Theo đó, đối với vấn đề làm rõ quy trình, thủ tục để cấp phép thực hiện Dự án Nhà máy Bột- giấy VNT19, nhất là việc thu hồi 50ha rừng dừa nước để thực hiện dự án này, phía Sở Tài nguyên và Môi trường giải đáp, dự án Nhà máy Bột –Giấy VNT 19 do Công ty CP Bột –Giấy VNT 19 làm chủ dự án được Bộ Tài nguyên và Môi trường phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường số 2270/QĐ-BTNMT ngày 7-9-2015.
Việc thu hồi 50ha rừng dừa nước nhằm mục đích thực hiện đối với dự án Cải tao, nâng cấp kênh chính Bắc, kênh B7, hệ thống kênh thủy lợi Thạch Nham, dự án này được UBND tỉnh Quảng Ngãi phê duyệt quyết định chủ trương đầu tư, xây dựng hồ chứa nước Thái Cân với dung tích 1,5 triệu m3 và 1 hồ sơ lắng với dung tích 50.000m3 để cung cấp nước thô cho Nhà máy Bột-Giấy VNT19, các nhà máy công nghiệp và cấp nước phục vụ nông nghiệp, kết hợp cải thiện môi trường tại Khu kinh tế Dung Quất.
Trong quá trình thực hiện báo cáo đánh giá tác động môi trường, chủ dự án đã tiến hành tham vấn ý kiến cộng đồng.
Theo quan điểm của Sở Tài nguyên và Môi trường về việc xóa bỏ 50ha rừng dừa nước thì dự án cải tạo hồ Thái Cân làm mất đi diện tích dừa nước, UBND tỉnh đã thống nhất cho Công ty CP Môi trường nước Quảng Ngãi (chủ đầu tư dự án) thực hiện bằng hình thức nộp tiền vì không tìm được vị trí trồng rừng thay thế. Đồng thời, UBND tỉnh giao Sở NN&PTNT, UBND huyện Bình Sơn rà soát đất trống trồng rừng ngập mặn trên địa bàn thay thế diện tích phục vụ dự án.
Về phía Huyện ủy Bình Sơn: "Đối với diện tích 50ha dừa nước mà chủ dự án dự kiến chặt bỏ, theo xác định của địa phương, diện tích dừa nước do nhân dân quản lý, sử dụng là 40ha, còn 10ha là do các chủ hộ sở hữu đi làm ăn xa nên UBND xã Bình Phước quản lý và cho nhân dân thuê để khai thác, sử dụng. Số dừa nước này không phải là rừng tự nhiên mà được nhân dân địa phương trồng. Qua các lần chỉ đạo liên quan đến dự án này, quan điểm xuyên suốt của UBND huyện Bình Sơn đối với nội dung chặt bỏ 50ha dừa nước là kiến nghị phương án thiết kế và xây dựng hồ chứa nước không chiếm dụng dừa nước, nếu phương án này không khả thi thì phải có phương án trồng bù lại diện tích 50ha dừa nước bị chặt bỏ, đảm bảo sinh trưởng tốt, cân bằng sinh thái, có tác dụng điều hòa không khí cho khu đông huyện Bình Sơn và đảm bảo điều kiện cho bà con nhân dân trog vùng khai thác nguồn lợi từ rừng dừa nước".
Liên quan đến việc Dự án Nhà máy Bột giấy VNT19 xả thải ra biển, BQL Khu kinh tế Dung Quất và các khu công nghiệp Quảng Ngãi báo cáo, theo đánh giá tác động môi trường đã được phê quyệt, nước thải sau khi xử lý của Nhà máy phải đạt quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về nước thải Công nghiệp giấy và bột giấy, và thải ra nguồn nhận là Vịnh Việt Thanh, điểm xả thải cách bờ biển khoảng 500-1.500m.
Việc xả thải ra môi trường nếu không có sự quản lý, giám sát sẽ có những tác động không tốt tới môi trường. Vì vậy, BQL đã đặt 2 vấn đề, việc xả thải ra vịnh Việt Thanh, chủ dự án sẽ lắp đặt ống xả thải ngầm dưới mặt nước như vậy có đúng quy định hiện hành của pháp luật Việt Nam không; thứ hai, vấn đề chính quyền và nhân dân địa phương quan tâm là việc kiểm soát chất lượng nước thải xử lý của dự án, UBND tỉnh cũng đặt vấn đề với chủ đầu tư “Để có cơ sở đối chứng, trong quá trình thiết kế, xây dựng nhà máy, đề nghị chủ đầu tư xây dựng 1 hồ nuôi cá bằng nước thải của nhà máy trước khi thải ra biển nhằm kiểm nghiệm tiêu chuẩn của nước thải khi thải ra môi trường”.
Tuy nhiên, trong Báo cáo đánh giá tác động Dư án, Bộ Tài Nguyên và Môi trường phê duyệt không đề cập đến vấn đề này. Đến nay, Bộ vẫn chưa có ý kiến trả lời cho tỉnh Quảng Ngãi.