Vẹn nguyên lời thề

Vẹn nguyên lời thề

95 gương điển hình “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” của Đảng bộ Khối Dân - Chính - Đảng TPHCM vừa có chuyến hành trình “Về nguồn - Côn Đảo anh hùng”. Chuyến đi 3 ngày đã khép lại, song như khẳng định của đồng chí trưởng đoàn Nguyễn Văn Rảnh, Bí thư Đảng ủy Khối Dân - Chính - Đảng TP: “Đây là hành trình đầy ý nghĩa. Về thăm Côn Đảo, những người con ưu tú của TPHCM như thấy chân thêm cứng, tinh thần thêm vững vàng để vượt qua những khó khăn thử thách, tiếp tục học tập, cống hiến, xây dựng TP và đất nước”.

Côn Đảo anh hùng

Đoàn chúng tôi háo hức theo chân chị hướng dẫn viên bắt đầu cuộc hành trình quay lại với lịch sử tại Nhà trưng bày di tích lịch sử nhà tù Côn Đảo. Những bức ảnh, hiện vật được trưng bày đã tái hiện lại một phần sự áp bức, tra tấn dã man mà các chiến sĩ cộng sản nhà tù Côn Đảo phải chịu đựng. Mọi người như lặng lại trước bức ảnh chụp từ trên cao của chuồng cọp Pháp, bên dưới một nữ chiến sĩ cách mạng có khuôn mặt còn rất trẻ, giơ cao tay thể hiện quyết tâm, ánh mắt hờn căm.

Phần mộ chị Võ Thị Sáu tại Nghĩa trang Hàng Dương luôn được nhiều du khách và người dân địa phương hương khói mỗi ngày.

Phần mộ chị Võ Thị Sáu tại Nghĩa trang Hàng Dương luôn được nhiều du khách và người dân địa phương hương khói mỗi ngày.

Giọng chị hướng dẫn viên như nhấn mạnh: “Đến Côn Đảo mà chưa ghé thăm hệ thống nhà tù coi như chưa tới đây”. Trong từng khu trại giam, từng dãy phòng giam, thời gian dường như ngưng đọng với vẻ tăm tối, ngột ngạt, vết máu còn đậm trên bốn bức tường; cùm sắt, dây kẽm gai, xà lim đá, hầm xay lúa, hầm phân bò… - nơi bọn thực dân đế quốc dùng để tra tấn tinh thần và thể xác người tù.

Chị Đặng Thùy Khánh Vân (Chánh Văn phòng Đảng ủy Khối Dân - Chính - Đảng TP) bày tỏ: “Tận mắt chứng kiến những gì các cô chú, anh chị đã trải qua; hiểu thêm về cuộc sống, chiến đấu bằng tinh thần thép của mọi người đối với kẻ thù, điều mà trước đây chỉ được biết qua sách báo, tuổi trẻ chúng tôi càng tự hào và vững vàng hơn. Những khó khăn chúng tôi gặp trong cuộc sống hiện tại không thể so được với những mất mát hy sinh ấy. Chúng tôi hiểu và càng tự nhủ phải nỗ lực hơn nữa để tiếp bước, vững vàng trước những khó khăn trong cuộc sống”.

Nghĩa trang Hàng Dương, nơi yên nghỉ của gần 2.000 chiến sĩ tù Côn Đảo (trong đó hơn một nửa vẫn còn khuyết danh) chợt ấm áp hơn khi đón những người con của TPHCM về thăm. Những ngọn nến lung linh, những nén hương thơm được các thành viên trong đoàn nhẹ nhàng đặt lên từng ngôi mộ. Nơi đây có mộ đồng chí Nguyễn An Ninh, đồng chí Lê Hồng Phong…

Hàng ngàn ngôi mộ vô danh và những ngôi mộ tập thể như những hình ảnh níu giữ ký ức hào hùng. Chúng tôi dừng chân lâu nhất là nơi an nghỉ của chị Võ Thị Sáu. Không ai bảo ai, cả đoàn thành kính thắp hương, cúi đầu chào rồi cùng cất lời hát “Mùa hoa lêkima nở…” kính tặng chị. Ngắm nhìn hình ảnh chị được tạc trên một phiến đá trắng tròn như vành trăng rằm, ánh mắt chị trìu mến, mái tóc ngắn buông xõa toát lên nghị lực trên khuôn mặt. Chị Sáu tham gia cách mạng từ năm 14 tuổi, trở thành nữ chiến sĩ trinh sát nổi tiếng gan dạ của đội công an xung phong Đất Đỏ (Bà Rịa - Vũng Tàu).

Ngày 23-11-1952, thực dân Pháp đưa chị ra Côn Đảo xử bắn. Chị Sáu ra đi ở tuổi mười chín đôi mươi, cái tuổi đẹp nhất của đời người. Lặng người bên mộ chị Sáu cùng những món rất con gái mà đoàn gửi tặng chị như gương, lược… chị Huỳnh Thị Bé Tư (cán bộ Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TPHCM) tâm sự: “Trước đây, hễ gặp khó khăn tôi thường khóc nhưng ra đây mới thấy rằng khó khăn mình gặp không là gì cả. Tôi tự hứa sẽ luôn vững vàng, lạc quan hơn”.

