Vệ tinh mini F-1 của Việt Nam lên bệ phóng: Khát vọng chinh phục không gian

Theo thông tin từ Phòng nghiên cứu không gian FSpace, Viện Nghiên cứu công nghệ FPT – Đại học FPT, vệ tinh F-1 của Phòng nghiên cứu không gian FSpace đã vượt qua kỳ đánh giá an toàn bay, đáp ứng các tiêu chuẩn kỹ thuật của Cơ quan Không gian vũ trụ Nhật Bản (JAXA) và được chính thức chấp nhận tham gia chương trình phóng vệ tinh nhỏ do JAXA và NASA phối hợp tổ chức. Như vậy, theo như kế hoạch, khoảng 11 giờ 18 (giờ Nhật Bản) hay 9 giờ 18 (giờ Việt Nam) ngày 21-7 tới, vệ tinh F-1 sẽ được phóng lên vũ trụ…
Vệ tinh mini F-1 của Việt Nam lên bệ phóng: Khát vọng chinh phục không gian

Theo thông tin từ Phòng nghiên cứu không gian FSpace, Viện Nghiên cứu công nghệ FPT – Đại học FPT, vệ tinh F-1 của Phòng nghiên cứu không gian FSpace đã vượt qua kỳ đánh giá an toàn bay, đáp ứng các tiêu chuẩn kỹ thuật của Cơ quan Không gian vũ trụ Nhật Bản (JAXA) và được chính thức chấp nhận tham gia chương trình phóng vệ tinh nhỏ do JAXA và NASA phối hợp tổ chức. Như vậy, theo như kế hoạch, khoảng 11 giờ 18 (giờ Nhật Bản) hay 9 giờ 18 (giờ Việt Nam) ngày 21-7 tới, vệ tinh F-1 sẽ được phóng lên vũ trụ…

Chờ bay vào quỹ đạo

Đến nay, F-1 đã được chuyển đến Trung tâm vũ trụ Tsukuba (Nhật Bản) để tập kết cùng 4 vệ tinh nhỏ khác và chuẩn bị được lắp lên thiết bị phóng vệ tinh nhỏ J-SSOD (JEM –Small Satellite Orbital Deployer)… Tất cả 5 vệ tinh sẽ được vận chuyển đến Trung tâm vũ trụ Tanegashima, đảo Tanegashima, phía Nam Nhật Bản để lắp lên tàu vận tải HTV-3, và cuối cùng đặt lên trên tên lửa đẩy HII-B chuẩn bị phóng.

Để tiến đến bước đặt vệ tinh vào bệ phóng, vệ tinh F-1 đã phải vượt qua kỳ đánh giá an toàn bay, đáp ứng các tiêu chuẩn kỹ thuật của JAXA và được tham gia chương trình phóng vệ tinh nhỏ do JAXA và NASA phối hợp tổ chức.

Ông Vũ Trọng Thư, Trưởng phòng FSpace thuộc Đại học FPT, cho biết: “Bên cạnh việc từng bước làm chủ công nghệ vũ trụ để hướng tới những ứng dụng trong thực tế, nhóm FSpace mong muốn đem lại niềm hy vọng vào tương lai và truyền tải thông điệp của tuổi trẻ Việt Nam: Không gian vũ trụ không còn quá xa xôi, chúng ta có thể làm được những điều tưởng như không thể, nếu như có quyết tâm!”.

Vệ tinh mini F-1 của Việt Nam lên bệ phóng: Khát vọng chinh phục không gian ảnh 1

Nhóm FSpace

Vệ tinh nhỏ F-1 có kích thước 10x10x10cm và nặng 1kg. Nhóm FSpace bắt đầu nghiên cứu và chế tạo F-1 từ cuối năm 2008, với mục tiêu là phải “sống” được trong không gian và phát tín hiệu về trạm điều khiển trái đất, chụp được ảnh độ phân giải thấp (640x480) của trái đất và tốc độ truyền dữ liệu từ vệ tinh đạt 1.200 bit/giây. Trên thế giới, xu hướng chế tạo vệ tinh nhỏ (dưới 50kg) đang phát triển rất mạnh trong 10 năm gần đây. Ưu điểm của loại vệ tinh siêu nhỏ là thời gian chế tạo ngắn, chi phí thấp và càng phát huy năng lực khi sử dụng cả một chùm vệ tinh.

