Vay gói 30.000 tỷ đồng: Không dễ “trúng tuyển”

Gói 30.000 tỷ đồng ra đời đã mang lại cơ hội an cư cho người thu nhập thấp, nhưng thực tế cho thấy không phải người thu nhập thấp nào cũng có thể chạm được ước mơ có nhà
Vay gói 30.000 tỷ đồng: Không dễ “trúng tuyển”

Gói 30.000 tỷ đồng ra đời đã mang lại cơ hội an cư cho người thu nhập thấp, nhưng thực tế cho thấy không phải người thu nhập thấp nào cũng có thể chạm được ước mơ có nhà!

Xét duyệt khó khăn

Đứng ở góc độ đầu tư và phân phối, ông Đoàn Chí Thanh, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Địa ốc Hoàng Anh Sài Gòn, nhận xét: “Tất cả khách hàng rất hài lòng khi mua được nhà từ gói 30.000 tỷ đồng. Khi nghe gói tài chính này hết vai trò lịch sử, khá nhiều người mong muốn nhà nước nên có gói như vậy cho người thu nhập thấp an cư”.

Từ khi gói 30.000 tỷ đồng ra đời, công ty đã bán 2.000 căn hộ đáp ứng tiêu chuẩn, từ 4 dự án là Hưng Ngân Garden, Sơn Kỳ 1, Idico Tân Phú, Khang Gia Tân Hương. Tất cả là nhu cầu thật, không có khách hàng nào mua đi bán lại, bởi làm sao kiếm được gói ưu đãi như vậy! Nhưng xác suất mua được nhà từ gói 30.000 tỷ đồng khá thấp: trong 8.000 khách hàng đăng ký mua nhưng kết quả chỉ được 2.000 căn! Cái khó nhất vẫn là chứng minh thu nhập, mặc dù Bộ Xây dựng đã tháo gỡ, nhưng đối với ngân hàng vấn đề đặt ra là khách hàng phải trả được nợ khi đi vay. Tiếp đó là chứng minh thường trú, trong khi dân nhập cư rất đông. Khó nữa là số lượng sản phẩm không đáp ứng nhiều, dự án đang xây dựng nên giải ngân không kịp.

Một góc dự án HCQ Plaza tại huyện Bình Chánh được vay gói 30.000 tỷ đồng  Ảnh: CAO THĂNG

Không chỉ nhà  ở thương mại mà nhà ở xã hội (NƠXH) việc giải ngân cũng hết sức khó khăn. Làm chủ đầu tư dự án NƠXH, Sacomreal cũng góp mặt 2 dự án. Dự án đầu tay là 143 căn ở đường Hoàng Hoa Thám, quận Tân Bình (đăng ký mua là cán bộ công nhân viên chức quận, quận xét duyệt danh sách đưa sang và bán hết ngay vào thời điểm ra hàng). Hiện nay dự án tiếp theo là Jamona, quận 7, công ty đăng ký chuyển từ nhà ở thương mại sang NƠXH 1,5ha, tổng số 1.290 căn. Công ty gặp khó khăn tiêu thụ vì khách hàng bị vướng khâu xét duyệt. Năm ngoái, công ty khảo sát thị trường bằng hình thức đặt chỗ. Nay xong móng, được nghiệm thu, công ty gửi 973 hồ sơ đăng ký mua nhà lên Sở Xây dựng, cơ quan này chỉ duyệt được 580 hồ sơ. Tiếp đó, số hồ sơ đã được Sở Xây dựng duyệt khi chuyển qua ngân hàng, lại có thêm 30% hồ sơ bị từ chối. Lý do, hầu hết không chứng minh được nguồn thu nhập để trả nợ, có địa phương không chịu xác nhận tình trạng nhà ở.

“Nhằm tháo gỡ khó khăn cho người mua NƠXH, chúng tôi đề xuất không ràng buộc khả năng thanh toán. Chỉ cần khách hàng và chủ đầu tư đồng ý chấp nhận xử lý tài sản nếu như người mua không đủ khả năng trả nợ thì ngân hàng nên giải ngân luôn”, ông Bùi Tiến Thắng, Phó tổng giám đốc Sacomreal đề xuất.

Sáng 11-3, ông Trương Anh Tuấn, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Tư vấn thương mại dịch vụ địa ốc Hoàng Quân cho biết, cho đến thời điểm này, HQC Plaza giải ngân được 1.145 căn nhưng trên thực tế là ký hợp đồng bán hết. Nghịch lý nằm ở chỗ, công ty đã ký hợp đồng bán hết số căn hộ cho khách hàng, nhưng việc được phê duyệt cho vay hay không là chuyện khác, còn 500 hồ sơ chưa giải ngân được! Vướng mắc có khi là chính quyền địa phương không chịu xác nhận hồ sơ, ngân hàng không cho vay…

Cửa hẹp

Cho dù có khó nhưng xem ra sự tồn tại của gói 30.000 tỷ đồng được xem là rộng cửa hơn cho người thu nhập thấp an cư, có thêm nhà ở thương mại có giá dưới 1,05 tỷ đồng/căn. Còn từ ngày 1-6 trở đi, chỉ còn một loại nhà duy nhất được ưu đãi lãi vay, đó là NƠXH. Ghi nhận từ thực tế, khả năng cho người mua NƠXH càng hẹp hơn…

Sau ngày 1-6-2016 (kết thúc việc giải ngân gói 30.000 tỷ đồng - PV), việc vay mua NƠXH sẽ giao cho Ngân hàng Chính sách xã hội cùng 4 ngân hàng thương mại khác là Ngân hàng Vietcombank, Agribank, BIDV và Vietinbank cho vay. Nghị định 100/2015 của Chính phủ hướng dẫn chi tiết Luật Nhà ở 2014 cũng quy định rõ loại nhà và tiêu chuẩn NƠXH.

