Về việc bỏ phiếu tín nhiệm - Cần làm thận trọng từng bước

Hôm nay 4-6, Quốc hội (QH) thảo luận ở hội trường về Đề án tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của QH. Liên quan đến một trong nội dung được quan tâm nhất của đề án là việc QH lấy phiếu tín nhiệm hàng năm đối với các chức danh do QH bầu và phê chuẩn, PV Báo SGGP tiếp tục ghi nhận ý kiến của các ĐBQH. Nhà sử học Dương Trung Quốc, ĐBQH tỉnh Đồng Nai cho rằng:

Bỏ phiếu tín nhiệm thực ra là cũ nhưng chưa được thực hiện, nên có thể xem là vấn đề mới. Chúng ta cần làm rất thận trọng từng bước, từ thấp đến cao. Tôi nghiêng về phía làm thận trọng, chỉ những chức danh nào có vấn đề, chúng ta mới tiến hành lấy phiếu tín nhiệm. Từ thực tiễn cuộc sống, chúng ta phải đưa ra thảo luận tại QH để quyết định là nên lấy phiếu tín nhiệm những trường hợp nào.

* PV:
Tức là không nên lấy tín nhiệm tất cả các chức danh do QH bầu và phê chuẩn?

* Ông DƯƠNG TRUNG QUỐC:
Việc lấy phiếu tín nhiệm cũng phải đặt vấn đề cả 2 chiều, mặt hạn chế và tích cực của đối tượng được lấy tín nhiệm. Cần thận trọng từng bước, nâng dần từng bước, ban đầu chỉ nên mang tính chất cá biệt, dân đồng tình rồi mới phổ biến, mọi người cũng phải được làm quen với việc này, bởi hiểu được công việc của các thành viên Chính phủ, của những người do mình bầu ra cũng không đơn giản.

Ví dụ vấn đề kiềm chế tai nạn giao thông, đâu phải việc của mình Bộ trưởng Bộ GTVT mà còn là trách nhiệm của Bộ Xây dựng về xây nhà mật độ cao, ngành công an buông lỏng kiểm soát, người dân chưa có ý thức chấp hành pháp luật… Chúng ta lựa chọn được một người để bầu đã khó, phế truất dễ quá cũng không được. Ngoài ra còn phải chia sẻ khó khăn của họ. Vì vậy, tôi vẫn cho rằng, cần làm thận trọng từng bước một. Không nên lấy tín nhiệm tất cả. Còn nếu lấy phiếu tín nhiệm tiến hành với tất cả các chức danh do QH bầu, chỉ nên coi đó là nắm bắt tín nhiệm của cán bộ, là cảnh báo để lãnh đạo cố gắng, không nên phổ biến công khai. Vì mục tiêu cuối cùng là giúp họ tốt lên chứ không phải là “chặt chém”.

* Nếu lấy phiếu tín nhiệm mà không công khai thì ích gì?

* Phải làm từng bước. Chẳng hạn lần đầu tiên thông báo cho họ để năm sau họ cố gắng và có thời gian để họ giải trình những vấn đề của mình. Thực tế, các ĐBQH, và ngay cả cá nhân tôi cũng vậy, đôi khi rất cảm tính, đó là chưa kể các mối quan hệ xã hội, nể nang cũng có, thù vặt cũng có nên chắc gì lá phiếu đã chính xác 100%. Mà ở đây lá phiếu đó liên quan đến sinh mệnh của không chỉ một cá nhân mà của cả một bộ máy. Thay đổi một bộ máy không dễ. Vì vậy, bỏ phiếu tín nhiệm, theo tôi phải có quy trình. Tôi cũng chưa thấy trên thế giới có nước nào lấy phiếu tín nhiệm mà làm theo lối đại trà như chúng ta định làm. Lấy phiếu tín nhiệm vì vậy phải thận trọng, có sự lựa chọn. Không nên từ một cực đoan này sang một cực đoan khác.

* Nếu một trường hợp chỉ đạt 10% tín nhiệm thì sao?

* Đương nhiên phải thôi nhiệm vụ ngay, không chờ hết nhiệm kỳ. Vì vậy, cần phải đưa ra một định lượng về tín nhiệm. Phải có sự định lượng cao, phải thăm dò ý kiến mọi người một cách khoa học. Tỷ lệ nào là tín nhiệm, tỷ lệ nào là bất tín nhiệm phải có con số chính xác, muốn thế phải thảo luận kỹ, phải tham khảo kinh nghiệm các nước, chứ không thể nghĩ ra là làm luôn. 

PHAN THẢO thực hiện

Tin cùng chuyên mục