Về bộ phim Đặng Thùy Trâm sắp khởi quay, NSND Đặng Nhật Minh: “Đây là một thử thách lớn của đời tôi”

Đêm qua tôi mơ thấy hòa bình (Last night I dreamed of peace) là nhan đề của cuốn sách được dịch từ Nhật ký Đặng Thùy Trâm sang tiếng Anh do Nhà xuất bản Random House - một trong những nhà xuất bản hàng đầu tại Mỹ - phát hành đúng vào ngày kỷ niệm vụ 11-9 vừa qua. “Nhan đề quá hay!”. Đạo diễn - NSND Đặng Nhật Minh xuýt xoa, dù nó không phải do tác giả dịch sách nghĩ ra mà họ lấy một câu trong nhật ký của chị Thùy Trâm. Đó cũng chính là lý do khiến NSND Đặng Nhật Minh đắn đo trước tên phim cũ của ông: Đừng đốt, trong đó đã có lửa!
Về bộ phim Đặng Thùy Trâm sắp khởi quay, NSND Đặng Nhật Minh: “Đây là một thử thách lớn của đời tôi”

Đêm qua tôi mơ thấy hòa bình (Last night I dreamed of peace) là nhan đề của cuốn sách được dịch từ Nhật ký Đặng Thùy Trâm sang tiếng Anh do Nhà xuất bản Random House - một trong những nhà xuất bản hàng đầu tại Mỹ - phát hành đúng vào ngày kỷ niệm vụ 11-9 vừa qua. “Nhan đề quá hay!”. Đạo diễn - NSND Đặng Nhật Minh xuýt xoa, dù nó không phải do tác giả dịch sách nghĩ ra mà họ lấy một câu trong nhật ký của chị Thùy Trâm. Đó cũng chính là lý do khiến NSND Đặng Nhật Minh đắn đo trước tên phim cũ của ông: Đừng đốt, trong đó đã có lửa!

Về bộ phim Đặng Thùy Trâm sắp khởi quay, NSND Đặng Nhật Minh: “Đây là một thử thách lớn của đời tôi” ảnh 1

Diễn viên Thu Thủy - người sẽ vào vai Đặng Thùy Trâm.

Tôi hỏi NSND Đặng Nhật Minh: “Ngay việc lấy tên cho phim, ông cũng đã thấy khó khăn rồi?”. Ông thú nhận ngay: “Đúng vậy! Tôi thấy tên cũ không ổn lắm, nó “báo chí” quá. Mà làm phim về chị Thùy Trâm, một con người “văn chương” như thế, mọi câu chữ liên quan đến phim về chị ấy cũng phải được chắt lọc cẩn thận”.

Nhà thơ Thanh Thảo góp chuyện: “Tôi cũng thấy thế. Đêm qua tôi mơ thấy hòa bình nó “tầm cỡ” hơn tên kia. Đó cũng là thông điệp mà những người làm phim phải gửi tới tất cả những ai yêu hòa bình. Tôi nghĩ, lấy tên như thế, phim sẽ được nâng lên”.

Năm ngoái NSND Đặng Nhật Minh cùng đạo diễn Tất Bình và nhà thơ Nguyễn Thị Hồng Ngát cùng ê kíp làm phim ở Xưởng Phim truyện VN vào Đức Phổ - Quảng Ngãi rồi ngược dốc cao, lên tận đỉnh núi để tận mắt chứng kiến chỗ làm việc của Đặng Thùy Trâm trong chiến tranh-Trạm xá Bác Mười - và nơi chị ngã xuống cách đó không xa. Ông chỉ đi “xem cảnh” để lấy cảm xúc hơn là đi chọn cảnh quay.

Lần này trở lại Quảng Ngãi, vào luôn Đức Phổ, NSND Đặng Nhật Minh dẫn theo cả “chị Thùy” cùng ê kíp làm phim. Dù chưa được giới thiệu nhưng thoạt nhìn, tôi đã buột miệng: “Chị Thùy Trâm!” khi thấy một cô gái chừng hai lăm, hai bảy đang ngồi ăn cơm cùng đoàn. Đúng là ông Minh đã có con mắt “nhà nghề” khi chọn diễn viên “nghiệp dư” Thu Thủy để vào vai chị Thùy Trâm trong bộ phim này.

