Vỉa hè bị chiếm dụng - Bài 1: Bài toán nan giải

Ban An toàn giao thông TPHCM nhận định: “Qua khảo sát vỉa hè ở 159 tuyến đường mà các quận - huyện đã ký cam kết với TP về việc lập lại trật tự, cho thấy trong năm 2012 đã có nhiều chuyển biến tích cực; tuy nhiên năm 2013, tình hình bắt đầu có dấu hiệu phức tạp trở lại”. Đó là một thực trạng mà nhiều bạn đọc tại TPHCM đang rất bức xúc.
Vỉa hè bị chiếm dụng - Bài 1: Bài toán nan giải

Ban An toàn giao thông TPHCM nhận định: “Qua khảo sát vỉa hè ở 159 tuyến đường mà các quận - huyện đã ký cam kết với TP về việc lập lại trật tự, cho thấy trong năm 2012 đã có nhiều chuyển biến tích cực; tuy nhiên năm 2013, tình hình bắt đầu có dấu hiệu phức tạp trở lại”. Đó là một thực trạng mà nhiều bạn đọc tại TPHCM đang rất bức xúc.

        Vỉa hè nào cũng bị chiếm dụng

“Đợi xe buýt mà căng thẳng như đánh cược với mạng sống, vỉa hè bị chiếm dụng nên tôi đành xuống lòng đường đứng đón xe buýt”, chị Mạc Đinh Xuyến đứng đợi xe buýt ở trạm trước cửa số nhà 26 Nguyễn Thị Nghĩa (quận 1) than phiền. Thật vậy, đường Nguyễn Thị Nghĩa tuy có vỉa hè rất rộng nhưng đều bị chiếm dụng làm nơi kê bàn ghế của các quán ăn và đậu xe máy. Vỉa hè không còn chỗ trống nên người đi xe buýt phải xuống lòng đường đợi xe và tất nhiên xe buýt cũng đành đậu giữa đường để đón và trả khách.

Theo thống kê, hiện có 1.437 điểm có sử dụng vỉa hè hoặc một phần vỉa hè để kinh doanh, thế nhưng chưa ai được nhắc nhở phải đảm bảo thực thi đúng tinh thần Nghị định 100/2013/NĐ-CP.

Tương tự, bên hông Bệnh viện Phụ sản Từ Dũ (đường Nguyễn Thị Minh Khai, quận 1), trước đây vỉa hè rộng thênh thang bị sử dụng làm nơi đậu ô tô. Từ ngày TP xóa điểm đậu ô tô này, vỉa hè cũng không được trả cho khách bộ hành, mà thay vào đó cả trăm mét vỉa hè nơi đây bị trưng dụng làm bãi giữ xe gắn máy. Xe máy xếp thành 5 - 6 hàng, từ sáng đến tối. Nhà chờ xe buýt cũng bị chèn ép bởi hàng rào của bãi giữ xe và người đi xe buýt cũng đành phải đứng đón xe dưới lòng đường. Giờ cao điểm sáng và chiều, ở đoạn đường này luôn chen chúc người và xe chờ vào bãi gửi xe, nhiều người đứng chờ xe buýt, lại thêm nhiều ô tô đậu dưới lòng đường, khiến giao thông đoạn đường này vô cùng phức tạp.

Tình trạng phổ biến ở hầu hết tuyến đường là hộ kinh doanh mặt tiền lấn chiếm vỉa hè để buôn bán, dựng xe, thậm chí chiếm vỉa hè và cả lòng đường để làm bãi sửa chữa ô tô như đường Nguyễn Công Trứ (quận 1), Lý Thái Tổ (quận 3 và quận 10), đường An Dương Vương (quận 5). Tệ hại hơn, buổi tối, nhiều con phố trở thành chợ đêm tự phát. Một người dân quận 5 cho biết: “Đường Nguyễn Chí Thanh, đoạn trước Bệnh viện Chợ Rẫy, là tuyến đường điểm của TP, nhưng cứ 10 giờ đêm là xe đẩy, xe bán cơm, bánh mì, hàng ăn… tràn xuống lòng đường buôn bán thành khu chợ đêm tự phát”.

