sống với nghề nuôi tôm hùm và cá bớp là chủ yếu. Biển nơi đây tuyệt đẹp, xanh trong và tĩnh lặng. Thi thoảng chúng cũng ồn ào, đó là khi những chiếc thuyền đánh cá trở về hay thuyền chở khách từ bờ ra đảo. Giống như biển, người dân nơi đây cũng chẳng mấy khi to tiếng, họ lặng lẽ chăm sóc những đáy nuôi tôm, cá của mình.

Tuy nhiên, người Đầm Môn rất hiếu khách. Họ sẵn lòng bán tôm hùm và cá bớp với giá hữu nghị cho du khách và bao luôn phần xẻ giúp thịt cá-những con cá bớp nặng hàng chục ký. Và dân Đầm Môn đã đón đoàn khảo sát địa chất của Công ty cổ phần Tư vấn thiết kế cảng-kỹ thuật biển (Port Coast)-đơn vị vừa được Chính phủ giao nghiên cứu lập dự án đầu tư xây dựng cảng trung chuyển quốc tế Vân Phong (giai đoạn khởi động) với tấm lòng rộng mở như vậy.

Cả khu nhà ăn của khách sạn Đầm Môn-khách sạn duy nhất ở đây được dọn đi để dành chỗ cho cán bộ của Port Coast làm thí nghiệm. Một chiếc thuyền của ngư dân cũng đã được cho thuê với giá “hữu nghị” để Port Coast thả thiết bị đo sóng, gió, dòng chảy liên tục 2 tuần giữa biển…

Trong cái tĩnh lặng của Đầm Môn, tiến sĩ Trương Ngọc Tường-kỹ sư trưởng của Port Coast cho biết, hơn 3.000km bờ biển Việt Nam không có nơi nào xây dựng cảng trung chuyển quốc tế tốt như Vân Phong và Đầm Môn là hòn ngọc ở đây. Và cảng trung chuyển quốc tế là một sự đòi hỏi tất yếu của xu hướng vận tải khối lượng lớn đang ngày một lớn mạnh trên thế giới.

Những đội tàu biển khổng lồ với sức chuyên chở từ 60.000DWT-110.000DWT đã không còn là hiếm bởi chúng là giải pháp vận chuyển đường xa kinh tế nhất. Hiện nay để bán hàng đi xa, Việt Nam cũng đã phải chuyên chở hàng đến các cảng trung chuyển ở Hồng Công hoặc Singapore. Với các dịch vụ này, hàng năm Hồng Công và Singapro thu về hàng tỷ USD. Thiên nhiên cho chúng ta một Vân Phong tuyệt vời như thế, tại sao lại bỏ phí? Tiến sĩ Tường tâm sự.

700m cầu cảng khởi đầu

Vân Phong đẹp nhưng Vân Phong vẫn là người đẹp ngủ trong rừng đang chờ được đánh thức. Không chỉ Đầm Môn mà cả Vân Phong cũng hiếm hoi tiếng ồn ào của tàu, ghe mà có chăng cũng chỉ là tiếng của những chiếc tàu đánh cá nhỏ…

Chính vì vậy, Chính phủ đã quyết định đầu tư xây dựng trước 2 cầu cảng dài 690m với độ sâu 18m và một hệ thống kho bãi rộng hàng ngàn mét vuông để khẳng định với nhà đầu tư nước ngoài về chủ trương phát triển cảng trung chuyển quốc tế ở đây.

Theo Quyết định 2179/QĐ-BGTVT phê duyệt dự án đầu tư xây dựng cảng trung chuyển quốc tế Vân Phong (giai đoạn khởi động) được Bộ Giao thông Vận tải phê duyệt tháng 7-2007, khu cảng này có 3 hạng mục chính: khu bến cảng, luồng tàu và vũng quay tàu, đường giao thông ngoài. Hai bến tàu có thể tiếp nhận tàu container sức chở 6.000 teu và có khả năng tiếp nhận tàu sức chở đến 9.000 teu nếu có sự hỗ trợ của tàu lai dắt.

Luồng tàu đi theo lạch Cửa Bé thông ra biển dài 12,25km và vũng quay tàu tại Đầm Môn đường kính 900m. Đường bộ nối khu cảng ra Quốc lộ 1A dài khoảng 20 km với 6 làn xe… Tổng kinh phí toàn bộ dự án hơn 3126 tỷ đồng trong đó Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam huy động gần 3000 tỷ đồng, ngân sách Nhà nước hỗ trợ phần còn lại để giải phóng mặt bằng, xây dựng hệ thống điện, nước…

Triển khai Quyết định này, Công ty Cổ phần tư vấn thiết kế cảng-kỹ thuật biển đã đến Đầm Môn. Có thể nói đây thực sự là một quyết định mạnh mẽ của Chính phủ bởi hiện nay Châu Á đang là thị trường vận tải container sôi động nhất thế giới với khoảng 50% khối lượng container được xếp dỡ ở các cảng châu Á.

Trong 10 cảng cotainer lớn nhất thế giới thì đã có 6 cảng ở châu Á với hệ thống cảng ở Hồng Kông xếp thứ 1 và Singapore xếp thứ 2. “Sinh sau đẻ muộn” cảng trung chuyển quốc tế Vân Phong  chắc chắn sẽ phải nỗ lực hết mình…

NGUYỄN KHOA

Tin cùng chuyên mục