Theo Thu Thủy thì cô đang công tác trong một cơ quan ở Hà Nội và không dính dáng gì đến nghệ thuật. Ông Minh tiết lộ: “Tôi cũng đã mất nhiều công sức để “lùng” cô này cho phim của tôi”. Theo NSND Đặng Nhật Minh thì Thu Thủy có những điểm khá trùng hợp với chị Thùy Trâm: Cũng học ba năm phổ thông ở trường Chu Văn An, Hà Nội, trên gác 2, dáng người nhỏ nhắn, ăn nói cũng rất nhỏ nhẹ, cỡ tuổi cũng bằng chị Thùy Trâm trước lúc hy sinh.

Về bộ phim Đặng Thùy Trâm sắp khởi quay, NSND Đặng Nhật Minh: “Đây là một thử thách lớn của đời tôi” ảnh 2

Đạo diễn Đặng Nhật Minh (thứ hai từ phải sang) tại Trạm xá Bác Mười - nơi chị Trâm từng công tác. Ảnh: T.Đ.

“Vậy thì khó khăn gì nữa? Tiền, hay là…?”. Tôi tò mò. Ông Minh: “Không lo tiền mà lo những thứ “ngoài tiền”. Như tôi đã nói, bộ phim này phải hết sức cẩn thận. Ông Thanh Thảo đây vừa cảnh báo: “Phải vào Phổ Cường gặp những người cùng công tác với chị Thùy Trâm hỏi thử lúc khám chữa bệnh cho chiến sĩ tại Trạm xá Bác Mười ấy, chị có mặc áo blouse không? Ngay cả cái hăng gô nấu cháo cũng phải cẩn thận, đừng “chơi” nồi cơm điện Trung Quốc hiện nay là hỏng ngay.

Chị Trâm đi đôi dép cao su - dĩ nhiên rồi, nhưng là dép đúc Trung Quốc hay dép được cắt ra từ lốp xe hơi như những du kích Phổ Cường. Hoặc như cây bút chị viết nhật ký cũng phải hỏi lại, viết kim tinh Trung Quốc thời ấy hay cây Pilot dưới đồng bằng gửi lên? Ngay cả chiếc đồng hồ chị đeo thì cũng phải hỏi lại có phải từ Bắc mang vào không hay chiếc Seiko của Nhật? Chiếc cặp tóc chị hay dùng cũng thế.

Tất cả những điều tưởng chừng nhỏ nhặt ấy nhưng là những chi tiết quan trọng. Người xem không chỉ xúc động về câu chuyện mà có thể rơi nước mắt trước những vật gợi nhớ như thế”. Nhìn thấy chiếc khăn rằn Nam bộ mà diễn viên Thu Thủy quàng trên người, cho dù rất đẹp, song những ai là dân Quảng Ngãi “chay” đều lắc đầu: “Quàng cho vui vậy thôi chứ đừng khoác vào lúc đóng phim nghen! Dân miền Trung không có xài khăn rằn như Nam bộ đâu!”.

Lúc ấy ông Minh mới “ớ” ra. Các họa sĩ thiết kế lẫn các trợ lý đều vỡ ra bao điều chứ không như họ nghĩ từ Hà Nội! Ông Minh nói, bộ phim này là thử thách lớn của ông, có lẽ một phần là vậy chăng?

Tôi nói với ông rằng chỉ trong một tháng mà tôi được tiếp xúc với hai đạo diễn, từng ở hai đầu chiến tuyến. Đó là ông Oliver Stone mới đến Sơn Mỹ và ông-NSND Đặng Nhật Minh. Thật ngẫu nhiên, cùng lúc Quảng Ngãi đã “lôi” cả hai người về với vùng đất này để làm hai bộ phim cùng một đề tài về chiến tranh.

Tôi cũng “khoe” luôn là ông đạo diễn người Mỹ nói rằng ông làm phim Pinkville (Làng Hồng) ngốn tới 40 triệu đô la! Ông Minh cười: “Còn tiền cho phim chị Trâm của tôi chỉ bằng cái “móng tay” của ông ấy - 500 ngàn đô la. Nhưng không sao, cái chính là mình nói được điều gì qua bộ phim này khi cuộc chiến đã lùi quá xa vào quá khứ”.

Nhà thơ Thanh Thảo lại góp chuyện: “500 “chơi” với 40 triệu. Ông O.Stone nhìn chiến tranh qua Làng Hồng bằng cái nhìn từ bên ngoài, còn mình, qua bộ phim về chị Trâm, mình nhìn cuộc chiến bằng cái nhìn từ bên trong, cái nhìn của người trong cuộc”. 

TRẦN ĐĂNG

Tin cùng chuyên mục