Việc Thông tư 57 (Bộ Giáo dục - Đào tạo ban hành tháng 12-2011) nghiêm cấm các trường ĐH tuyển sinh học viên bậc trung cấp chuyên nghiệp (TCCN) đã mở ra rất nhiều hy vọng và niềm vui cho các trường TCCN. Ngay sau khi đón nhận thông tin trên, nhiều trường đã xây dựng kế hoạch tuyển sinh, quy mô đào tạo cũng như cấp tập đầu tư cơ sở vật chất, đội ngũ để có thể đáp ứng quy mô tuyển sinh, đào tạo mới khi “miếng bánh” tuyển sinh TCCN đã được trả lại cho các trường.
- Sự thay đổi khó hiểu
Tuy nhiên, niềm vui “ngắn chẳng tày gang” ấy của các trường TCCN ngay lập tức bị Bộ GD-ĐT dội một gáo nước lạnh khi ngày 12-6 vừa qua, bộ đã chính thức ban hành thông tư sửa đổi điều 6 của Thông tư 57 cho phép các trường ĐH được tuyển sinh hệ TCCN với chỉ tiêu giảm 20% chỉ tiêu mỗi năm, tiến đến bỏ hẳn việc tuyển sinh hệ TCCN vào năm 2017.
Thông tin trên thật sự khiến không ít trường TCCN thấy thất vọng và cảm thấy không phục với cách hành xử không giống ai của Bộ GD-ĐT. Thầy S., hiệu trưởng một trường TCCN ở quận 12, TPHCM bức xúc: tôi chẳng hiểu họ nghĩ gì khi ban hành Thông tư 57 sửa đổi, cho phép các trường ĐH tiếp tục được tuyển sinh bậc học TCCN. Bởi trong Luật GDĐH vừa được Quốc hội thông qua quy định rất rõ, chức năng và nhiệm vụ của các trường ĐH là đào tạo theo hướng nghiên cứu, các trường ĐH được đào tạo từ bậc CĐ cho đến ĐH, nhưng không hề đề cập đến việc tuyển sinh và đào tạo bậc TCCN.
Do đó, việc ban hành Thông tư 57 sửa đổi cho phép các trường ĐH tiếp tục tuyển sinh hệ TCCN của Bộ GD-ĐT chẳng khác nào “cái tát” vào mặt các đại biểu Quốc hội. Tôi thật sự không phục cách làm trên của Bộ GD-ĐT, bởi nó không chỉ làm khó các trường TCCN trong công tác tuyển sinh, mà còn khiến những cố gắng, hy vọng về sự vực dậy bậc học TCCN của các trường TCCN tan như bong bóng xà phòng.
Nhiều năm nay, việc tuyển sinh đối với các trường TCCN luôn gặp khó khi các trường ĐH lấn sân quá mạnh. Bởi trong thực tế, dù các trường TCCN có đầu tư mạnh mẽ thế nào về đội ngũ, cơ sở vật chất thì tâm lý học sinh chọn học bậc TCCN tại các trường ĐH vẫn là điều không thể phủ nhận. Chưa có một số liệu tổng hợp chính thức về tổng chỉ tiêu TCCN hiện nay của các trường ĐH-CĐ trên cả nước. Nhưng nhìn sơ qua chỉ tiêu đào tạo hệ TCCN tại một số trường ĐH lớn tại TPHCM năm 2012 cũng có thể thấy, “miếng bánh” tuyển sinh dành cho các trường TCCN quá nhỏ bé. Trường ít thì “hốt” tuyển sinh 1-2 ngàn chỉ tiêu TCCN/năm (ĐH Công nghiệp thực phẩm, ĐH Điện lực, ĐH Tôn Đức Thắng), trường nhiều thì 4-5 ngàn chỉ tiêu/năm (Trường ĐH SPKT TPHCM, ĐH Công nghiệp, ĐH Nguyễn Tất Thành)…
Và tất cả đều có lý do chính đáng khi trường nào cũng cho rằng: Cơ sở vật chất và đội ngũ giáo viên bậc TCCN của trường quá lớn, không thể bỏ ngay việc ngừng tuyển sinh hệ TCCN được. Vì ngoài sự lãng phí, học sinh cũng sẽ hẫng hụt khi không tìm được chỗ học đúng nguyện vọng. Tuy vậy, chẳng ai thẳng thắn nhìn nhận một điều: Việc khư khư ôm chặt “miếng bánh TCCN” là để tăng nguồn thu, bù đắp chỉ tiêu cho hệ ĐH, CĐ và tạo nguồn tuyển sinh ổn định cho các năm học tới bởi chính sách liên thông.
- Các trường TCCN hoang mang
Mùa tuyển sinh ĐH-CĐ, TCCN năm học 2012 đã chính thức bắt đầu, Thông tư 57 sửa đổi thật sự mang lại nhiều lo lắng và sự hoang mang cho các trường TCCN. Họ không chỉ tiếp tục đối mặt với bài toán nan giải, tuyển sinh không đủ chỉ tiêu, mà còn đối diện với nguy cơ “xóa sổ trường”… bởi những khó khăn về kinh tế và níu giữ nguồn giáo viên khi không tuyển được học sinh. Tuy nhiên, điều đáng bàn nhất từ Thông tư 57 sửa đổi mà Bộ GD-ĐT vừa ban hành không chỉ là những hệ lụy không hay nó có thể mang lại, mà chính cách làm việc, chỉ đạo đầy bất cập của Bộ GD-ĐT sẽ khiến công tác tuyển sinh của các trường TCCN năm học 2012 trở nên mong manh và đầy bất ổn. “Làm sao có thể yên ổn khi các trường TCCN lại phải tiếp tục tìm những hướng đi, thậm chí là giải pháp tiêu cực để cạnh tranh với các trường ĐH. Làm sao yên ổn khi các trường ĐH cũng đang ráo riết “chạy đua” tranh giành với nhau từng xuất chỉ tiêu?
Và trong thực tế, không ít trường TCCN vì không thể tồn tại đã trở thành “sân sau” của các trường ĐH giàu tiềm lực, mạnh chỉ tiêu ( Bộ cho), khi phải chấp nhận ‘bán” chỉ tiêu và tên trường cho các trường ĐH. Và như thế, sự bất cập trong cơ cấu tuyển sinh và đào tạo nguồn nhân lực theo định hướng của Thủ tướng Chính phủ (phân bổ và cơ cấu ngành nghề đồng đều cho xã hội) vào năm 2020 chắc chắn sẽ tiếp tục là điều xã hội, nền kinh tế phải chấp nhận” - hiệu trưởng một trường TCCN chia sẻ.
Nguyên nhân nằm ở đâu? Vì sao chúng ta mãi loay hoay không thể tháo gỡ vấn đề trên (cứu các trường TCCN, phân bổ lại cơ cấu nguồn nhân lực)… chắc mọi người cũng có thể hiểu. Đó chính là do cách làm việc kiểu “trống đánh xuôi, kèn thổi ngược” mà Bộ GD-ĐT đang áp dụng.
ĐỖ LY