Hai phiên cuối cùng của thị trường vàng và chứng khoán Việt Nam trong năm 2014 khép lại với những tín hiệu khả quan hơn, sau hàng loạt các phiên giảm giá trước đó. Đầu năm mới, hãy cùng nhìn lại 2 thị trường này và những dự báo của giới tài chính cho năm 2015.
Các nhà đầu tư chứng khoán kỳ vọng vào thị trường sẽ khởi sắc trong năm 2015. Ảnh: CAO THĂNG
Thị trường vàng lặng sóng
Giá vàng SJC trong ngày 31-12-2014 đã nhích lên 200.000 đồng/lượng, ở mức 34,83 triệu đồng/lượng mua vào và 35,13 triệu đồng/lượng bán ra. Thị trường vàng năm 2014 gần như lặng sóng, không có biến động mạnh so với năm 2013 mặc dù có 2 mốc đáng lưu ý, đó là vào ngày 20-5-2014, giá vàng SJC đã lập đỉnh ở mức 37 triệu đồng/lượng mua vào và 37,15 triệu đồng/lượng bán ra, sau đó đã chạm đáy vào ngày 6-11 với mức 34,88 triệu đồng/lượng và 35 triệu đồng/lượng tương ứng với mua vào và bán ra.
Trong năm 2014, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã ngưng việc đấu thầu vàng, trong khi đó, năm 2013, NHNN đã thực hiện 76 phiên đấu thầu vàng ra thị trường với tổng cộng 1.932.000 lượng (bán thành công 1.819.900 lượng, tương đương 69,9 tấn) để bình ổn thị trường vàng trong nước. Hiện giá vàng SJC trong nước vẫn cao hơn giá vàng thế giới hơn 4 triệu đồng sau khi quy đổi. Một trong những nguyên nhân góp phần kéo giãn chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới là do 2 thị trường này vẫn chưa được kết nối với nhau trong khi nhu cầu vàng của người dân trong nước vẫn còn cao.
Giá vàng thế giới có giá đóng cửa vào đêm 30-12-2014 tại New York tăng 17,4 USD/ounce, đứng ở 1.201 USD/ounce. So với đầu năm, giá vàng quốc tế hiện giảm khoảng 0,3%, biên độ dao động của giá vàng trong năm 2014 là 260 USD/ounce. Trong năm 2014, giá vàng thế giới cũng có 1 năm ít biến động hơn so với năm 2013 (giảm 28%). Dự đoán xu hướng giá vàng năm 2015, các ngân hàng, tổ chức tài chính trên thế giới vẫn có nhiều ý kiến trái chiều. Ngân hàng Standard Chartered khá lạc quan về giá vàng năm 2015 khi nâng dự báo từ 1.160 USD/ounce lên 1.245 USD/ounce so với đầu năm. Tập đoàn Tài chính Goldman Sachs lại có cái nhìn bi quan hơn, khi tái khẳng định rằng giá vàng sẽ giảm xuống 1.050 USD/ounce vào cuối năm 2015. Citigroup cho biết, thị trường vàng vẫn sẽ gặp phải một số trở ngại đáng kể khi USD mạnh lên và giá dầu giảm mạnh. Ngân hàng Đầu tư BMO Capital Markets của Canada cũng cho rằng vàng có thể không còn là hàng hóa “lấp lánh” trong năm 2015 và dự đoán giá vàng trung bình năm 2015 chỉ đạt 1.190 USD/ounce.
Giá vàng trong nước sẽ bị ảnh hưởng bởi giá vàng thế giới, tuy nhiên thực tế cho thấy, giá vàng trong nước thường không phản ánh hết sự lên xuống của giá vàng thế giới (giá vàng trong nước tăng nhiều hơn và giảm chậm hơn giá vàng thế giới) nên dẫn đến khoảng cách chênh lệch ngày càng lớn. Nhận định của các chuyên gia vàng trong nước cho rằng, mức chênh lệch này vẫn giữ ở mức cao trong năm 2015 vì lượng cung vàng trên thị trường hiện không còn dồi dào như trước, vì NHNN vẫn dừng hoạt động đấu thầu vàng. Đây cũng được xem là chủ ý của nhà hoạch định chính sách về điều hành thị trường làm cho giới đầu cơ, đầu tư trên thị trường chán vàng, giảm lượng tích trữ vàng SJC. Giới phân tích vàng cho rằng, nếu tỷ giá USD tăng không quá 2% trong năm 2015 như khẳng định từ phía NHNN thì giá vàng có tăng cũng không thể tăng nhiều, vì giá vàng trong nước hiện nay vẫn nằm trong tích số của giá vàng thế giới và tỷ giá hối đoái.