Ở một góc nghĩa trang Hàng Dương, nơi yên nghỉ của những ngôi mộ tập thể, mộ vô danh, ông Phạm Văn Bảy, người lớn tuổi nhất trong đoàn (83 tuổi) lặng người, xúc động: “Ở cái tuổi này, tôi mới có dịp được ra thăm Côn Đảo, chứng kiến những giai thoại đã đi vào lịch sử, tôi thấy thoải mái và mãn nguyện. Ước mong còn lại trong cuộc đời tôi là được về thăm Nghĩa trang Liệt sĩ Trường Sơn”.

Quê hương thứ hai

Chuyến hành trình “Về nguồn - Côn Đảo anh hùng” càng thêm ý nghĩa khi chúng tôi được gặp và trò chuyện cùng một số cựu tù Côn Đảo tại đêm giao lưu “Nghĩa tình Côn Đảo”. Họ là những người đã tình nguyện ở lại xây dựng Côn Đảo sau ngày giải phóng, chọn mảnh đất chỉ có sóng biển, nhà tù, trại lính, nghĩa địa và bao khó khăn chồng chất này làm quê hương thứ hai của mình.

Năm 1970, từ trại giam Chí Hòa, Phan Hoàng Oanh bị đày ra Côn Đảo vì đấu tranh đòi dân sinh, đòi làm lễ kỷ niệm sinh nhật Bác trong khám. 5 năm bị giam giữ tại chuồng cọp, ông đã nếm trải mọi nhục hình như chích điện, đổ nước xà bông vào miệng, treo thúc ké, đi tàu bay ngược trên trần nhà, lao động khổ sai, bị bỏ đói... Nhắc lại thời khắc thiêng liêng năm 1975, ông Oanh bồi hồi: “Tin đất nước hoàn toàn giải phóng đến với Côn Đảo như một giấc mơ.

Nhiều resort mọc lên ở Côn Đảo thu hút đông khách du lịch tham quan, nghỉ dưỡng.

Nhiều resort mọc lên ở Côn Đảo thu hút đông khách du lịch tham quan, nghỉ dưỡng.

Giây phút đó, tôi nghĩ tới cha mẹ già, người vợ mới cưới năm tháng trước khi bị bắt ở quê nhà và hồi hộp với hạnh phúc sum họp gia đình. Tuy nhiên, lời thề năm nào với đồng đội: “Người còn sống chăm sóc cho người đã chết” văng vẳng bên tai như níu chân tôi”. Và trong những chuyến tàu đón những cựu tù Côn Đảo về đất liền đã không có cái tên Phan Hoàng Oanh, chỉ có những kỷ vật được ông gửi về làm tin cho gia đình. “Ở lại Côn Đảo được một năm, tôi về thăm quê và thuyết phục vợ con ra xây dựng Côn Đảo đền ơn Đảng. Đảng đã cứu sống tôi từ cái chết nghĩa là đã sinh ra tôi lần thứ hai”, ông chia sẻ.

Là con cả trong một gia đình ở miền Trung (tỉnh Quảng Nam), trách nhiệm chăm lo hương khói cho tổ tiên, chăm sóc cha mẹ già cũng khiến ông Nguyễn Xuân Viên phải nặng lòng. Do vậy, quyết định rời quê ra đảo sinh sống của ông thật không dễ dàng. “Với tâm nguyện được ngày ngày thắp hương sưởi ấm những ngôi mộ vô danh như nghĩa cử đền ơn với đồng đội, tôi đã gửi gắm cha mẹ già và việc hương khói tổ tiên cho người em kế rồi dắt vợ con ra đảo cho đến giờ”, ông Viên kể. Trải qua những khó khăn với Côn Đảo hoang sơ ngày nào, tâm nguyện với đồng đội được thực hiện, các con cũng khôn lớn, thành đạt, niềm vui trong ông ngày một lớn thêm.

Trong số 6 cựu tù ở lại Côn Đảo còn sống đến bây giờ, duy nhất một người là nữ. Đó là bà Nguyễn Thi Ni (Tư Ni). Năm 1971, bà Tư Ni bị bắt tại Gò Công (Tiền Giang) rồi bị đày ra Côn Đảo. May mắn hơn những đồng đội khác, năm 1974, Tư Ni được trao trả về đất liền theo Hiệp định Paris. Vậy nhưng, ít năm sau ngày giải phóng, trong một chuyến về thăm Côn Đảo, bà Tư Ni quyết định chọn Côn Đảo làm quê hương thứ hai của mình. Bà tâm sự: “Lúc đó tui nghĩ, mình ra Côn Đảo sống, hàng ngày thăm viếng, thắp hương cho đồng đội đã hy sinh là một lẽ, rồi thế nào cũng gặp các đồng chí còn sống ra đây viếng mộ người đã khuất là lẽ nữa. Vậy là tui không chần chừ, đón tàu ra đảo xa…”.

Côn Đảo đang chuyển mình từng ngày, hiện nay là một trong những khu du lịch quốc gia hấp dẫn, internet có thể vào đến từng nhà dân, mỗi ngày đều có chuyến bay đưa khách từ TPHCM ra thăm Côn Đảo... Bao nhiêu du khách đến rồi rời Côn Đảo đều quyến luyến với Côn Đảo anh hùng. Từ cầu tàu 914, Ma Thiên Lãnh đến trại Phú Hải, khu chuồng cọp như những chứng nhân của lịch sử oai hùng, thấm máu bao chiến sĩ yêu nước.

Những ngày cuối tháng 10, đến Côn Đảo, chúng tôi lại lặng người bên mảnh đất thiêng liêng và dạt dào nghĩa tình này…

THANH HỢP

Tin cùng chuyên mục