Việc xử lý hành vi vứt rác bừa bãi chưa được quan tâm đúng mức

Việc xử lý hành vi vứt rác bừa bãi chưa được quan tâm đúng mức

Dù tốn tiền tỷ mỗi năm cho việc dọn dẹp vệ sinh, quét và vớt rác nhưng nhìn chung trên rất nhiều tuyến đường và rất nhiều tuyến kênh rạch của TPHCM, vẫn nhếch nhác vì rác thải vương vãi khắp nơi.

Theo nhiều chuyên gia về quản lý đô thị và môi trường, nguyên nhân chính của tình trạng này là do việc thiếu một cơ chế chế tài nghiêm khắc và một đội ngũ những người thực thi pháp luật, kiểm tra, giám sát, xử lý hành vi vứt rác bừa bãi. Hiện TPHCM tập trung nhiều nguồn lực cho công tác quét rác, vận chuyển, xử lý rác nhưng lại chưa đầu tư đúng mức cho việc giám sát, xử lý hành vi vứt rác bừa bãi.         

Tiến sĩ Nguyễn Trung Việt, nguyên Chánh văn phòng Ban Chỉ đạo Biến đổi khí hậu TPHCM cho biết, mỗi ngày, TP thải ra khoảng 7.200 - 7.400 tấn chất thải rắn từ các hoạt động sinh hoạt, dịch vụ và công nghiệp. Các hoạt động quản lý chất thải rắn sinh hoạt đô thị tại TPHCM bao gồm: quét dọn, vệ sinh đường phố và các khu công cộng, thu gom chất thải rắn tại các nguồn phát thải và trên kênh rạch, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt từ các điểm hẹn đến trạm trung chuyển và từ các trạm trung chuyển/điểm hẹn đến các khu liên hợp/nhà máy xử lý chất thải và xử lý, tái chế chất thải rắn sinh hoạt. Kinh phí phục vụ cho tất cả các hoạt động trên khoảng 2.200-2.400 tỷ đồng/năm, trong đó 10% của các chủ nguồn thải trả phí vệ sinh, 90% ngân sách của thành phố. Toàn bộ các dịch vụ trên đều do các công ty và cá nhân cung cấp bằng hợp đồng với các cơ quan quản lý nhà nước.

Xả rác bừa bãi ở công viên.
Ảnh minh họa: Quý Lâm

Tuy nhiên, việc xử lý hành vi vứt rác bừa bãi cũng như kinh phí đầu tư cho việc này lại được lồng ghép với công tác giữ gìn trật tự đô thị nói chung và được giao cho các quận, huyện chủ động thực thi. Với lý do bận rất nhiều việc, hầu hết các quận, huyện đã không quan tâm đúng mức tới việc xử lý hành vi vứt rác bừa bãi cũng như tổ chức lực lượng cho công tác này. Kết quả, TPHCM tốn rất nhiều tiền cho xử lý rác nhưng lúc nào cũng có rác vương vãi khắp nơi. Thậm chí, cả ở các tuyến kênh vừa mới được chỉnh trang, cải tạo mới rất đẹp như Nhiêu Lộc - Thị Nghè, Tàu Hủ - Bến Nghé… cũng có rác.

Cách tổ chức quản lý như vậy chẳng khác nào giải quyết vấn đề mà chỉ giải quyết phần ngọn, đi xử lý hậu quả mà không ngăn ngừa nguồn gốc phát sinh. Thiết nghĩ, ngành chức năng nên tập trung đầu tư mạnh mẽ hơn cho công tác ngăn ngừa hành vi vứt rác bừa bãi. Hiện nay, TPHCM đã tiến hành lắp đặt camera kiểm soát an ninh, giao thông ở nhiều tuyến đường, nhiều tuyến phố. Ngành vệ sinh môi trường có thể kết hợp với các cơ quan liên quan cùng sử dụng nguồn thông tin này để tìm và xử lý những người có hành vi vứt rác bừa bãi. Mặt khác, để người dân có điều kiện vứt rác đúng nơi quy định, ngành chức năng nên đặt thêm các thùng rác công cộng. Trong bối cảnh ngân sách hạn hẹp, ngành vệ sinh môi trường có thể xã hội hóa, kêu gọi đầu tư lắp đặt thêm thùng rác công cộng. Hiện nay, nhiều hoạt động công cộng của thành phố như vận tải hành khách công cộng, lắp đặt ghế đá trong công viên… đều đã có thể xã hội hóa nguồn vốn đầu tư. Việc lắp đặt thùng rác cũng có thể làm như vậy.

Ông bà ta đã dạy “nhà sạch thì mát, bát sạch ngon cơm”. Dù có thêm rất nhiều tòa nhà hiện đại, thêm nhiều tuyến rộng rãi… mà rác vương vãi khắp nơi, TPHCM vẫn khó mà sạch, đẹp, văn minh trong mắt người dân và du khách.

TÂM ĐỨC

Tin cùng chuyên mục