Chứng khoán sẽ khả quan
Thị trường chứng khoán (TTCK) năm 2014 được Câu lạc bộ Nhà báo Chứng khoán đánh giá là một năm hết sức thăng trầm, với vài cột mốc đáng chú ý như: Sự kiện biển Đông tháng 4-2014 đã tác động mạnh, làm thị trường lao dốc, VN-Index giảm hơn 11% chỉ trong 7 phiên, rơi xuống mức thấp nhất 508,51 điểm. Đến tháng 11-2014, từ sự biến động mạnh của giá vàng thế giới, hàng loạt các cổ phiếu dầu khí có quy mô vốn hóa lớn trên thị trường sụt giảm mạnh (có cổ phiếu giảm đến hơn 30% như GAS, PVS…) khiến thị trường một lần nữa chao đảo. Chỉ trong 15 phiên cuối tháng 11 và đầu tháng 12-2014, VN-Index đã giảm gần 28%. Thị trường những phiên cuối năm lại tiếp tục lao dốc, do ảnh hưởng từ Thông tư 36/2014 của NHNN siết lại quy định về tín dụng cho vay đầu tư cổ phiếu... Chỉ trong 3 phiên từ ngày 26 đến ngày 28-11-2014, VN-Index đã mất gần 20 điểm.
VN-Index trong phiên cuối cùng của năm 2014 vào ngày 31-12 đã trải qua một phiên giao dịch rất vui để ăn tết, ấn định mức 545,63 điểm sau khi VN-Index tăng hơn 8 điểm. HNX-Index cũng đứng ở mức 82,98 điểm. Trong khi đó, trong năm 2014 đã có lúc VN-Index đã chinh phục được mốc 640,75 điểm vào ngày 3-9, đạt cao nhất trong vòng hơn 6 năm kể từ phiên giao dịch ngày 14-3-2008 ở mức 643,80 điểm. Theo nhận định của các chuyên gia, nếu tính đến thời điểm này thì mức tăng trưởng của TTCK năm 2014 chỉ vào khoảng 8,12%, thấp hơn nhiều so với tỷ lệ tăng của năm 2013, nhưng xét theo diễn biến của chỉ số đạt được trong năm thì kết quả rất đáng ghi nhận. Báo cáo tổng kết của TTCK trong năm 2014 của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cũng cho biết, trong năm 2014, nền kinh tế còn khó khăn như nợ xấu, hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp đình trệ..., đã ảnh hưởng tới TTCK, nhưng nhờ những cải thiện kinh tế vĩ mô và các giải pháp tái cấu trúc, TTCK năm 2014 đã có kết quả khả quan hơn. Bên cạnh chỉ số VN-Index tăng, mức vốn hóa thị trường cũng đạt 1.128.000 tỷ đồng (tăng 179.000 tỷ đồng so với cuối năm 2013), tương đương 31,5% GDP. Một trong những điểm nhấn trên TTCK năm 2014 là thanh khoản thị trường có sự cải thiện rõ rệt. Cụ thể, quy mô giao dịch bình quân mỗi phiên đạt 5.500 tỷ đồng, tăng 104% so với năm 2013. Trong đó, giá trị giao dịch bình quân của cổ phiếu và chứng chỉ quỹ là 2.969 tỷ đồng/phiên (tăng 116%). Giá trị giao dịch bình quân của trái phiếu là 2.531 tỷ đồng/phiên (tăng 93%).
Bên cạnh đó, cơ sở kỳ vọng cho TTCK 2015 khả quan là từ các yếu tố cơ bản của thị trường vẫn còn nguyên giá trị, nền kinh tế ngày càng ổn định nên các doanh nghiệp sẽ tăng trưởng ổn định hơn. Tuy nhiên, các công ty chứng khoán cũng cho rằng, cần có thời gian để huy động nguồn vốn mới thay thế các nguồn vốn nóng bị rút về do quy định của Thông tư 36.
TTCK Việt Nam đã khép lại 1 năm thăng trầm. Tuy nhiên, theo nhận định của các công ty chứng khoán, thị trường giảm điểm mạnh vào thời điểm cuối năm 2014 cũng là cơ hội để hy vọng có một đợt sóng vào đầu năm mới 2015 như thông lệ của những năm trước. Nhiều nhà phân tích chứng khoán nhận định rằng, năm 2015 sẽ tiếp tục đón nhận vốn đầu tư ngoại và đây là động lực chính cho TTCK 2015.TTCK Việt Nam đã khép lại 1 năm thăng trầm. Tuy nhiên, theo nhận định của các công ty chứng khoán, thị trường giảm điểm mạnh vào thời điểm cuối năm 2014 cũng là cơ hội để hy vọng có một đợt sóng vào đầu năm mới 2015 như thông lệ của những năm trước. Nhiều nhà phân tích chứng khoán nhận định rằng, năm 2015 sẽ tiếp tục đón nhận vốn đầu tư ngoại và đây là động lực chính cho TTCK 2015. |
NHUNG NGUYỄN