Trên thế giới, hố tử thần xuất hiện là do biến động địa chất, còn ở Việt Nam, “hố tử thần” xuất hiện ở những nơi lâu nay không bị tác động bởi thiên nhiên mà chỉ có nguyên nhân duy nhất, là tác động của con người.
Nguyên nhân thứ nhất: Tái lập mặt đường quá cẩu thả
Chúng ta có thể nhận thấy những “hố tử thần” liên tiếp xuất hiện gần đây đều trên các tuyến đường vừa trải qua thi công các công trình ngầm, điểm xuất hiện là nơi vừa được tái thiết mặt đường không lâu. Đường bị đào sâu xuống 2 - 3m, thậm chí 3 - 4m, có nghĩa là phần “móng” của đường đã bị tác động. Một khi “móng” bị tác động sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng của cả đoạn đường. Đã đào sâu 2 - 3m thì khi tái thiết mặt đường chúng ta phải có phương án trả nguyên hiện trạng ban đầu. Trước khi bị đào, đường là một khối kết dính vững chắc, chúng ta đào sâu xuống, phá vỡ khối kết dính ấy ra. Vậy để đường trở lại nguyên hiện trạng ban đầu, ta phải tạo một khối kết dính mới.
Hãy hình dung bạn san lấp nền nhà (thường chỉ có độ sâu 1m), bạn đổ đất cát, xà bần đầy nền nhà, nếu cứ để vậy và đầm xuống, sau đó lát gạch lên, chắc chắn không lâu sau toàn bộ nền nhà sẽ bị sụt xuống khoảng 5 - 10cm. Do đó bạn phải làm động tác bơm nước lên nền nhà. Mục đích của việc bơm nước là giúp cát chui và nêm chặt xuống những lỗ hổng bên dưới đồng thời tạo khối kết dính vững chắc cho nền nhà. Bước tiếp theo người ta mới dùng đầm để đầm lên, nén chặt khối kết dính này lại. Với việc tái thiết mặt đường, theo tôi chúng ta cũng phải làm các bước tương tự. Với các hố đào sâu tới 2 - 3m, việc tái thiết lập càng phải được thực hiện kỹ càng hơn.
Nhiều lần tôi được chứng kiến các đơn vị thi công tái lập mặt đường mà thấy lo lắng. Sau khi hoàn tất các công đoạn, đơn vị thi công cho xe tải đổ đất đá ồ ạt xuống hố, khi đất đá đầy tràn lên mặt đường thì cho máy tới đầm và lu. Tái lập kiểu này thì việc xuất hiện các “hố tử thần” là điều tất yếu, đúng với quy luật “móng yếu thì sập nhà”.
Nguyên nhân thứ hai: Ống nước bị rò rỉ
Các đơn vị thi công đào đường thường để lắp đặt các ống thoát nước nhưng việc lắp đặt cẩu thả, không đúng kỹ thuật, không kiểm tra kỹ lưỡng trước khi san lấp dẫn đến tình trạng đất đá ồ ạt đổ lấp lên nhưng phía dưới vẫn tồn tại các “con suối nhỏ”. “Nước chảy đá mòn”, nước làm đất cát sụt xuống là chuyện tất yếu. Đất nguyên thể (đất nguyên sinh) còn bị xói mòn sụt xuống huống chi là đất tái thiết mặt bằng (đất nhân tạo).
Biện pháp khắc phục
Theo tôi “bệnh nào thì thuốc đó”. Đã tìm thấy nguyên nhân ắt phải có biện pháp khắc phục. Muốn nước không bị rò ngầm sau khi tái thiết mặt bằng, khâu kiểm tra lần cuối trước khi san lấp là quan trọng nhất. Chúng ta phải kiểm tra xem ống nước sử dụng có đúng tiêu chuẩn, trước khi sử dụng phải kiểm tra xem ống nước có bị vết nứt hay lỗ thủng, các khớp nối có đảm bảo đúng kỹ thuật, an toàn…? Và cuối cùng là vận hành thử (cho nước chảy) xem có trục trặc gì không?
Sau khi chạy thử đường ống nước thấy không có vấn đề gì, lúc này mới đến giai đoạn san lấp. Giai đoạn này cũng phải làm cẩn thận không kém giai đoạn đầu. Bước đầu đổ đất cát xuống chúng ta phải cực kỳ thận trọng kẻo đất đá có thể làm nứt, vỡ hoặc rò rỉ ống nước mà không biết (nếu đó là dạng ống nhựa). Khi đất đá được định vị khoảng 50 - 70cm, ta bắt đầu nén đợt đầu tiên bằng cách bơm nước xuống cho cát chui vào và nêm chặt xung quanh ống nước. Sau khi đất cát sụt chúng ta tiếp tục đổ đất cát xuống thêm 30 - 40cm nữa, lúc này vẫn tiếp tục bơm nước để lèn chắc nhưng đồng thời dùng đầm nhẹ để nén thêm tạo kết dính.
Các bước tiếp theo làm tương tự tới khi nào đất cát san bằng mặt đường. Hoàn tất việc đổ đất, chúng ta bơm nước ngập các điểm san lấp, để 1 - 2 ngày cho đất cát tự sụt xuống theo quy luật sau đó đổ tiếp đất cát san bằng đường và bắt đầu cho máy đầm, xe lu lèn lên, sau đó mới tới bước rải nhựa. Làm tốt các bước này, tôi nghĩ “hố tử thần” không thể xuất hiện đại trà như gần đây. Muốn thực hiện tốt các khâu này, trách nhiệm của đơn vị kiểm tra giám sát là vô cùng quan trọng. Họ phải thường xuyên có mặt trong quá trình nhà thầu lắp đặt ống nước cũng như tái thiết mặt bằng chứ không phải kiểm tra theo kiểu “cỡi ngựa xem hoa”.
ANH TUẤN