Trong mấy ngày nay, đường dây nóng Báo SGGP liên tục nhận được phản ánh của bạn đọc về việc Trường Đại học Y Dược TPHCM gửi thư thông báo ngưng nhận thi hài của những người đã làm thủ tục đăng ký hiến tặng từ nhiều năm nay.
Bà Lã Thị Nẩy (65 tuổi) và ông Vương Khánh Hòa (72 tuổi, ngụ quận 5, TPHCM) phản ánh: “Biết tin các trường đại học y kêu gọi người dân hiến thi hài để phục vụ cho công tác giảng dạy và nghiên cứu, nên vợ chồng tôi đã đăng ký hiến tặng với mong muốn góp phần vào sự phát triển của nền y học Việt Nam. Sau một thời gian dài thuyết phục con cháu và người thân, tháng 4-2007 chúng tôi tới Trường Đại học Y Dược TPHCM đăng ký và được cấp giấy chứng nhận. Thế nhưng, ngày 26-12-2015, chúng tôi nhận được một lá thư của trường này, thông báo ngưng nhận thi hài hiến tặng vì khả năng tiếp nhận và bảo quản của nhà trường có giới hạn. Tôi gọi điện lên trường bằng các số điện thoại trên bì thư để hỏi rõ sự việc thì không thấy người bắt máy. Chúng tôi thực sự buồn và thất vọng, bởi đây là điều tâm nguyện và đã đăng ký gần 9 năm nay, bỗng dưng bị từ chối”. Tương tự, ông Nguyễn Văn Hải (ngụ quận 10) cũng tỏ ra thất vọng với thông báo của Trường Đại học Y Dược TPHCM khi ông cũng đã làm thủ tục đăng ký hiến tặng thi hài gần 10 năm nay.
Để giải đáp thắc mắc của bạn đọc, PV Báo SGGP đã gặp bác sĩ Nguyễn Hoàng Vũ, Phó Trưởng bộ môn Giải phẫu, Trường Đại học Y Dược TPHCM. Bác sĩ Vũ thay mặt nhà trường gửi lời tri ân và xin lỗi tới những người đã tình nguyện đăng ký hiến thi hài tại trường và cho biết thư gửi tới những người tình nguyện hiến tặng là để mong mọi người thông cảm, chia sẻ với những khó khăn mà nhà trường đang gặp phải. Năm 1990, do nhu cầu học và nghiên cứu trên thi hài thật quá cần thiết nhưng không có nguồn, Trường Đại học Y Dược TPHCM đưa ra giải pháp kêu gọi người dân hiến tặng thi hài. Thật bất ngờ khi lượng người đăng ký hiến tặng ngày càng đông.
Đến nay, riêng Trường Đại học Y Dược TPHCM đã nhận được 26.000 bộ hồ sơ đăng ký và hầu như ngày nào cũng có thêm người đến đăng ký. Thực tế mấy năm gần đây, trường tiếp nhận khoảng 50 - 70 thi hài/năm, khả năng của nhà trường chỉ có thể cùng lúc bảo quản được 212 thi hài. Mỗi thi hài được đem ra giảng dạy và nghiên cứu trong vòng 2 năm, dù mỗi năm trường có tổ chức lễ hỏa táng khoảng 40 thi hài, nhưng vẫn không thể tiếp nhận thêm được nhiều. Với thi hài của người hiến tặng, trường phải đảm bảo bảo quản trong môi trường tốt nhất, vì vậy nếu cơ sở vật chất không đáp ứng được mà vẫn tiếp tục nhận thì sẽ gây ra nhiều hệ lụy. Do đó, nhà trường gửi thư tới những người tình nguyện để thông báo rằng trường sẽ tạm ngưng tiếp nhận thi hài hiến tặng khi không còn khả năng dự trữ và sẽ thông báo tiếp nhận thi hài trở lại khi có thể. Thực tế, hầu hết các trường y trên cả nước đều có nhu cầu học tập và nghiên cứu trên thi hài thật, nhưng nguồn hiến tặng lại rất ít, do đó Trường Đại học Y Dược sẽ liên kết với các trường y khác để chuyển thi hài tới nơi cần (trong trường hợp gia đình đồng ý). Ngoài ra, trong mẫu đăng ký hiến tặng mới, trường cũng bổ sung mục luân chuyển thi hài tới trường có nhu cầu để người hiến tặng lựa chọn.
THU HƯỜNG