Trong những ngày tháng năm lịch sử này, hàng ngàn người con đất Việt lại hướng về quê Bác và bồi hồi xúc động trong mỗi bước chân trên mảnh đất Kim Liên (Nam Đàn, Nghệ An). Xin được mượn lời của Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong dịp Đại tướng về thăm quê Bác lần thứ 7 (năm 1993) để nói hộ cảm xúc bao người. Đại tướng ghi trong sổ vàng lưu niệm: “Về thăm quê Bác, nhớ vô cùng. Năm nay, tư tưởng của Bác càng thấm sâu vào mỗi người dân, mỗi cán bộ, đảng viên, mỗi một cháu thanh niên, thiếu niên và nhi đồng. Hình ảnh của Bác đang in sâu trong tim óc của mỗi người dân và cổ vũ mạnh mẽ toàn dân ta tiến lên góp phần xây dựng, làm cho dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ và văn minh theo lòng mong ước của Bác”.
"Về thăm quê Bác, nhớ vô cùng…”. Đó là tâm trạng chung của những người con ở mọi miền Tổ quốc tụ hội về đây. Anh Nguyễn Xuân Tới (xã Đông Quang, Đông Sơn, Thanh Hóa) xúc động: “Mỗi chuyện về Bác đều có ý nghĩa và đều xúc động, nhưng với tôi, về quê Bác, được nghe chuyện về Bác lại càng thấm thía, như chuyện người thân của Bác mất nhưng Bác không thể về quê chịu tang được…”.
Anh Tới đang nghe chuyện anh trai Bác là cụ Nguyễn Sinh Khiêm mất, nhưng vì bận trăm công ngàn việc nên Bác không thể về được. Ngày 9-11-1950, Bác gửi một bức điện về cho họ Nguyễn Sinh: “Nghe tin Anh Cả mất, lòng tôi buồn rầu. Vì việc nước nặng nhiều, đường sá xa cách, lúc Anh đau yếu tôi không thể chăm nom, lúc Anh tạ thế, tôi không thể lo liệu. Than ôi! Tôi chịu tội bất đễ (không trọn tình anh em) trước linh hồn Anh và xin bà con nguyên lượng (tha thứ) cho một người con đã hy sinh tình nhà vì phải lo việc nước”.
Mỗi người về thăm quê Bác, nghe chuyện về Bác không ai không lặng người vì xúc động. Mọi người đến đây, khi đất nước đã hòa bình thống nhất, non sông phồn thịnh và đang trên đà đi lên. Nhưng để có được những ngày hạnh phúc này, không ai không ngậm ngùi nhớ đến Bác, khi Người lo bôn ba tìm đường cứu nước nên phải đến 50 năm sau mới được trở về nơi chôn nhau cắt rốn của mình.
Ngày 16-6-1957, Người về thăm quê hương Kim Liên (Nam Đàn). Hôm ấy, Người bận bộ ka ki, đi đôi dép cao su giản dị. Khi về đến quê, lãnh đạo xã mời Bác về nhà khách nghỉ, Bác cười đôn hậu: “Nhà khách là để tiếp khách, còn tôi là chủ, để tôi về thăm nhà”. Nói rồi Bác đi nhanh về hướng nhà mình.
Mọi người đưa Bác đến trước một cái cổng, Bác bần thần dừng lại một hồi, rồi bất chợt nói: “Cổng ngày xưa ở chỗ kia”. Ngay bên cạnh cổng có ghi một tấm bảng nhỏ “Nhà Bác Hồ”, thấy vậy Bác quay sang mọi người, hóm hỉnh: “Đây là nhà của Cụ Phó Bảng chứ có phải nhà Bác Hồ đâu”. Bác đứng lặng ngoài sân một hồi rồi bước vào nhà. Người đứng trước bàn thờ gia tiên rồi nói với mọi người mà như nói với mình: “Hồi xưa nhà Bác nghèo. Bàn thờ chỉ làm bằng tre, không có chân mà chỉ dùng hai thanh gỗ đóng gá vào hai bên cột để đỡ bàn thờ lên, liếp bằng nứa”.
Bước vào gian nhà trong, nhìn tấm phản ngày xưa Bác và cụ Cả Khiêm thường nằm, Bác thốt lên: “Ồ, bộ phản này vẫn còn, bà con giữ tài thật, nhưng hình như nó ngắn hơn thì phải?”. Bà con thưa với Bác: Trước khi cô Thanh chị của Bác bị thực dân Pháp bắt, tấm phản này được cho một người bà con sử dụng. Mùa đông, trong khi đốt lửa sưởi ấm vô tình bị cháy một đầu, nên phải cưa bớt đi.
Khi trở ra ngoài sân, Bác nhìn quanh sân và vườn một hồi rồi nói với mọi người: “Ngày trước, ở ngay cổng có một cây ổi đào nhiều quả và rất ngọt. Trước sân đây là cây bưởi, bên đầu hồi nhà có cây cam, sau nhà có hàng cau đẹp”. Khi ra ngoài cổng, Bác đi đến bên một khóm chuối rồi dừng lại, chỉ vào một lối nhỏ hỏi: “Trong này có lò rèn của cố Điền, nay còn không?”. Cố Điền là người hiền lành, thật thà và vui tính. Những lúc rảnh rỗi Bác thường ra lò rèn chơi và thỉnh thoảng giúp cụ một số việc.
Trong khi đến thắp hương tại nhà thờ Nguyễn Sinh, khi gần đến nhà thờ, Bác dừng lại hỏi: “Trong này có nhà cố Phương. Nay nhà cố có đủ ăn không?”. Nghe vậy mọi người đều nghẹn ngào, có người không cầm được nước mắt. Qua đó, ai cũng hiểu tình cảm Bác dành cho quê hương sâu nặng đến chừng nào. Như Bác đã bùi ngùi: “Quê hương nghĩa trọng tình cao/Năm mươi năm ấy biết bao nhiều tình”.
“Về thăm quê Bác, nghe chuyện Bác về thăm quê, thấy Bác chúng ta thật giản dị, sâu sát, quan tâm đến cả những con người cụ thể dù Bác xa quê đến 50 năm. Học theo Bác, đầu tiên là từ những điều giản dị như thế” - bác Nguyễn Thanh Hùng (cựu chiến binh, xã Thanh Tiên, Thanh Chương, Nghệ An) tâm sự. Và cũng như bác Hùng, từ các đồng chí lãnh đạo của Đảng và Nhà nước cho đến mỗi người dân, ai về đây đều nguyện hứa với Bác quyết phấn đấu làm theo mong ước của Người.
Ngày 27-10-2009, đồng chí Lê Thanh Hải, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TPHCM, cùng đoàn đại biểu của thành phố về thăm quê Bác. Đồng chí Lê Thanh Hải xúc động: “Kính thưa Bác! Hôm nay các con, các cháu từ thành phố mang tên Người rất xúc động về dâng hoa, dâng hương tưởng nhớ Anh linh của Bác. Các con, các cháu nguyện phấn đấu học tập và làm theo tấm gương đạo đức của Bác, ra sức xây dựng thành phố mang tên Người phát triển toàn diện, chăm lo đời sống đồng bào ngày càng tốt hơn. Các con, các cháu cùng với đồng chí đồng bào Nghệ An phấn đấu xây dựng quê hương Nghệ An ngày càng giàu mạnh”
DUY CƯỜNG