Việc làm cho người tái định cư ?

Việc làm cho người tái định cư ?

Trong các số báo trước chúng tôi đã phản ánh nhiều vướng mắc trong việc xây nhà tái định cư. Trên thực tế, cuộc sống của người tái định cư cũng rất khó khăn vì mất việc làm hoặc không tìm được việc làm…

  • Thị dân thất nghiệp…

Chung cư tái định cư nằm trên đường Tân Hương, phường Tân Quý, quận Tân Phú được đưa vào sử dụng năm 1999, phục vụ nơi ở cho các hộ dân bị giải tỏa từ dự án kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè. Nhưng người dân ở đây đang phải từng ngày vật lộn với cái ăn, nợ nần chồng chất…

Việc làm cho người tái định cư ? ảnh 1

Gia đình bác Nguyễn Thị Thái gồm năm người sống chen chúc trong căn nhà chật chội 65m2 ở lầu 3, lô A. Hai bác năm nay đã ngoài bảy mươi, sống chung với hai người con gái lớn chưa lập gia đình nhưng đang thất nghiệp và người con trai út đã ngoài 30 tuổi, bị tật nguyền. Sau khi đi bộ đội về, anh bị phát bệnh tâm thần phân liệt, suốt ngày chỉ thui thủi trong nhà cười nói như đứa trẻ.

Bác Thái tâm sự: “Lúc ở kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè nhờ hai đứa con gái buôn bán và nhận hàng về thêu nên đủ sống. Từ khi bị giải tỏa về đây, tiền dành dụm phải vơ vét trả tiền nhà vậy mà cũng mới trả chưa được một nửa. Hai đứa con gái mất việc làm do nhà xa, không có phương tiện đi giao hàng”. Giờ đây, cả gia đình bác trông nhờ vào tiền của đứa con trai cả đã có gia đình gửi cho.

Bà Nguyễn Thị Bảy, nhà ở lầu 4, khu D cũng rơi vào tình trạng tương tự. Trước đây, nhà ở khu vực chợ Phạm Văn Hai, bà bán nước mía, chồng vá xe một ngày kiếm gần 100 ngàn, tạm đủ nuôi 4 đứa nhỏ. Từ ngày lên đây, tiền nhà nợ ngập đầu mà vợ chồng thì thất nghiệp. Hai vợ chồng, hai đứa lớn nghỉ học bán vé số mà không đủ ăn huống chi góp trả tiền nhà cho công ty.

Anh Lê Đức Nam, trưởng khu phố 6 cho biết, trên 300 hộ thuộc 7 lốc chung cư tái định cư này rất khó xin việc làm. Do hầu hết họ buôn gánh bán bưng, không có nghiệp vụ chuyên môn. Khi về đây, nơi ở xa lạ đã đẩy họ rơi vào khốn khó vì thất nghiệp.

Lọt thỏm giữa vùng quê hẻo lánh, chung cư Bình Trưng Đông, quận 2 là nơi tái định cư của những hộ dân giải tỏa từ dự án đại lộ Đông Tây, khu đô thị mới Thủ Thiêm từ 5 năm qua. Song, cuộc sống người dân nơi đây cũng rất bấp bênh. Chị Nguyễn Thị Xuân, nhà ở khu B kể: Trước đây, ông xã mở tiệm cắt kiếng, hai thằng con trai lớn gánh nước sạch bán cho bà con quanh xóm, một ngày kiếm được hơn trăm ngàn, nuôi đủ 9 miệng ăn. Từ ngày về đây, chẳng ai gọi gánh nước hay cắt kiếng nên ở không. Mình tôi và 2 đứa con gái lớn nhận đan len gia công lúc có lúc không nên gia đình bữa đói bữa no.

Theo ông Phạm Thế Hùng, phụ trách lao động tiền lương, Phòng Lao động-Thương binh-Xã hội quận 2, giải pháp “chữa cháy” trước mắt của quận là hỗ trợ vốn cho gia đình có nhu cầu kinh doanh. Số tiền cho vay tối đa 20 triệu đồng, hoàn vốn trong 12 tháng. Tuy nhiên, giải pháp này sẽ không khả thi do người dân không biết làm gì để có đủ số tiền hoàn lại ngay một năm sau đó.

  • Nông dân “bó tay”!

Những người ở phố biết buôn bán, có nghề còn vậy, còn nông dân quanh năm chân lấm tay bùn khi bị giải tỏa không còn đất canh tác sẽ sống ra sao? Anh Trần Thanh Bình, nhà ở đường D1, khu phố 6, phường Hiệp Phú, quận 9 than thở: “Vợ chồng tôi trước đây có đất nuôi heo, gà thu nhập tương đối ổn định. Từ ngày về đây, vợ thì không biết làm gì, tôi phải lên tận Sông Bé làm cỏ mướn, một tháng về nhà một lần mà cũng chỉ được 1,2 triệu đồng/tháng. Mà tôi già rồi đâu có làm nghề này mãi được, không biết sau này vợ chồng con cái sống bằng cách nào nữa”.

Theo Ban Bồi thường Giải phóng mặt bằng quận 9, hiện nay có trên ba ngàn hộ nông dân nằm trong khu vực giải tỏa của dự án Trung tâm Phát triển Công nghệ cao TPHCM. Cả quận có gần 10 khu tái định cư đã và đang triển khai xây dựng. Để giải quyết nguy cơ thất nghiệp của số lượng lao động này, bà Trương Thị Kim, phụ trách giải quyết việc làm thuộc Phòng Lao động-Thương binh-Xã hội quận 9 cho biết: “Các hộ thuộc diện giải tỏa đều là nông dân. Do đó, sau khi sắp xếp cho các hộ vào ở tái định cư, khâu bố trí việc làm đang là vấn đề bức xúc của quận. Nông dân mà đưa họ vào ở trong nhà phố, không có đất trồng trọt, chăn nuôi thì họ biết lấy gì mà sống”?!

Theo bà Kim, trước mắt quận phối hợp với những công ty quanh khu vực để tạo việc làm cho bà con. Tuy nhiên, hiện tại các công ty chỉ tiếp nhận những lao động nữ có độ tuổi từ 18 đến 25. Các thành phần lao động khác vẫn chưa có hướng giải quyết. 

Tin cùng chuyên mục