Tuy nhiên, với Việt Nam đây vẫn là lĩnh vực rất mới. Do đó nhiều chuyên gia trong ngành nhận định, nếu thành công FPT sẽ trở thành doanh nghiệp tư nhân đầu tiên trong nước chế tạo thành công vệ tinh nhỏ, góp phần vào sự phát triển của ngành khoa học và công nghiệp vũ trụ Việt Nam.

Khát vọng và khát vọng...

Những thành viên trong nhóm FSpace nhớ như in những cột mốc quan trọng trong suốt 4 năm qua của F-1. Ngày 18-6-2009, lần đầu tiên nhóm FSpace mang F-1 từ phòng thí nghiệm ra ngoài trời để thử nghiệm liên lạc khoảng cách xa. F-1 đã phát tín hiệu, liên lạc thành công với hệ thống trung tâm. FSpace đã ra lệnh được cho F-1 chụp ảnh, đo đạc các thông số. F-1 lần đầu tiên “xuất ngoại” sang Nhật Bản ngày 14-3-2011 để thử nghiệm rung động (vibration test).

Lúc đó giáo sư Nakasuka của Trường Đại học Tokyo đã giúp nhóm FSpace thử nghiệm rung động cho vệ tinh F-1. Sau đó, F-1 được chuyển sang Mỹ cho công ty đối tác là NanoRacks ở Houston, Texas để chuẩn bị kỳ đánh giá an toàn bay và tháng 6-2012, F-1 được chuyển sang trung tâm vũ trụ Tanegashima của Nhật Bản để sẵn sàng phóng với 4 vệ tinh khác…

Những cột mốc trên như là thước đo cho gần 4 năm miệt mài nghiên cứu và phát triển với vô vàn khó khăn và F-1 có thể coi là bước đi đầu tiên để đào tạo đội ngũ và cơ hội cho các kỹ sư trẻ của Việt Nam nắm bắt được đầy đủ quy trình công nghệ chế tạo một vệ tinh nhỏ và vận hành vệ tinh trên quỹ đạo.

... và ý tưởng chế tạo vệ tinh nhỏ theo dõi tàu biển

... và ý tưởng chế tạo vệ tinh nhỏ theo dõi tàu biển

Ông Vũ Trọng Thư cho biết thêm: “Với những kết quả bước đầu này, kết hợp với những thông tin về tình hình phát triển vệ tinh nhỏ trên thế giới như Mỹ, Nhật, châu Âu… chúng tôi tin tưởng vào xu hướng phát triển của vệ tinh nhỏ trong tương lai sẽ dần thay thế những vệ tinh cỡ lớn truyền thống và đây là cơ hội tốt để Việt Nam có thể “đi tắt, đón đầu” làm chủ công nghệ hiện đại. Những nghiên cứu sơ bộ của chúng tôi cho thấy việc chế tạo các vệ tinh nhỏ (cỡ vài ký) là hoàn toàn khả thi trong điều kiện hiện tại của Việt Nam với chi phí thấp (dưới 10 tỷ đồng) và thời gian ngắn (cỡ 2-3 năm). Những vệ tinh nhỏ này có thể ứng dụng trong công tác giám sát tàu thuyền trên biển Đông, phòng chống nạn xả trộm dầu trên biển, hỗ trợ công tác tìm kiếm cứu nạn, phát hiện cháy rừng hay phục vụ các nhu cầu viễn thông, viễn thám khác…”.

Hy vọng, F-1 sẽ thẳng tiến vào quỹ đạo như kế hoạch. Hy vọng còn từ đây sẽ mở ra cách nghiên cứu khoa học không gian trong tương lai với những ứng dụng thiết thực với đời sống hàng ngày, một lĩnh vực hoàn toàn mới ở nước ta. Và nếu thành công, “Giấc mơ vệ tinh mini FPT” như Báo SGGP đã đề cập trước đây, khi dự án này vừa phôi thai… sẽ thành hiện thực. Hiện thực cho một nhóm bạn trẻ dám nghĩ, dám làm với khát vọng bay cao.

BÁ TÂN

Tin cùng chuyên mục