Vẫn xuất bản cuốn “Những điều cần biết về tuyển sinh Đại học – Cao đẳng”

Sáng nay, 7-3, Bộ trưởng Bộ Giáo dục – Đào tạo Phạm Vũ Luận đã đối thoại trực tuyến với nhân dân tại Cổng Thông tin điện tử Chính phủ về những vấn đề nóng của ngành mà người dân cả nước quan tâm.
Vẫn xuất bản cuốn “Những điều cần biết về tuyển sinh Đại học – Cao đẳng”

(SGGPO). – Sáng nay, 7-3, Bộ trưởng Bộ Giáo dục – Đào tạo Phạm Vũ Luận đã đối thoại trực tuyến với nhân dân tại Cổng Thông tin điện tử Chính phủ về những vấn đề nóng của ngành mà người dân cả nước quan tâm.

Liên quan về hành vi chống người thi hành công vụ và giữa người trái pháp luật của các cá nhân liên quan tại trường Đại học Hùng Vương TPHCM hôm 5-3, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận cho biết đây là trường hợp cá biệt, đáng tiếc. Bộ Giáo dục – Đào tạo đã có văn bản dừng tuyển sinh 2012 của đại học này và các cơ quan chức năng của TPHCM đang xử lý việc này theo quy định của pháp luật.

Bộ trưởng cũng cho hay, Bộ Giáo dục – Đào tạo đã tổ chức thanh tra, kiểm tra điều kiện đảm bảo chất lượng theo Nghị quyết 50 của Quốc hội đối với 30 trường đại học – Cao đẳng.

Ảnh Chinhphu.vn

Ảnh Chinhphu.vn

“Sự vững mạnh hoặc yếu kém, thành tích hay khuyết điểm của các cơ sở nhà trường cũng là vững mạnh hoặc yếu kém, thành tích hay khuyết điểm của Bộ. Việc xử lý theo tinh thần là trị bệnh cứu người, tức là hỗ trợ, giúp đỡ, nhắc nhở, cảnh báo để các trường khắc phục, bổ sung điều kiện. Còn với các vi phạm nghiêm trọng, sai sót lớn ảnh hưởng sâu sắc mạnh mẽ tới chất lượng giáo dục thì phải có những biện pháp mạnh. Trong những trường hợp cụ thể như Đại học Hùng Vương TPHCM, phải giải quyết theo quy chế và theo pháp luật”, ông Luận nhấn mạnh.

Về thực tế các ngành nông-lâm-ngư nghiệp và sư phạm đang “teo tóp” dần trong khi các ngành kinh tế “phình to”, Bộ trưởng thừa nhận mất cân đối trong ngành nghề đào tạo là một thực tế khi chúng ta chuyển sang cơ chế thị trường, giữa đào tạo và phân công sau khi đào tạo không gắn với nhau, gây khó khăn cho xây dựng kế hoạch đào tạo cũng như kế hoạch sử dụng nguồn nhân lực sau đào tạo của các cơ sở sản xuất kinh doanh.

Đối với ngành sư phạm, hiện đã có nhiều chính sách hỗ trợ, ưu đãi như  phụ cấp thâm niên phụ cấp đứng lớp, phụ cấp thu hút đối với giáo viên vùng sâu, xa, dân tộc đặc biệt khó khăn, học sinh sư phạm được miễn học phí. Đối với các ngành nông lâm ngư nghiệp, đã có chính sách khuyến khích học sinh giỏi quốc gia, quốc tế được miễn thi đại học vào học những ngành gần với môn học mà các cháu đạt giải. Học phí khối các trường và các ngành đào tạo về nông lâm ngư nghiệp hiện nay được chỉ đạo xây dựng với mức thấp nhất trong tất cả các ngành học. Tuy nhiên, tới đây, khi đổi mới căn bản toàn diện Giáo dục – Đào tạo Bộ sẽ tiếp tục có  các chính sách ưu tiên, đồng thời đề xuất với các bộ, ngành và Chính phủ về các chính sách ưu đãi khác, cả về tài chính, tổ chức tuyển dụng và các điều kiện làm việc để thu hút, cân đối lại nguồn này.

Vẫn xuất bản cuốn “Những điều cần biết về tuyển sinh Đại học – Cao đẳng” ảnh 2

Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phạm Vũ Luận. Ảnh Chinhphu.vn

Liên quan về thông tin kỳ thi tuyển sinh Đại học – Cao đẳng năm 2012, Bộ trưởng cho biết, năm nay Bộ giao cho Nhà xuất bản Giáo dục xuất bản cuốn sách Những điều cần biết về tuyển sinh và vẫn do các Vụ, Cục cân chỉnh các thông tin. Hiện cuốn sách chưa được phát hành do một số lý do (nhiều sai sót cần điều chỉnh, một số trường đăng ký lượng tuyển sinh quá cao..).

“Tôi chắc chắn là những thông tin do các đơn vị khác đưa ra là không đáng tin cậy, vì đến sáng 6-3, vẫn có 40 trường chưa có thông tin về Bộ. Sau khi có đủ thông tin Bộ sẽ giao cho Nhà xuất bản Giáo dục để in”, ông Luận trả lời về tình trạng thị trường nhan nhãn sách hướng dẫn tuyển sinh.

Nhắn nhủ với các sĩ tử chuẩn bị tham gia kỳ tuyển sinh sắp tới, Bộ trưởng chia sẻ: Kỳ thi đại học là một kỳ thi quan trọng, chúng ta phải cố gắng phấn đấu. Nhưng trước hết chúng ta phải đánh giá bản thân thật khách quan, như người xưa nói là “biết mình biết người trăm trận trăm thắng”, trên cơ sở đó xác định mục tiêu hiện thực. Nếu mục tiêu quá thấp thì không có động lực phấn đấu, mục tiêu quá cao thì sẽ trở thành viễn vông, nếu thất bại sẽ tự mình tạo ra khủng hoảng… Sau khi lựa chọn, phải hết sức bình tĩnh, tự tin và có kế hoạch khoa học để triển khai việc học, các công việc khác, dù căng thẳng hơn bình thường nhưng cũng không nên quá gay gắt.

 “Điều cuối cùng tôi muốn nói là: Vào đại học là một niềm phấn khởi của thí sinh, của gia đình, nhưng đó không phải là niềm vui duy nhất con đường duy nhất. Có nhiều cách thức để đạt thành công, chúng ta có thể lựa chọn con đường thông minh nhất vừa phù hợp với bối cảnh chung của đất nước, điều kiện riêng của bản thân, có đóng góp cho gia đình, cho bố mẹ và cho xã hội”, Bộ trưởng nhấn mạnh.

PHAN THẢO

>> Trường Đại học Hùng Vương TPHCM bị đình chỉ tuyển sinh

Tin cùng chuyên mục