Hiện NƠXH trên địa bàn TPHCM chỉ mới đáp ứng được khoảng hơn 30% nhu cầu về nhà ở cho cán bộ công chức và các đối tượng được thụ hưởng. Trong đó, hiện TPHCM mới có 6 dự án NƠXH thuộc sở hữu nhà nước trên địa bàn quận 6, 8, 10, 12, Gò Vấp và Tân Bình với tổng cộng gần 650 căn. Những dự án NƠXH thuộc sở hữu nhà nước chỉ giải quyết cho thuê và thuê mua, không giải quyết bán. Trong năm 2015, sở đã tiếp nhận gần 1.000 hồ sơ đăng ký thuê, thuê mua tại các dự án NƠXH thuộc sở hữu nhà nước nhưng chỉ giải quyết được 57% các trường hợp đã nộp hồ sơ đăng ký thuê, thuê mua NƠXH thuộc sở hữu nhà nước hợp lệ; số trường hợp còn lại sẽ tiếp tục giải quyết khi có thêm quỹ nhà. Tuy nhiên, trong năm 2016 không có dự án NƠXH thuộc sở hữu nhà nước nào được hoàn thành.

Đối với các dự án NƠXH xã hội hóa, theo báo cáo của Sở Xây dựng cho thấy, năm 2015, thành phố chỉ khởi công một dự án với quy mô 168 căn hộ, có 12.273m2 sàn xây dựng (dự án NƠXH tại đường Hoàng Bật Đạt, quận Tân Bình); hướng dẫn hỗ trợ các chủ đầu tư thực hiện 8 dự án NƠXH, trình UBND TP công nhận chủ đầu tư, chấp thuận đầu tư và hợp tác đầu tư tại 3 dự án NƠXH. Mặc dù thống kê thì nhiều, TP có 22 dự án NƠXH thuộc vốn ngoài ngân sách với quy mô khoảng 29.000 căn hộ, nhưng hầu hết đang ở giai đoạn chấp thuận chủ trương đầu tư và bước đầu giải phóng mặt bằng, phải mất vài năm sau đó mới có thể bắt tay xây dựng. Việc dự án có được triển khai đúng thời hạn hay không lại còn phụ thuộc vào nhiều thứ. Chẳng hạn các chính sách về thu hút doanh nghiệp tham gia vào chương trình NƠXH vẫn chưa đủ hấp dẫn, lợi nhuận thấp, thủ tục hành chính nhiêu khê trong khi nhà ở thương mại dễ làm, dễ bán hơn…

LƯƠNG THIỆN - HẠNH NHUNG

  Lãi suất gói 30.000 tỷ đồng được quy định rất rõ

Vừa qua, một số khách hàng vay vốn chương trình cho vay hỗ trợ nhà ở theo Nghị quyết 02/NQ-CP của Chính phủ (gói tín dụng 30.000 tỷ đồng) bất ngờ và lo lắng khi biết số tiền giải ngân thuộc chương trình này sau ngày 1-6-2016 sẽ chịu lãi suất vay thương mại. Ngày 11-3, Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (Ngân hàng Nhà nước) đã có ý kiến trao đổi làm rõ về vấn đề này.

Đại diện Vụ Tín dụng các ngành kinh tế cho biết, trong quá trình triển khai, Ngân hàng Nhà nước cũng đã đẩy mạnh công tác truyền thông về chương trình gói tín dụng 30.000 tỷ đồng để doanh nghiệp, người dân hiểu rõ về các quy định của chương trình, trong đó có nội dung về thời hạn kết thúc giải ngân tái cấp vốn cho vay, thời hạn áp dụng mức lãi suất cho vay ưu đãi như đăng tải trên website Ngân hàng Nhà nước, Cổng Thông tin điện tử Chính phủ, văn bản trả lời Đoàn đại biểu Quốc hội TPHCM... Như vậy ngay từ đầu chương trình, Ngân hàng Nhà nước đã quy định rất rõ về thời hạn kết thúc giải ngân tái cấp vốn cho vay hỗ trợ nhà ở, lãi suất vay ưu đãi để doanh nghiệp, người dân được biết.

Về thông tin cho rằng khách hàng vay vốn gói 30.000 tỷ đồng chỉ được hưởng lãi suất vay ưu đãi trong 3 năm đầu tiên, thời gian vay vốn còn lại chịu lãi suất vay thương mại thông thường, đại diện Vụ Tín dụng các ngành kinh tế giải thích: tại khoản 4 Điều 4 Thông tư 11 và tại khoản 3 Điều 1 Thông tư 32 của Ngân hàng Nhà nước đã quy định rất rõ về thời gian áp dụng mức lãi suất cho vay ưu đãi hỗ trợ nhà ở. Theo đó đối với phần dư nợ được giải ngân từ ngày 1-6-2016 trở về trước được hưởng lãi suất vay ưu đãi của chương trình trong suốt toàn bộ thời gian khách hàng vay vốn (tối đa 15 năm). Về thông tin nội dung hợp đồng tín dụng của một số ngân hàng còn mập mờ, khách hàng chưa hiểu rõ, Ngân hàng Nhà nước sẽ thực hiện kiểm tra ngay, yêu cầu ngân hàng thương mại báo cáo và có biện pháp xử lý phù hợp.

HÀM YÊN

 >> Hoang mang lãi suất gói 30.000 tỷ đồng

Tin cùng chuyên mục