Bãi xe chiếm hết vỉa hè trên đường Nguyễn Công Trứ (phường Cầu Ông Lãnh, quận 1).

Bãi xe chiếm hết vỉa hè trên đường Nguyễn Công Trứ (phường Cầu Ông Lãnh, quận 1).

        Cơ quan nhà nước cũng vi phạm

Không chỉ hộ mặt tiền hay người buôn bán nhỏ lấn chiếm vỉa hè để kinh doanh, ngay cả một số cơ quan nhà nước, trường học, bệnh viện… cũng chiếm vỉa hè làm bãi giữ xe. Toàn bộ vỉa hè trước trụ sở Công an quận 1 (số 73 Yersin, phường Cầu Ông Lãnh) bị trưng dụng làm bãi giữ xe của đơn vị này. Vỉa hè trước trụ sở UBND phường 17 quận Bình Thạnh (99 - 101 Xô Viết Nghệ Tĩnh) cũng thành bãi giữ xe máy; nhiều khi thiếu chỗ đậu, xe máy được dựng cả dưới lòng đường. Tình trạng này cũng xảy ra ở nhiều cơ quan nhà nước khác như UBND phường Cô Giang, quận 1 (đường Hồ Hảo Hớn); UBND phường 21, quận Bình Thạnh (đường Bạch Đằng); Chi cục Thuế quận 1 (đường Trần Quang Khải)…

Đường Đặng Thái Thân (phường 11 quận 5) nằm bên hông Bệnh viện Đại học Y Dược, đi bộ cũng khó nói gì đi xe, vì vỉa hè hai bên đều bị chiếm dụng làm bãi giữ xe do Công ty TNHH Dịch vụ Bảo Thịnh Phú kinh doanh giữ xe, vỉa hè không còn khoảng trống nào. Dưới lòng đường thì nghẹt ô tô và hàng quán. Theo giấy phép do UBND quận 5 cấp, công ty này được sử dụng 180m2 vỉa hè để làm bãi giữ xe cho bệnh viện. Lệ phí sử dụng số diện tích vỉa hè này là 12.000 đồng/m2, tính ra mỗi tháng công ty này chỉ phải nộp hơn 2 triệu đồng phí sử dụng vỉa hè!

Điều 25a và 25c Nghị định 100/2013/NĐ-CP ngày 3-9-2013 của Chính phủ (sửa đổi, bổ sung một số quy định về quản lý và bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ của Nghị định 11/2010/NĐ-CP) cho phép người dân sử dụng một phần hè phố trong trường hợp làm điểm giữ xe cho đám ma đám cưới, nhưng không quá 48 giờ; một số vỉa hè được trông giữ xe có thu phí, nhưng phải đảm bảo phần hè phố còn lại dành cho người đi bộ có bề rộng tối thiểu đạt 1,5m. Ngày 20-10-2013 tới đây, Nghị định 100/2013/NĐ-CP có hiệu lực, thế nhưng vẫn chưa thấy chính quyền các địa phương và các cơ quan chức năng liên quan triển khai việc giải tỏa tình trạng chiếm dụng vỉa hè để có lối dành cho người đi bộ trên các tuyến đường Đặng Thái Thân, Thuận Kiều, Nhật Tảo (quận 5), Cách Mạng Tháng Tám, Thành Thái, Bắc Hải (quận 10), Cô Bắc, Cô Giang, Đề Thám, Hồ Hảo Hớn (quận 1), Bùi Hữu Nghĩa (Bình Thạnh), Nguyễn Văn Nghi (Gò Vấp)…

THƯ LÊ - THU HƯỜNG

Tin cùng chuyên mục