Vì sao khó ngăn nạn quán xá gây ồn?

Báo SGGP ngày 16-1 có đăng bài Khốn khổ vì… được nghe hát, phản ánh tình trạng quán cà phê nhạc, quán nhậu hay điểm kinh doanh dịch vụ hát với nhau thường sử dụng âm thanh rất lớn, gây mất trật tự và sự bình yên ở khu dân cư. Đây đúng là một thực tế cần phải mạnh tay chấn chỉnh, vì đang diễn ra ngày càng tràn lan ở TPHCM.

Kinh doanh loại hình nào cũng phải có giờ giấc chứ không thể thâu đêm suốt sáng gây ồn ào, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe người dân. Lâu nay, các địa phương đều quy định sau 22 giờ, các quán có sử dụng âm thanh phải giảm âm lượng. Tuy nhiên, ít có quán nào tuân thủ quy định này. Do vậy, về khuya, các âm thanh ồn ào, náo nhiệt vẫn “tra tấn” các cư dân lân cận. Chắc chắn chính quyền địa phương cũng biết nỗi khổ của cư dân sống ở những khu vực đó. Nhưng lâu nay, việc xử lý không hề đơn giản.

Bởi lẽ, khi tổ chức kiểm tra hay đi thực tế đột xuất, cán bộ địa phương cũng thấy sự gây ồn quá đáng. Nhưng tiếng ồn được ghi nhận cụ thể là đến mức nào sẽ lập biên bản xử lý thì địa phương không có phương tiện để đo. Việc đo tiếng ồn phải có máy móc chuyên dùng. Và loại máy đó không trang bị cho chính quyền địa phương, nơi đang hàng ngày hàng giờ phải tiếp nhận các cuộc điện thoại bức xúc của người dân về nạn quán xá gây ồn.

Do vậy mà các biên bản kiểm tra đều chỉ dừng lại ở các nội dung sai phạm khá phổ biến của các quán là lao động không có hợp đồng, nhân viên có hợp đồng nhưng chưa khám sức khỏe, kinh doanh rượu ngoại hay chất cấm nhập khẩu (thuốc hút shisa)…

Thật ra, tiếng ồn của các quán không phải là vi phạm về tệ nạn xã hội, mà là vi phạm về an ninh trật tự. Lẽ ra, việc tiếp nhận và giải quyết vụ việc phải được chuyển cho công an phường, nhưng lâu nay, các phó chủ tịch UBND phụ trách văn hóa xã hội của các phường thường tiếp nhận giải quyết các vụ việc quán xá gây ồn và yêu cầu hỗ trợ của các cơ quan chức năng cấp trên.

Với các vụ việc người dân khiếu nại quán xá gây ồn ào ảnh hưởng đến đời sống của cư dân, phần lớn lãnh đạo chính quyền phường đều kiên quyết. Tuy nhiên, như trên đã đề cập, họ chỉ có thể lập biên bản với các vi phạm thông thường, chứ không thể nào đề nghị đình chỉ hoạt động hay rút giấy phép kinh doanh. Trong khi việc cấp phép thành lập doanh nghiệp, cấp phép kinh doanh do UBND quận cấp.

Trước đây, các việc này đều được kiểm tra gắt gao. Nhưng nay, các thủ tục cấp phép hoạt động khá đơn giản. Lẽ ra, trước khi cấp phép, cần thẩm định và yêu cầu chủ doanh nghiệp làm cam kết. Sau khi doanh nghiệp đi vào hoạt động, cần hậu kiểm để thẩm định mức độ âm thanh cũng như mức độ cách âm cụ thể.

HOÀNG PHƯƠNG (quận 3, TPHCM)

Tin cùng chuyên mục