Vì sao con cái nổi loạn?

DIỆU KHANH

Nghe cô cháu gái học lớp 8 tức tưởi khóc lóc kể tội mẹ mình không tôn trọng con cái, la mắng con trước mặt bạn bè, tôi cũng mủi lòng nhưng phải dỗ dành, an ủi để cháu không bị sốc. Cháu lỡ làm mất chiếc điện thoại do đi chơi rồi bỏ quên ở quán nước chẳng có gì to tát nhưng mẹ cháu lại làm lớn chuyện. Không chỉ phản ánh với giáo viên chủ nhiệm, chị ấy còn mắng mỏ con ở cổng trường, ngay trước mặt bạn bè khiến cháu chỉ muốn “chui xuống đất”.

Nhưng đây không phải lần đầu, cháu gái tuổi teen của tôi trút bầu tâm sự, phản ứng thái độ thiếu chia sẻ, thiếu lắng nghe, thiếu tâm lý của mẹ mình. Từ khi cháu bước vào bậc THCS và lớn phổng phao thành thiếu nữ, tôi không chỉ kết bạn, đồng hành với cô cháu gái dễ thương mà còn là nơi để cháu xả stress mỗi khi bị cha mẹ la mắng, hiểu sai những gì nó làm. Vốn là nữ sinh nhanh nhẹn, thông minh, thích tham gia các hoạt động xã hội nên cháu tâm sự với tôi rằng sau này sẽ theo học ngành đạo diễn sân khấu. Thế nhưng, mẹ cháu chỉ muốn cháu học thật nhiều để thi đậu vào các trường THPT thuộc tốp trên. Chị tôi định hướng nghề nghiệp cho con mình là sau này phải thi vào ngành y để làm bác sĩ, kiếm nhiều tiền. Mỗi lần nghe mẹ vẽ tương lai nghề nghiệp cho mình, cháu rất bức xúc và càng nuôi ý định phản kháng.

Vì có máu “nghệ sĩ” nên cháu nhiệt tình tham gia các phong trào văn nghệ, theo học các dự án. Thay vì cổ vũ sự năng động của con thì vợ chồng anh chị tôi lại  chỉ thích nhìn điểm số cao của con chứ không quan tâm giới trẻ thời nay phải phát triển toàn diện, theo năng lực cá thể, bổ sung các kỹ năng mềm... Dù đi họp phụ huynh, cháu được giáo viên chủ nhiệm khen năng nổ, nhiệt tình, học đều các môn học nhưng về nhà, nhìn học bạ con mình chưa phải đứng tốp đầu về điểm số, chị tôi lại chì chiết, so sánh cháu với con nhà khác. Dù nhiều lần tôi đã nhỏ to khuyên bảo chị mình hãy học cách hiểu con, đồng hành cùng với con ở tuổi dậy thì nhưng chị vẫn khư khư ôm quan niệm bảo thủ, thích áp đặt suy nghĩ của người lớn lên tuổi teen. Vì thế, cháu tôi thường tìm cách nói dối mẹ để được đi chơi hoặc tham gia những hoạt động ngoại khóa. Vì tin tôi - người mẹ thứ hai nên chuyện gì cháu cũng thổ lộ và nghe tôi phân tích phải trái để quyết định, lựa chọn hướng nào tốt nhất. Thế nhưng, điều tôi lo sợ là sẽ có ngày cháu nổi loạn hoặc “vượt rào” vì anh chị của tôi không chịu lắng nghe, học cách sẻ chia, tôn trọng suy nghĩ cũng như đồng hành cùng con cái tuổi mới lớn.

DIỆU KHANH

Tin cùng chuyên mục