Vào mùa “chạy” trường

Năm nào cũng vậy, cứ đến giữa kỳ nghỉ hè là các phụ huynh có con vào lớp đầu cấp hoặc bắt đầu học mẫu giáo lại phải tất tả, nhọc nhằn với việc tìm chỗ học cho con. Trên thực tế, các trường có chất lượng cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên, năng lực quản lý… cơ bản là không khác nhau nhiều, nhưng nhiều phụ huynh vẫn phải xin xỏ, phải “chạy”, do muốn gửi con vào trường mà mình tin rằng là “trường tốt”, “trường điểm”, nên phát sinh chuyện này. Do có nhiều người “chạy” thành công nên không ít người khác cũng bắt chước. Hiện tượng đó gây ra nhiều hệ lụy không hay cho ngành giáo dục, như nơi quá tải, nơi lại thưa thớt, làm môi trường giáo dục ít nhiều bị vẩn đục, tiêu cực, tạo ra sự thiếu công bằng giữa học sinh.

Trong điều kiện đó, ngành giáo dục cần phải tính toán, cân đối sao cho thật hợp lý để hạn chế tối đa tình trạng chạy chỗ học cho con vào bậc mầm non, tiểu học và trung học cơ sở (riêng bậc trung học phổ thông do thi tuyển nên học sinh có khả năng vào trường nào thì nộp đơn thi vào trường đó, không nhất thiết phân tuyến nữa). Trước hết, ngành giáo dục và các địa phương phải sớm rà soát cẩn thận số trẻ vào mỗi lớp (nhất là đầu cấp) và khả năng tiếp nhận thực tế của các trường trên địa bàn để sắp xếp cho hợp lý. Để làm được điều này, bên cạnh việc phải nắm chắc số trẻ ở các hộ có hộ khẩu thường trú, còn phải quản lý chặt số trẻ ở các hộ nhập cư, tạm trú. Do đó, công tác nắm dân số, hộ tịch phải được tiến hành thường xuyên hàng năm, lập được danh sách trẻ trong độ tuổi đi học để có phương án chuẩn bị chủ động. Nên thông tin rộng rãi, công khai việc phân luồng, phân tuyến theo các tiêu chí ưu tiên: khoảng cách từ nhà đến trường, sau đó mới theo nguyện vọng khác, nếu còn chỗ. Cách làm này sẽ khắc phục được việc các học sinh phải đi xa nhà, đường phố quá tải xe cộ giờ vào học và tan học, đồng thời đảm bảo các học sinh thường trú trên địa bàn sẽ được ưu tiên giải quyết trước. Như vậy, trước đây phân tuyến theo cách trẻ ở phường - xã nào sẽ học ở trường của phường - xã đó, nay trẻ được học nơi gần nhất, có thể ở phường này nhưng được học ở trường trên địa bàn phường khác nhưng gần nhà (trừ khi cha mẹ có nguyện vọng khác) để đảm bảo việc đi lại. Nên xem xét vai trò “điều phối” của phòng giáo dục và các cơ quan cấp quận - huyện. Việc phân luồng nên do phòng giáo dục sắp xếp, tính toán, dựa trên thực tế trường lớp và số lượng trẻ ở mỗi khối lớp trên địa bàn. Để làm được việc này, ngành giáo dục phải phối hợp chặt chẽ với các địa phương để có con số chính xác. Và để việc điều phối hợp lý, đạt kết quả tích cực, ngành giáo dục cần có phương pháp khoa học, các cán bộ thực hiện phải khách quan, công tâm.

Một vấn đề quan trọng là phải chấn chỉnh triệt để việc “chạy” trường. Việc trường nhận học sinh trái tuyến chỉ được xét rất hạn chế cho những trường hợp đặc biệt, có như vậy mới tránh việc lợi dụng thân quen hoặc dùng các lợi ích vật chất để chạy trường, làm xáo trộn việc sắp xếp trường lớp, ít nhiều gây vẩn đục môi trường giáo dục. Cần phải thanh tra, xử lý nghiêm các trường hợp “chạy”; với những trường hợp nghiêm trọng cần thiết phải xử lý hình sự như hành vi đưa và nhận hối lộ.

Tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân có thể đưa con em đến trường một cách tốt nhất không chỉ hạn chế việc “chạy” trường mà còn góp phần xây dựng môi trường giáo dục lành mạnh, công bằng, tích cực, tạo tiền đề để nâng cao chất lượng dạy và học.

TRỊNH MINH GIANG (Thủ Đức, TPHCM)

Tin cùng chuyên mục