Về công trình có kiến trúc lạ ở chùa Hương: Sai phạm quá rõ ràng!

Báo SGGP ra ngày 12-11 có bài phản ánh về công trình có kiến trúc lạ xuất hiện ở khu vực trung tâm danh thắng Hương Sơn (chùa Hương thuộc huyện Mỹ Đức, Hà Nội). Để tiếp tục làm rõ thêm những vấn đề bài báo nêu, phóng viên Báo SGGP đã trao đổi với đại diện các cơ quan quản lý về văn hóa xung quanh công trình này.

Báo SGGP ra ngày 12-11 có bài phản ánh về công trình có kiến trúc lạ xuất hiện ở khu vực trung tâm danh thắng Hương Sơn (chùa Hương thuộc huyện Mỹ Đức, Hà Nội). Để tiếp tục làm rõ thêm những vấn đề bài báo nêu, phóng viên Báo SGGP đã trao đổi với đại diện các cơ quan quản lý về văn hóa xung quanh công trình này.

Chưa đúng thủ tục luật quy định

Khác với những thông tin về công trình có kiến trúc lạ do Ban quản lý danh thắng Hương Sơn, Mỹ Đức, Hà Nội đưa ra trước đó, ông Trương Minh Tiến, Phó Giám đốc Sở VH-TT Hà Nội đã chính thức thừa nhận công trình này xây dựng ở khu vực chùa Hương, thuộc vùng bảo vệ I và chưa trình đúng thủ tục của Luật Di sản văn hóa. Ông Tiến phân trần: “Lĩnh vực quản lý của chúng tôi lớn quá, rộng quá nên không phải lúc nào cũng sâu sát được mọi chuyện”. Ngay sau khi nhận được phản ánh từ báo chí, Sở VH-TT Hà Nội đã cử người xuống tận nơi để kiểm tra lại sự việc, sau đó đã lập biên bản về hạng mục xây dựng Hương Nghiêm pháp đường - chùa Thiên Trù, thuộc khu danh thắng Hương Sơn. Trong biên bản được lập giữa Ban xây dựng chùa Hương; Ban quản lý khu di tích thắng cảnh Hương Sơn; Ban quản lý di tích Hà Nội nói rõ: Năm 2011 nhà chùa có văn bản đề nghị UBND huyện Mỹ Đức cho phép Ban xây dựng chùa Hương được phép tu bổ, tôn tạo (có bản thiết kế kèm theo). Được sự nhất trí của UBND huyện Mỹ Đức, công trình khởi công xây dựng năm 2011, hoàn thành năm 2013. Công trình có 2 tầng mái, mỗi chiều 25m, với công năng sử dụng gồm nhà ăn và nhà khác của nhà chùa...

Sở VH-TT Hà Nội cho biết, sẽ nhanh chóng thành lập một đoàn thanh tra để kiểm tra thực tế. Trước mắt, Sở VH-TT Hà Nội có văn bản đề nghị UBND huyện Mỹ Đức gửi báo cáo đầy đủ về việc xây dựng công trình này (cụ thể là khoảng 20-11). Sau khi có đầy đủ các thông tin về việc xây dựng và xin phép của công trình này Sở VH-TT Hà Nội sẽ có các bước giải quyết nghiêm theo Luật Di sản văn hóa.

3 sai phạm lớn

Trong khi đó, ông Nguyễn Thế Hùng, Cục trưởng Cục Di sản văn hóa, Bộ VH-TT-DL khẳng định, đây là công trình không xin phép, nằm trong khu vực bảo vệ của di tích, sai phạm đã quá rõ ràng! Ông Nguyễn Thế Hùng phân tích, theo Luật Di sản văn hóa, về nguyên tắc xây dựng là phải xin phép, có hồ sơ thỏa thuận với các cơ quan chuyên môn. Đây là di tích cấp quốc gia nên những công trình tu bổ, tôn tạo, xây dựng đều phải có thỏa thuận với cơ quan quản lý chuyên ngành mà cụ thể ở đây là Bộ VH-TT-DL. “Nhưng sai phạm đến đâu, như thế nào cần phải thẩm định lại rõ ràng. Sai đến đâu, xử lý đến đó. Ai quản lý trực tiếp người đó phải chịu trách nhiệm” - ông Nguyễn Thế Hùng nói.

Cũng theo đại diện Cục Di sản văn hóa, về nguyên tắc, đây là khu vực bảo vệ I của di tích, vẫn cho phép xây dựng những công trình phụ trợ nhằm bảo vệ và phát huy giá trị di tích. Ông Nguyễn Thế Hùng cho rằng, nếu nhà chùa xây dựng những công trình nhằm giới thiệu, trưng bày những hình ảnh, hiện vật liên quan tới lịch sử hình thành, phát triển của chùa Hương, hay đóng góp của nhân dân mà xin phép, Cục Di sản văn hóa thẩm định thấy hợp lý thì vẫn cho phép làm. Không luật nào cấm nhà chùa làm các công trình phù hợp, tạo thuận lợi để phát huy giá trị của di sản. Khi cơ sở gửi hồ sơ lên Cục Di sản văn hóa, cơ quan này sẽ xem xét và góp ý về mặt kiến trúc, nếu như thấy có những yếu tố không phù hợp. “Tuy nhiên, phải khẳng định, chùa Hương là di tích cấp quốc gia, phải tôn trọng kiến trúc truyền thống của dân tộc, không thể mang kiến trúc nước ngoài lai tạp tùm lum về áp dụng được” - Cục trưởng Nguyễn Thế Hùng nhấn mạnh.

Ông Vũ Xuân Thành, Chánh Thanh tra Bộ VH-TT-DL, cho biết, theo thông tin tìm hiểu từ địa phương đưa lên, bước đầu có thể nhận định công trình này có 3 sai phạm. Cụ thể là: quy trình sai, Ban quản lý di tích danh thắng Hương Sơn và Sở VH-TT Hà Nội không báo cáo lên Bộ VH-TT-DL; UBND huyện cho phép xây dựng là vượt quá thẩm quyền. Thông thường với những công trình như vậy cần phải lập hồ sơ, có phương án thiết kế để trình lên Sở VH-TT Hà Nội, sau đó xin thỏa thuận của Bộ VH-TT-DL. Do vậy, công trình này là sai. Hướng giải quyết đối với công trình này, theo ông Vũ Xuân Thành, cần phải xem xét phân tích cụ thể ảnh hưởng của công trình với cảnh quan thế nào; lấy ý kiến của các nhà khoa học phân tích trên mọi góc độ về kiến trúc, ý nghĩa, cảnh quan... Vì đây không phải là di tích gốc, công trình mới là công trình phụ trợ, nên cũng không máy móc buộc phục hồi nguyên trạng. “Nhưng trước hết Thanh tra Bộ VH-TT-DL đã đề nghị địa phương phải có báo cáo cụ thể ngay về công trình này trước khi đưa ra hướng giải quyết tiếp theo” - ông Vũ Xuân Thành cho biết.

MAI AN

Tin cùng chuyên mục